0
Điểm sách: ALIBABA – Qua góc nhìn kinh tế chính trị
Review tác phẩm "ALIBABA - Sự tương tác phức tạp fiwxa nhà nước và vốn tư bản trong bối cảnh Trung Quốc vươn ra toàn cầu" đến từ độc giả, Facebooker Lê Huy Long
“ALIBABA – Sự tương tác phức tạp giữa nhà nước và vốn tư bản trong bối cảnh Trung Quốc vươn ra toàn cầu” mở rộng khái niệm về Internet Trung Quốc, từ một “mạng nội bộ” bị kiểm soát bởi nhà nước đến một hệ thống tương tác toàn cầu, qua đó đóng góp vào việc hiểu sâu hơn về bản chất đa diện của nền kinh tế Internet hiện đại. Cuốn sách phân tích cách mà Alibaba, khởi điểm từ một công ty thương mại điện tử, đã trở thành một phần của cơ sở hạ tầng cho sự phát triển và mở rộng toàn cầu của Trung Quốc, mở rộng sang nhiều lĩnh vực từ logistics, tài chính, điện toán đám mây đến truyền thông và giải trí. Đồng thời, cuốn sách nêu bật mô hình đặc biệt của mối quan hệ giữa nhà nước và vốn tư bản thông qua hành trình của Alibaba, thể hiện sự phức tạp của quá trình này với cả xung đột và hợp tác giữa hai thực thể. Qua đó, nó cung cấp cái nhìn mới về sự chuyển đổi kinh tế chính trị của Trung Quốc và sự phát triển của Internet toàn cầu, qua lăng kính câu chuyện của Alibaba.
Cuốn sách thuộc bộ sách NHỮNG GÃ KHỔNG LỒ TRUYỀN THÔNG QUA GÓC NHÌN KINH TẾ – CHÍNH TRỊ gồm 10 cuốn với những nghiên cứu về cách vận hành của 10 tập đoàn truyền thông đang nắm giữ vai trò định hình thế giới và những biến đổi xã hội do họ tác động lên thông qua những phương tiện truyền thông như truyền hình, công cụ tìm kiếm, nền tảng mạng xã hội, sách, giải trí, quy trình lăng-xê các ngôi sao, trò chơi điện tử…
Nằm trong loạt sách Những gã khổng lồ truyền thông toàn cầu, cuốn sách nghiên cứu về Alibaba đã chỉ ra những động lực kinh tế chính trị trong quá trình phát triển của gã khổng lồ dẫn đầu Internet toàn cầu: Alibaba – một đế chế được hình thành trong sự tương tác đầy phức tạp giữa nhà nước và vốn tư bản trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy trên toàn cầu.
Về bố cục, cuốn sách nghiên cứu quỹ đạo phát triển của Alibaba theo bốn chiều kích: Lịch sử doanh nghiệp, hồ sơ kinh tế, hồ sơ chính trị và hồ sơ văn hoá.
Về lịch sử: Những nghiên cứu trong cuốn sách chỉ ra 03 giai đoạn phát triển của Alibaba:
(1) Giai đoạn xuất khẩu từ Trung Quốc (1999-2008) trong đó Alibaba chủ yếu đóng vai trò nhà cung cấp Trung Quốc và người mua xuyên quốc gia.
(2) Xuất khẩu sang Trung Quốc (2008-2014): trong giai đoạn này công ty dần dần chuyển trọng tâm sang khai thác thị trường tiêu dùng nội địa.
(3) “Hạ tầng hoá và quốc tế hoá (sau năm 2014): cho phép nó hội nhập toàn diện vào nền kinh tế chính trị của Trung Quốc và ngày càng sắm vai trò là hạ tầng cơ sở cho sự trỗi dậy của Trung Quốc trên toàn cầu.
Về hồ sơ kinh tế: Alibaba là gì và Alibaba đã mở rộng thể nào là câu hỏi trọng tâm trong phần này:
(1) Alibaba là gì là câu hỏi có vẻ đơn giản nhưng quả thực rất khó trả lời bởi cấu trục doanh nghiệp phức tạp đến kinh ngạc của Alibaba.Tính đến năm 2014, Alibaba đã vận hành khoảng 290 công ty con và các đơn vị hợp nhất khác ở cả trong và ngoài Trung Quốc thông qua các nguồn vốn xuyên quốc gia.
(2) Alibaba đã mở rộng thế nào? tác giả đưa đến một câu trả lời tường minh hơn với các giai đoạn khá rõ ràng. Đầu tiên, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Alibaba vẫn là thương mại điện tử với các nền tảng Taobao, Tmall, 1688 và Aliexpress. Để mở rộng hoạt động kinh doanh lõi ra nước ngoài, Alibaba đã mua lại nhiều cổ phần khác nhau trong trong một nhóm các công ty thương mại điện tử nước ngoài, trong đó có ShopRunner ở Hoa Kỳ, Lazada ở Đông Nam Á và Snapdeal ở Ấn Độ. Thứ hai bên cạnh thương mại điện tử, Alibaba còn xây dựng lớp trung gian liên quan hay hỗ trợ trực tiếp của lớp lõi bao gồm các nhóm đơn vị kinh doanh khác nhau, trải dài từ Internet trên điện thoại, logistic, các dịch vụ tài chính đến bán lẻ trực tiếp. Cuối cùng để đa dạng hoá hơn nữa hoạt động kinh doanh của mình và tìm kiếm kênh lợi nhuận mới, Alibaba đã vươn rộng ra ngoài thương mại điện tử để xây dựng lớp ngoài cùng là lớp lớp thâm nhập vào nhiều khía cạnh khác nhau của nên kinh tế chính trị toàn cầu bao gồm truyền thông giải trí, công nghiệp sức khoẻ, chế tạo robot, sản xuất ô tô….
Về hồ sơ chính trị: Tác giả tập trung tìm kiếm câu trả lời cho 03 câu hỏi sau:
(1) Alibaba có phải công ty Trung Quốc không hay nếu muốn áp các chính sách vào Alibaba thì các nhà nước phải xác định được Alibaba thuộc về quốc gia nào. Có nhiều thước đo đề xác định quốc tịch của một công ty như cơ cấu sở hữu, vị trí đặt đại bản doanh, thị trường chiến lĩnh hay quan hệ với nhà nước và khi ánh xạ các tiêu chí này vào Alibaba thì đều đưa đến một câu trả lời không thể rõ ràng. Trong phần này tác giả đã nêu bật tầm ảnh hướng của vốn xuyên quốc gia trong quá trình hình thành và phát triển của Alibaba đặc biệt trong thương vụ đánh bật eBay ra khỏi thị trường Trung Quốc.
(2) Alibaba có phải công ty nhà nước không? mô tả những tương tác phức tạp, cả xung đột lẫn hợp tác giữa Alibaba và các thực thể nhà nước khác nhau. Các thực thể nhà nước Trung Quốc đã đóng vai trò ngày càng quan trọng với công ty này theo ba cách sau: tiếp tục cung cấp một thị trường nội địa được bảo hộ, hỗ trợ tài chính; tạo không gian để mở rộng quốc tế. Tuy vậy quan hệ giữa nhà nước và Alibaba lại rất phức tạp – trong đó có xung đột và hợp tác trong đó có việc những kiểm soát rất lớn từ phía nhà nước có thể gây cản trở đến quá trình vươn rộng đến trung tâm của chủ nghĩa tư bản tân tự do, đặc biệt là Hoa Kỳ.
(3) Alibaba có phải công ty tư bản? Mô tả sự trỗi dậy của một tầng lớp tư bản dựa trên Internet ở Trung Quốc và vai trò trái ngược của họ trong việc hoạch định chính sách thông tin của Trung Quốc. Không cần bàn cãi cũng biết rằng sự thành công vượt bậc của Alibaba đã tạo ra một nhóm cá nhân cực kỳ giàu có và quyền lực. Và những tầng lớp này buộc phải giữ được quan hệ sâu sắc với cả các đối tác xuyên quốc gia, đồng thời phải dựa được vào những mối quan hệ đặc quyền trong chính phủ.
Hồ sơ văn hoá: Tác giả mô tả tác động của Alibaba đến các hoạt động tài chính của người dân. Sự mở rộng đáng kinh ngạc của Alipay – ứng dụng thanh toán sát thủ của Alibaba đã trở thành thành phần cốt lõi trong hạ tầng tài chính cơ bản của Trung Quốc như thế nào. Những xung đột về tầm nhìn và tranh giành quyền lực nghiêm trọng trong bộ máy nhà nước với vụ Yu’ebao, những nhu cầu thường trái ngược giữa hạ tầng cơ sở cơ bản và các nền tảng tư nhân với Sesame Credit, cũng như xung đột ngày càng gay gắt giữa nhà nước và các doanh nghiệp internet nội địa mà điền hình là sự kiện Ant Group bị huỷ bỏ đợt IPO.
Tóm lại cuốn sách cung cấp một góc nhìn vĩ mô nhưng rất sâu sắc về quá trình phát triển của Alibaba – với vai trò quan trọng trong tầm nhìn về xây dựng con đường tơ lụa thương mại điện tử thế giới của Trung Quốc. Cuốn sách khá dễ đọc và phù hợp với nhiều đối tượng từ sinh viên, người khởi nghiệp đến các nhà hoạch định chính sách.