Có kiến thức không có nghĩa là có được trí thông minh

Trích đoạn từ cuốn sách "Toàn thể biến dịch của cuộc sống là học tập" của J. Krishnamurti

“Toàn thể Biến dịch của cuộc sống là Học tập” là một tập hợp các lá thư mà J. Krishnamurti gửi cho các trường học của mình, đây không chỉ đơn thuần là một tác phẩm về giáo dục mà còn là một triết lý sống, khuyến khích độc giả suy ngẫm về cách chúng ta học hỏi và sống mỗi ngày.

Qua từng lá thư, Krishnamurti chia sẻ quan điểm của mình về giáo dục toàn diện, nhấn mạnh rằng việc học tập không chỉ là tích lũy kiến thức mà còn phải bao gồm sự phát triển toàn diện về tâm trí và tinh thần. Ông đề cập đến tầm quan trọng của sự tự do trong giáo dục, cho rằng điều thiện và trí thông minh chỉ có thể phát triển trong một môi trường không có sự ép buộc và sợ hãi. Những lá thư cũng nhấn mạnh vai trò của sự thanh nhàn trong quá trình học tập, nơi mà tâm trí không bị áp lực bởi những lo toan thường nhật, qua đó mới có thể thực sự hiểu biết và phát triển.

Kiến thức sẽ không đưa đến trí thông minh. Chúng ta thủ đắc được rất nhiều kiến thức trong nhiều lĩnh vực, nhưng xem ra lại không thể hành động một cách thông minh theo những gì đã học được. Trường phổ thông, cao đẳng và đại học đều trau dồi các kiến thức về lối cư xử, về vũ trụ, về khoa học và mọi loại công nghệ, nhưng những trung tâm giáo dục này hiếm khi giúp người ta sống một cuộc đời tuyệt vời. Giới học giả còn khăng khăng cho rằng nhân loại chỉ có thể tiến hóa nhờ tích lũy được một lượng lớn thông tin và kiến thức. Nhân loại đã trải qua hàng nghìn và hàng nghìn cuộc chiến; đã có được trong tay một kho kiến thức đồ sộ về cách giết người, nhưng mớ kiến thức ấy lại không giúp được gì trong việc chấm dứt chiến tranh. Chúng ta thừa nhận chiến tranh như một lối sống và mọi hành động bạo tàn, vũ lực và giết chóc như là sự thường không thể thiếu của cuộc đời này. Chúng ta đều biết rằng mình không nên giết hại lẫn nhau. Nhưng cái biết ấy nhìn chung lại chẳng can dự gì đến sự thực là giết chóc vẫn đang diễn ra; kiến thức không ngăn ta thôi giết động vật và tàn phá trái đất. Kiến thức chẳng có ý nghĩa gì nếu thiếu trí thông minh, còn trí thông minh sẽ hữu dụng khi có kiến thức. Biết chính là không biết; hiểu được sự thật về chuyện kiến thức có thể không bao giờ giải quyết được các vấn đề nhân sinh chính là trí thông minh.

Nền giáo dục trong các trường học của chúng ta không chỉ là hướng đến việc truy cầu kiến thức, nhưng quan trọng hơn cả phải là đánh thức trí thông minh; chính điều này sẽ làm cho kiến thức trở nên hữu dụng. Và sẽ không bao giờ xảy ra chuyện ngược lại. Đánh thức trí thông minh chính là mối bận tâm của chúng ta trong tất cả những ngôi trường này. Dĩ nhiên, điều nhất thiết phải hỏi đến là bằng cách nào trí thông minh được đánh thức. Hệ thống nào phù hợp, phương pháp là gì, và cần phải làm gì? Hỏi như thế là ta vẫn đang quanh quẩn trong chuyện có được kiến thức. Ngay khi biết được rằng hỏi như thế là sai lầm, ta mới bắt đầu hành trình đánh thức trí thông minh. Trong đời sống thường ngày của chúng ta, lối thực hành, phương pháp và hệ thống chỉ tạo ra các hoạt động thông thường, lặp đi lặp lại và do đó sẽ khuôn định một tâm trí máy móc. Sự biến dịch liên tục của kiến thức, tuy có những đặc thù riêng, vẫn thường tạo ra những lối mòn trong tâm trí và đẩy ta đến một lối sống hẹp hòi. Học quan sát và hiểu được toàn thể cấu trúc của kiến thức chính là bắt đầu đánh thức trí thông minh.

Tâm trí chúng ta đều sống trong truyền thống. Chính nội hàm của từ đó – tức là truyền lại – đã khước từ trí thông minh. Sống theo truyền thống thì dễ dàng và dễ chịu, dù đó là truyền thống chính trị, tôn giáo hay do một cá nhân nào đó tạo ra. Người ta chẳng phải nghĩ suy gì về nó; người ta không chất vấn truyền thống vì truyền thống đã hàm ý sự thừa nhận và tuân theo. Nền văn hóa nào càng lâu đời, thì tâm trí con người càng gắn chặt hơn với quá khứ và dường như chỉ sống trong quá khứ. Việc phá bỏ một truyền thống nào đó tất nhiên sẽ kéo theo việc áp đặt một truyền thống khác. Tâm trí nào chịu ảnh hưởng bởi hàng thế kỷ truyền thống sẽ không chịu loại bỏ cái cũ cho đến khi nào có một truyền thống khác xuất hiện, vững chắc và có thể làm hài lòng tương đương như truyền thống trước đó. Truyền thống trong mọi dạng thức đa dạng của nó, từ truyền thống tôn giáo đến truyền thống học thuật, phải chối bỏ trí thông minh. Trí thông minh là vô hạn. Còn kiến thức, tuy mênh mông, lại có hạn, giống y truyền thống vậy. Trong các ngôi trường của chúng ta cơ chế tạo lập thói quen của tâm trí phải được quan sát. Trong quá trình này trí thông minh sẽ được gợi lên.

Trong truyền thống nhân loại luôn ẩn chứa thái độ chấp nhận nỗi sợ. Cả thế hệ già lẫn thế hệ trẻ đều sống trong sợ hãi. Hầu hết chúng ta đều không nhận thức được rằng mình đang sống trong sợ hãi. Chỉ khi nào ta dần rơi vào khủng hoảng hay gặp phải một sự việc gây choáng váng thì ta mới nhận thấy được nỗi sợ thường trực này. Nó luôn ở đó. Vài người đã nhận ra nó, còn những người khác thì né tránh nó. Truyền thống nói rằng: hãy kiểm soát nỗi sợ, hãy thoát khỏi nó, hãy đè nén nó, hãy mổ xẻ nó, hãy nương theo nó, hay hãy chấp nhận nó. Chúng ta đã sống trong sợ hãi qua nhiều thiên niên kỷ và bằng cách nào đó chúng ta vẫn đang cố gắng sống tiếp như thế. Bản chất của truyền thống hoặc là nương theo nỗi sợ hoặc là thoát khỏi nỗi sợ, hoặc về mặt tình cảm đó là chấp nhận nó và tìm đến một tác động bên ngoài để giải quyết nỗi sợ này. Các tôn giáo sinh ra và phát triển từ nỗi sợ này, và sự khao khát quyền lực đầy mê hoặc của các chính trị gia cũng sinh ra từ nỗi sợ. Bất kỳ dạng thức thống trị nào đều thuộc bản chất của sợ hãi. Khi một người nam hay một người nữ nào chiếm hữu đối phương thì ở đó luôn ẩn chứa sợ hãi, và nỗi sợ này sẽ hủy diệt mọi dạng thức tương quan.

Chức năng của nhà giáo dục chính là giúp học sinh đối mặt với sợ hãi, đó có thể là sợ bố mẹ, thầy cô hay học sinh lớn tuổi hơn, có thể là sợ ở một mình hay sợ thiên nhiên. Muốn hiểu được bản chất và cấu trúc của nỗi sợ thì điều nhất thiết phải là đối mặt với nó; không phải là đối mặt qua lớp chắn của ngôn từ mà là quan sát nỗi sợ ngay từ lúc nó mới nhen nhóm và không né tránh. Né tránh hiện thực này chính là xáo trộn nó. Truyền thống của chúng ta, nền giáo dục của chúng ta, luôn khuyến khích kiểm soát, chấp nhận hay chối bỏ, hay là hợp lý hóa nỗi sợ một cách khôn khéo.

Là giáo viên, liệu các bạn có thể giúp học sinh của mình và chính bản thân đối mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống không? Trong học hành thì không có người dạy hay người được dạy, chỉ có mỗi chuyện học mà thôi. Để học biết được toàn bộ biến dịch của nỗi sợ chúng ta phải nhìn thẳng vào nó với lòng ham hiểu biết, vốn mang trong mình sức sống riêng. Giống như một đứa trẻ ưa tò mò thì trong thái độ ham hiểu biết này luôn có một sự mãnh liệt nhất định. Lối đi của truyền thống chính là chinh phục được những gì ta không hiểu, là đánh bại nó, là giẫm đạp nó – hoặc là tôn thờ nó. Truyền thống là kiến thức, và khi quá trình tiếp nhận kiến thức dừng lại thì trí thông minh mới được mở ra.

Như vậy thì khi nhìn nhận là không có người dạy lẫn người được dạy, nhưng chỉ có mỗi việc học của người trưởng thành và học sinh, liệu các bạn có thể thông qua việc tri nhận trực tiếp cái đang diễn ra mà học biết được nỗi sợ này không? Các bạn có thể làm được nếu các bạn để cho nỗi sợ kể lại câu chuyện cổ xưa của nó. Hãy chú tâm lắng nghe nó, đừng cắt ngang, vì nó đang kể cho bạn nghe chính lịch sử nỗi sợ trong bạn. Khi lắng nghe như thế, các bạn sẽ khám phá ra rằng sợ hãi vốn chẳng tách rời bạn. Bạn chính là nỗi sợ đó, và chính bạn đã dùng một từ ngữ để diễn tả điều đó. Từ ngữ đó không quan trọng. Từ ngữ đó là kiến thức, là truyền thống; nhưng cái thực, đang xảy ra ngay lúc này và ở đây, lại là thứ hoàn toàn mới; cái thực ấy chính là sự khám phá ra điều mới mẻ trong nỗi sợ của chính bạn. Đối mặt với hiện thực về nỗi sợ hãi mà không chút nghĩ suy nào chính là đã xóa bỏ được sợ hãi. Không phải một nỗi sợ đơn lẻ nào nhưng chính gốc rễ mọi sợ hãi bị xóa bỏ trong sự quan sát này. Không có người quan sát nào, chỉ có sự quan sát mà thôi.

Sợ hãi là một vấn đề rất phức tạp, là chuyện xưa như trái đất, từ khi nhân loại hình thành thì cũng đã tồn tại nỗi sợ; và nó, chính nỗi sợ có hẳn một câu chuyện kỳ lạ muốn kể cho ta nghe. Nhưng các bạn phải học biết nghệ thuật lắng nghe nó, và chính trong sự lắng nghe ấy có cả một vẻ đẹp tuyệt vời. Và khi ấy chỉ có việc lắng nghe mà thôi, còn câu chuyện thì không tồn tại.

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring: Quan điểm giáo dục của Krishnamurti

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *