0
El País – Khi một tờ báo chính luận đứng ở ngã rẽ lịch sử
Trích đoạn từ cuốn sách "GRUPO PRISA - Truyền thông nâng cao dân trí và vì tiếng nói của người dân".
Grupo Prisa, được biết đến như một biểu tượng của tự do ngôn luận và dân chủ, đã khẳng định vị thế của mình không chỉ qua tờ báo El País mà còn qua nhiều tài sản truyền thông khác, đóng góp vào sự phát triển văn hóa và giáo dục, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội và chính trị. Điều đáng chú ý là sự phát triển và biến đổi của Grupo Prisa diễn ra đồng thời với quá trình chuyển đổi dân chủ ở Tây Ban Nha, từ sự kết thúc của chế độ Franco đến thời kỳ hiện đại, phản ánh một cách chân thực sự đa dạng và phức tạp của xã hội Tây Ban Nha.
GRUPO PRISA – Truyền thông nâng cao dân trí và vì tiếng nói của người dân không chỉ là một bài học về lịch sử truyền thông và chính trị Tây Ban Nha mà còn là một phân tích sâu sắc về sự thâm nhập và ảnh hưởng của tài chính vào ngành truyền thông, cùng với những bài học về sự cần thiết của sự độc lập báo chí và trách nhiệm xã hội. Cuốn sách là một đóng góp quan trọng cho bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử truyền thông, sự phát triển của dân chủ, và tương lai của báo chí trong kỷ nguyên số.
Như đã đề cập ở chương 2, lúc bấy giờ, một sự kiện chính trị lớn gây chấn động xã hội Tây Ban Nha đã tạo cơ hội cho El País khẳng định mình đứng về phía lẽ phải của lịch sử. Chúng tôi đang đề cập đến nỗ lực đảo chính của Tây Ban Nha vào thứ Hai, ngày 23 tháng 2 năm 1981 (được gọi là 23-F hay Tejerazo), khi Tây Ban Nha thực hiện những bước đầu tiên hướng tới dân chủ. Đối mặt với một sự kiện có tầm quan trọng như vậy, các nhân viên của tờ báo Prisa đã thể hiện sự tận tâm của họ đối với nền dân chủ non trẻ. El País, vào thời điểm đó tự giới thiệu mình là “tờ báo độc lập buổi sáng”, sau đó đã xuất bản một ấn bản đặc biệt dài 16 trang với câu chuyện trang bìa có tựa đề “El País, con la Constitución” (Tạm dịch: Đất nước có Hiến Pháp). Đó là cách tờ báo công khai lên án cuộc đảo chính mà nhiều giờ sau đó mới bộc lộ rằng bản thân nó là một sự thất vọng. Trong thời kỳ hỗn loạn về thể chế, bài xã luận đã mạnh mẽ tuyên bố rằng “cuộc nổi dậy phải bị hủy bỏ; đồng phạm và những kẻ che đậy nó phải bị vạch mặt và giam giữ; và kẻ chủ mưu đã bị bắt, bị xét xử bởi các tòa án để đảm bảo một phiên tòa công bằng” (EL PAÍS, 1981).
Kể từ đó trở đi, ấn phẩm hàng đầu này của Prisa đã tìm cách kết nối và thực sự gắn liền với một Tây Ban Nha dân chủ đương đại. Với phiên bản đặc biệt 23-F, Prisa bắt đầu khởi động một loại trò chơi phản-ánh thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả, qua đó đầu báo (El País) tự coi mình là Tây Ban Nha (quốc gia) và ngược lại. Nói cách khác, Tây Ban Nha sẽ được phản ánh trên tờ báo El País, trong khi tờ báo El País phản ánh Tây Ban Nha hiện đại đương thời.
Antonio Espantaleón Peralta, tác giả tác phẩm El País y la transición politica (tạm dịch: Đất nước và sự chuyển đổi chính trị) (2002) với nội dung phân tích hiệu quả của tờ báo trong những năm đầu tiên, đã chỉ ra:
Nếu chúng ta phân loại các bài xã luận của tờ báo, từ thời kì đầu đến quý 1 năm 1981 (cuộc đảo chính Tejero) và liên hệ chúng với động lực chính trị của đất nước, chúng ta có thể thấy sự trùng lặp nhất định giữa El País và đất nước. Một mối quan hệ năng động tương hỗ lẫn nhau (Espantaleón Peralta, 2002: 20).
Nhiều năm sau, vào cuối năm 2017, Grupo Prisa đã tận dụng thời điểm kết thúc bốn thập kỷ đầu tiên của nền dân chủ ở Tây Ban Nha – trùng với lễ kỷ niệm 40 năm El País – để khởi động, thông qua tiêu đề của nó, chu kỳ España 40-40, họ giải thích với độc giả về sự kiện này:
El País đã chứng kiến và tham gia vào sự chuyển đổi này và muốn kỷ niệm ngày này bằng cách thúc đẩy một cuộc đối thoại, không chỉ để phản chiếu lại 40 năm dân chủ này mà còn để xem xét những thách thức trong bốn thập kỷ tới là gì. Để đạt được mục tiêu này, cần trông cậy vào sự tham gia ý kiến của các nhà lãnh đạo từ các lĩnh vực xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị, những người sẽ phân tích quy mô và vai trò của Tây Ban Nha ở Châu Âu và trên thế giới thông qua các hình thức khác nhau. (EL PAÍS, 2017c)
Nhân kỷ niệm 35 năm nỗ lực đảo chính, Prisa Video đã sản xuất một bộ phim tài liệu do Daniel Cebrián (con trai của Juan Luis Cebrián, chủ tịch điều hành của Grupo Prisa trong giai đoạn 2008–2018) viết kịch bản và đạo diễn, có tựa đề giống bài xã luận của số đặc biệt nổi tiếng trước đó của El País: El País con la Constitución (2016). Trong suốt 75 phút, bộ phim tài liệu tái hiện lại những giờ phút căng thẳng của ngày hôm đó bên trong nhà xuất bản, nhấn mạnh quyết định của giám đốc lúc bấy giờ là Juan Luis Cebrián về việc xuất bản một ấn bản đặc biệt của El País, trong khi Hạ viện bị các chỉ huy quân đội chiếm giữ. Nó cũng cho thấy sự tham gia tự nguyện của người lao động trong công ty cũng như tác động trong nước và quốc tế mà ấn bản đặc biệt của tờ báo đã mang lại. Trong quá trình quay bộ phim tài liệu này, Soledad ÁlvarezCoto, lúc đó là trưởng bộ phận quốc gia thổ lộ rằng, có điều gì đó đã dần hình thành bên trong DNA của mỗi biên tập viên báo chí: “Theo tôi, 23-F là thời điểm quan trọng nhất tại El País trong suốt chiều dài lịch sử của nó”.
Mười năm sau khi xuất bản số đầu tiên, hiện tượng El País đã có được sự phân tích toàn diện thông qua công trình do Gérard Imbert phối hợp với José Vidal Beneyto: El País o la referencia dominante (1986) (Tạm dịch: El País hay tham chiếu chính). Trong cuốn sách đó, tờ nhật báo của Prisa được xếp vào loại “báo tham khảo chính”, cùng với các báo khác như La Repubblica (Italia), The Guardian (Anh), O Estadão (Brazil) và The New York Times (Mỹ). Về mặt này Imbert (trong Imbert và Vidal Beneyto, 1986: 25) chỉ ra:
Mười năm sau khi thành lập, El País đã trở thành lịch sử. Tờ báo tự biến mình thành tài liệu tham khảo chủ yếu, tất yếu, bắt buộc đối với bất kỳ cách tiếp cận chính trị hoặc văn hóa nào trong việc phân tích thực trạng Tây Ban Nha hậu chủ nghĩa Franco. Nó có một lịch sử tự coi mình là tờ báo đầu tiên cả trong nước và quốc tế; một lịch sử của riêng nó (với những cuộc đấu tranh nội bộ, những giai đoạn chuyển hóa riêng). Cuộc cách mạng của El País, những bài xã luận lật ngược tình thế, những sự ủng hộ quan trọng, những lời chỉ trích tích cực, những bài giảng và phán quyết của nó có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển chính trị của đất nước và ghi điểm với các chính phủ khác nhau của UCD [Liên minh Trung tâm Dân chủ] và ba năm nắm quyền thường trực của chủ nghĩa xã hội. El País đã trở thành một kiểu đại diện chính thức cho dư luận, đồng thời cũng là yếu tố quan trọng cấu thành nên dư luận; tại một số thời điểm quan trọng, tờ báo đã là đơn vị bảo vệ gần như độc nhất cho tinh thần dân chủ, và một cách không chính thức, đôi khi đảm nhận vai trò là cái tôi thay thế của quyền lực, người cố vấn cho giai cấp chính trị mới… El País đã tạo ra và áp đặt trong những diễn ngôn xã luận của mình một tiếng nói, mà tiếng nói ấy thường được đồng nhất với tiếng nói của tập thể. Làm thế nào một bộ máy thông tin, ngoài chất lượng nội tại và tính chuyên nghiệp không thể phủ nhận của các thành viên, trong một thời gian ngắn ngay sau khi xuất hiện, có thể trở thành một nguồn tham khảo, dẫn hướng cho văn hóa, một trung tâm sản xuất các hình mẫu và chiếm lĩnh một vị trí đặc quyền trong việc tạo ra các nguồn kiến thức và quan điểm?
Tổng quan nhìn lại, trong những năm đầu hoạt động của tờ báo El País, sau này sáp nhập thêm Cadena SER, Grupo Prisa được định nghĩa bởi định hướng tư tưởng trung tả, gần gũi với các lập trường do Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha (PSOE) bảo vệ. Như chúng ta đã thấy ở Chương 1, các chính phủ kế nhiệm của nhà xã hội chủ nghĩa Felipe González (1982–1996) và sau đó là chính phủ của José Luis Rodríguez Zapatero (2004–2011) đã giúp Prisa theo đuổi thành công chiến lược đa dạng hóa truyền thông quyết đoán của mình.
Mặc dù trong ngành thông tin, El País vẫn tiếp tục là pháo đài của báo giới nói tiếng Tây Ban Nha và là nhân vật chủ chốt ở Tây Ban Nha đương đại, nhưng vị thế của họ không còn được như xưa nữa. Bốn năm dưới sự chỉ đạo của Antonio Caño (2014–2018), một người thân tín của Juan Luis Cebrián, đã khiến tờ báo của Prisa mang nặng đặc tính về quyền tư tưởng. Phóng viên lúc bấy giờ của tờ báo ở Washington đã đến Madrid với ý tưởng “nên mở cửa cho người của những đảng mới”. Tuyên bố mở cửa này đã được cụ thể hóa, chẳng hạn, ở các vị trí liên quan đến chính phủ của Mariano Rajoy và, có thời điểm, với đảng chính trị Ciudadanos: một cách xử lý thông tin có lợi cho Hoàng gia Tây Ban Nha khi thể chế này rơi vào những thời điểm tồi tệ nhất, các bài xã luận chống lại đảng chính trị cánh tả mới Podemos, và việc đưa tin ngày càng thù địch về phong trào độc lập của xứ Catalan.
Sự chuyển đổi tư tưởng sang cánh hữu của tờ báo dân chủ xã hội truyền thống này đã gây ra lo ngại và phản đối từ phần lớn phòng tin tức và độc giả. Cần lưu ý rằng với sự xuất hiện của Caño, cả biên tập viên thứ hai (và phó tổng biên tập hiện tại của tờ báo) Joaquín Estefanía và một trong những nhà báo sáng lập (và biên tập viên hiện tại) Soledad Gallego-Díaz đều đã rời ban biên tập của El País. Cả hai chuyên gia này đều được công ty coi là “sự hiện diện cuối cùng của những giá trị đã biến tờ báo thành tài liệu tham khảo” (Gálvez, 2014). Nhiệm kỳ của Caño với tư cách là tổng biên tập đã được điểm xuyết bằng nhiều xung đột giữa ban biên tập và ban lãnh đạo do “những phàn nàn của các nhà báo về việc thao túng thông tin của họ và sự thiếu gắn kết chung giữa ban biên tập và đường lối biên tập của tờ báo” (Gálvez, 2014).
Vào cuối năm 2015, nhà báo kỳ cựu Miguel Ángel Aguilar, người có chuyên mục bày tỏ quan điểm trên tờ báo từ năm 1994, đã bị sa thải ngay tại chỗ sau những lời chỉ trích của ông về tình trạng của các tờ báo lớn của Tây Ban Nha, trong đó có El País, xuất hiện trong một bài báo được xuất bản bởi The New York Times. Ngoài việc chỉ ra rằng “các tờ báo nằm trong tay những chủ nợ, và cả trong tay của một chính phủ đã giúp thuyết phục những chủ nợ ấy rằng các tờ báo nên được giữ tồn tại thay vì nên chết ngạt trong nợ nần”, Aguilar khẳng định: “Được làm việc tại El País từng là niềm mơ ước của bất kỳ nhà báo Tây Ban Nha nào. Nhưng bây giờ có những người phẫn nộ đến mức bỏ đi, thậm chí đôi khi với cảm giác tình hình đã đến mức trở thành kiểm duyệt” (Minder, 2015).
Bài viết có chữ ký của Raphael Minder (2015) thì báo cáo rằng:
Thành viên phòng tin tức đã cố gắng tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với sự lãnh đạo của Antonio Caño, tuy nhiên ông này đã dập tắt những nỗ lực này.
Trong những tháng gần đây, ủy ban phòng tin tức đã nêu lên mối lo ngại về các bài báo đã bị thay đổi hoặc xóa khỏi trang web El País sau khi chúng được phát hành, bao gồm hai bài báo liên quan đến Qatar, theo biên bản các cuộc họp nội bộ của ủy ban mà The New York Times đã theo dõi.
Prisa, công ty mẹ của El País, đang đàm phán một hợp đồng đầu tư với một công ty Qatar.
Hai bài báo khác liên quan đến Telefónica, một công ty là cổ đông của Prisa và đã mua tài sản truyền hình của công ty này vào năm ngoái, giúp Prisa cắt nợ xuống còn 1,9 tỷ euro, tương đương khoảng 2,1 tỷ đô-la.
Tuần trước, biên tập viên của El País, ông Caño trong một bài thuyết trình đã cho hay: khoản nợ của Prisa “không hề” ảnh hưởng đến nội dung xã luận trên tờ báo của ông. Juan Luis Cebrián, chủ tịch điều hành của Prisa và đồng sáng lập El País, cũng nhấn mạnh tính độc lập của phòng tin tức. Ông nói: “Những gì được xuất bản là những gì biên tập viên của El País muốn xuất bản”.
Bên cạnh việc Aguilar ngừng hợp tác, Asociación de Editores de Diarios Españoles (AEDE), đại diện cho các nhà xuất bản của 80 tờ báo quốc gia và địa phương, sau đó do Giám đốc điều hành Prisa José Luis Sainz chủ trì, đã cáo buộc báo cáo của The New York Times là “một bức tranh biếm họa về hiện thực tin tức Tây Ban Nha” (EL PAÍS, 2015). Về phần mình, El País đã xuất bản bài báo “Los problemas económicos limitan la expansión de The New York Times” (“Các vấn đề kinh tế hạn chế sự mở rộng của The New York Times”), trong đó đưa tin tờ báo này đã sa thải hơn 300 nhà báo từ năm 2008 và có khoản nợ 430 triệu đô-la, qua đó đặt ra câu hỏi về khả năng “duy trì đường lối biên tập độc lập” (Mars và Martínez Ahrens, 2015). Đổi lại, El País quyết định ngừng cung cấp phần phụ trương của tờ nhật báo Mỹ này. Trước đó kể từ năm 2004 vào thứ Năm hàng tuần họ vẫn phát hành một tập sách nhỏ tuyển tập các chủ đề từ The New York Times bằng tiếng Tây Ban Nha (Soteras, 2015). Đáp lại, nữ phát ngôn viên của The New York Times, Eileen Murphy, than thở rằng El País đã dùng các trang báo “để tiến hành trả thù doanh nghiệp khác” (CLB, 2015).
Vài tháng sau cuộc xung đột với The New York Times, vụ bê bối Hồ sơ Panama nổ ra – một vài báo cáo về mối quan hệ giữa Juan Luis Cebrián với công ty dầu mỏ Star Petroleum của doanh nhân Iran Massoud Zandi được đưa ra (xem phần sau về việc đình chỉ hợp tác của nhà báo Ignacio Escolar tại Cadena SER) – gây khó chịu cho một số chuyên gia từ El País và Cadena SER. Một thông điệp ẩn rằng “Cebrián là một kẻ bạo chúa như Calígula” được ghi trong phần phụ trương Tentaciones của El País, có chữ ký của Juan Soto Ivars. Nhà văn và nhà báo trẻ này đã công khai giải thích lý do tại sao anh quyết định “nói với Cebrián những gì tôi nghĩ về ông tại chính ngôi nhà của ông ấy” (Soto Ivars, 2016):
Bởi vì tôi lớn lên cùng những trang báo El País, tôi được dạy đọc El País và tôi hiểu về Tây Ban Nha nhờ đọc El País; bởi vì tôi đã dành nhiều năm chứng kiến họ biến một tờ báo toàn những chuyên gia xuất sắc thành một trang trại để phục vụ cho những chủ nợ của mình. Tôi không muốn việc mình làm bị hiểu là công kích tờ báo, vì đây thực ra là hành động bảo vệ. Tôi thực sự mong muốn El País quay trở lại như xưa.
Sự năng động của nền chính trị Tây Ban Nha luôn song hành cùng những thay đổi của Grupo Prisa và các phương tiện truyền thông của nó. Và kỷ nguyên của CebriánCaño dường như đã kết thúc vào cuối năm 2018. Động thái chỉ trích vào năm 2018 đã loại Rajoy khỏi chính phủ và nhà xã hội chủ nghĩa Pedro Sánchez mới nắm quyền đã có chỉ đạo dành cho El País: Soledad GallegoDíaz lên thay thế Caño.
Hai tháng trước khi diễn ra cuộc chuyển đổi này, nhà báo Fernando Cano (2018) đã tiên đoán được tình hình và diễn giải tiên đoán này trên các trang báo El Español:
Các cổ đông lớn của Prisa đã bị thuyết phục rằng El País… phải chuyển hướng và khôi phục cội nguồn lịch sử của mình. Một chiến lược trong lúc này là cần thiết cho việc thay thế Antonio Caño… Đây không phải là vấn đề quay lại với đảng PSOE cũ của Felipe González, cũng không phải là lao vào vòng tay của đảng cánh tả mới do Podemos đại diện, mà là vấn đề lăn bánh để rời xa cái lý tưởng về quyền tư tưởng đã hằn sâu trong đầu Caño…. Mục tiêu là để El País không còn chịu sự chi phối của các quyền lực chính trị và kinh doanh, đồng thời xóa bỏ hình ảnh về “thể chế” mà nó đã nuôi dưỡng trong nhiều năm, thay thế nó bằng một đặc trưng độc lập hơn.
Chúng ta đang nói về một bước ngoặt ý thức hệ vì lý do thương mại, vì đó là vấn đề một lần nữa làm hài lòng những độc giả đã từng gắn bó với tờ báo, cũng như làm hài lòng những thế hệ mới vốn coi El País là một trung tâm tư bản và gần với quyền thế, một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với những giá trị mà tờ báo đã vun đắp trong bốn mươi năm trước đây với sự ra đời của mình. Bước ngoặt này giờ đây xoay quanh việc thu hút được nhiều độc giả hơn và do đó tăng thu nhập.
Thật vậy, những thay đổi trong ban lãnh đạo cấp cao của Grupo Prisa và sự ra đi của Cebrián với tư cách là chủ tịch công ty đã thúc đẩy việc rời bỏ Caño. Với việc bổ nhiệm Soledad Gallego-Díaz, người phụ nữ đầu tiên đứng đầu El País trong bốn thập kỷ tồn tại của nó[1], một số người cho rằng ban lãnh đạo của Prisa đang cố gắng tìm cách quay trở lại bản chất của tờ báo, khôi phục lại hình ảnh về mặt hệ tư tưởng trước kia – một đường lối biên tập trung tả – và mang đến những nội dung gắn liền với những mối quan tâm của độc giả El País. Việc chỉ định Gallego-Díaz – nhận được tới 97,2% số phiếu bầu từ lực lượng lao động của tờ báo – ủng hộ cho ý tưởng về nỗ lực giành lại đường lối dân chủ xã hội như trước đây từ bàn tay của một chuyên gia thủ cựu (PÚBLICO/AGENCIAS, 2018).
Quả thực, dưới sự chỉ đạo của nữ giám đốc mới, El País đã cho ra mắt chiến dịch “¿Y tu qué piensas?” (Còn bạn nghĩ sao?) vào đầu năm 2019, được phát triển bởi bộ phận thương hiệu của Prisa Noticias và công ty quảng cáo Shackleton. Chiến dịch đã trực tiếp thu hút độc giả và tuyên bố El País là “Một nơi để hiểu. Và cũng là một nơi để suy ngẫm”, nêu bật “những giá trị đã đồng hành cùng tờ báo kể từ khi thành lập”, tập trung vào năm chủ đề chính: nhập cư, nữ quyền, giáo dục, sinh thái và đối thoại (EL PAÍS, 2017a).
Tuy nhiên, bất chấp những chủ đề chính đã được công bố, đường lối biên tập của tờ báo sau khi bổ nhiệm Gallego-Díaz hầu như không có bất kỳ thay đổi nào về các vấn đề chính trị lớn như báo cáo tình hình của đảng chính trị Podemos hay ủng hộ Vương quyền và Hiến pháp 1978.
Cuối cùng, có hai vấn đề trong những năm gần đây đã làm rung chuyển (và vẫn đang làm rung chuyển) cuộc sống của El País: một mặt là việc loại bỏ các quảng cáo trên các trang báo khuyến khích mại dâm và mặt khác là thông cáo báo chí về những trận đấu bò diễn ra ở các địa điểm chính của đất nước.
Về vấn đề đầu tiên, vào ngày 15 tháng 7 năm 2017, El País đã ngừng xuất bản cái gọi là quảng cáo liên hệ, là những quảng cáo khuyến khích bóc lột tình dục, chủ yếu đối với phụ nữ. Bước đi lịch sử này được thực hiện nhằm đảm bảo tính chặt chẽ trong đường lối biên tập mảng này của Prisa. Rõ ràng, không thể hiểu rằng El País vốn có nhiều tin về vấn đề bạo lực ở nam giới và hậu quả nghiêm trọng nhất của nó (tức là bạo lực giới) lại có thể chia sẻ không gian với loại quảng cáo này. Quyết định này được đưa ra sau vô số lời phàn nàn từ defensor del lector (người bào chữa cho độc giả) của El País (nhiều độc giả không thể hiểu nổi tại sao một tờ báo tiến bộ xã hội và bảo vệ cho các giá trị con người lại khuyến khích vấn đề mại dâm) và một thập kỷ sau, nhiều phương tiện truyền thông Tây Ban Nha (như Público, La Gaceta, 20 Minutos, hay La Razón) đã ngăn chặn loại quảng cáo này. Người ta ước tính rằng quyết định từ bỏ một nguồn thu nhập đáng kể và đảm bảo đồng nghĩa với việc El País đã mất đi một khoản tiền là từ 12.000 đến 14.000 euro mỗi ngày (DIRCONFIDENCIAL, 2017).
Ngoài hành động này, cần lưu ý rằng vào tháng 5 năm 2018, El País đã công bố rằng mình sẽ tạo ra các phóng viên về vấn đề giới tính, với mục tiêu là “lập kế hoạch và cải thiện việc đưa tin hiện tại về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và phụ nữ” (El País, 2018a). Sau đó, vào tháng 6 năm 2018, nữ phóng viên đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ này đã đến làm việc cho tờ báo.
Liên quan đến việc đưa tin trên báo về các sự kiện đấu bò của El País (và mạng phát thanh Cadena SER của Grupo Prisa), cần lưu ý rằng Tây Ban Nha là quốc gia có lễ hội đấu bò đặc sắc nhất thế giới. Các trận đấu bò được tổ chức ở đất nước này từ thế kỷ 12, không chỉ được coi là một hoạt động thương mại và giải trí mà còn là một sự kiện chính trị (Schubert, 2002). Bất chấp truyền thống lịch sử này, trong những năm gần đây rất nhiều cộng đồng trong xã hội Tây Ban Nha ngày càng phản đối việc tổ chức các lễ hội nổi tiếng mà đối tượng bị đem ra sử dụng là loài bò (đua bò, bous, thả gia súc, v.v.) cũng như lễ hội đấu bò (đấu bò, rejones, thi xẻ thịt bò, v.v.). Những người phản đối việc đấu bò cho rằng các trận đấu bò quá tàn nhẫn và hoang dại, xúc phạm đến sự nhạy cảm và ý thức công dân. Về phần mình, những người yêu thích đấu bò lại coi đây như một phần trình diễn mang tính di sản văn hóa Tây Ban Nha. Theo nghĩa này, triết gia người Tây Ban Nha Fernando Savater, người đã giữ mối liên hệ với El País kể từ khi khai sinh tờ báo, chỉ ra rằng “không nghi ngờ gì nữa, đấu bò là một trò chơi có nguồn gốc nghệ thuật và văn hóa, được hệ thống hóa và cách điệu một cách nghiêm ngặt qua nhiều thế kỷ, được nhiều người yêu thích và cũng là một cách để đảm bảo đời sống cũng như một loại hình phát triển kinh tế gắn liền với địa danh và ngành chăn nuôi gia súc” (Savater, 2011).
Trong vấn đề này, nhiều thập kỷ qua đã có một cuộc tranh luận do một số độc giả của El País khơi mào. Họ tin rằng phương tiện báo chí này nên ngừng đưa tin về đấu bò. El País không hề né tránh cuộc tranh luận này, họ có hẳn một chuyên mục dành cho việc ủng hộ và phản đối các trận đấu bò. Mùa hè năm 2010, Quốc hội Catalan phê chuẩn lệnh cấm đấu bò ở Catalonia, hiệu lực bắt đầu từ năm 2012, El País là một trong số những tờ báo tổng hợp – cùng với La Vanguardia, El Periódico de Catalunya và Avui (tất cả đều được xuất bản ở Catalonia) – đưa tin thể hiện sự ủng hộ đối với lệnh cấm này (Urchaga Litago và cộng sự, 2017). Và vào tháng 9 năm 2017, tờ báo này đã thiết lập một cuộc khảo sát trực tuyến, phi khoa học để lấy ý kiến của độc giả và nhận được 37.486 phản hồi. Trong đó 60,6% người tham gia bày tỏ rằng họ tin là các lễ hội đấu bò sẽ bị ngừng lại và 58,66% ủng hộ việc cấm chúng (EL PAÍS, 2017d).
Vào giữa năm 2019, người khi đó ủng hộ cho việc giữ truyền thống đấu bò tót là Carlos Yárnoz, đã để lại một kỷ lục liên quan đến quan điểm của El País. Trong chuyên mục Chủ nhật của mình, ông phủ nhận ý kiến cho rằng đã đến lúc ngừng xuất bản mục tin hằng ngày về đấu bò bằng cách viện dẫn những lập luận do tổng biên tập mục văn hóa đưa ra: “Kể từ khi thành lập, tờ báo đã đặt cược vào việc coi đấu bò là cuộc trình diễn văn hóa”. Ông cũng nói rõ rằng “chỉ những bài phê bình về các hội đấu lớn mới được xuất bản ‘vì những hậu quả xã hội của chúng’ và rằng ‘chiều hướng văn hóa’ này được phản ánh trong các biên niên sử bằng các ‘thủ pháp văn học’” (Yárnoz, 2019).
Chú thích
[1] Trong lịch sử 44 năm của mình, tờ báo có 6 tổng biên tập: Juan Luis Cebrian (1976–1988), Joaquín Estefanía (1988–1993), Jesús Ceberio (1993–2006), Javier Moreno (2006–2014), và Antonio Caño (2014–2018) và Soledad Gallego-Díaz (2018–).