Chính sách thúc đẩy Công nghệ thông tin và truyền thông của Trung Quốc

Trích đoạn từ cuốn sách "TENCENT - Quyền lực của giao tiếp và kết nối trong thúc đẩy nền kinh tế" của Min Tang.

Trung Quốc không chỉ là một cường quốc kinh tế mà còn là nơi sản sinh ra những tập đoàn công nghệ và truyền thông hàng đầu thế giới. Ba ông lớn Alibaba, Tencent và Baidu đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển này, và ba cuốn sách “Alibaba”, “Tencent” và “Baidu” ,mang đến những cái nhìn độc đáo và sâu sắc về các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sức mạnh và ảnh hưởng của những gã khổng lồ này trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu.

Vào tháng 5 năm 1994, hoạt động Internet hoàn chỉnh đầu tiên theo giao thức TCP/IP ở Trung Quốc đã được thiết lập thông qua một kết nối trực tiếp với công ty viễn thông của Mỹ tên là Sprint [1]. Cũng trong năm đó, máy chủ web đầu tiên và bộ trang web đầu tiên ở Trung Quốc được ra mắt tại Viện Vật lý Năng lượng Cao, một trong những cơ quan nghiên cứu trực thuộc Viện Khoa học Trung Quốc [2]. Số lượng người sử dụng Internet ở Trung Quốc tăng từ 620.000 người năm 1997 lên 8,9 triệu người vào năm 2000 [3].

Xin được chuyển nhanh đến năm 2018. Vào ngày 11 tháng 11 năm 2018, Alibaba, công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đã khởi động lễ hội mua sắm Ngày Độc thân, một phiên bản Trung Quốc của ngày Black Friday ở Mỹ, với buổi dạ tiệc kéo dài bốn giờ. “Double 11” (Hai số 11) – là một cách chơi chữ vì số 1 tượng trưng cho những người độc thân và chưa kết hôn – được Alibaba tái sáng tạo thành một sự kiện mua sắm cho những người tiêu dùng trẻ tuổi. Trong những năm qua sự kiện này có sự góp mặt của nhiều ngôi sao quốc tế như Kevin Spacey, Adam Lambert, Daniel Craig, Miranda Kerr và nhiều người nổi tiếng Trung Quốc. Xuyên suốt các buổi trình diễn này, các hoạt động khuyến mãi như rút thăm lấy hàng miễn phí và tiền quà tặng, cũng như giảm giá cho nhiều mặt hàng khác nhau được sử dụng để kích thích mong muốn mua hàng của khán giả. Tổng giá trị hàng hóa trong ngày mua sắm này vào năm 2018 đạt mức cao kỷ lục là 30,8 tỷ đô-la doanh thu [4].

Trong hơn hai thập kỷ qua, Internet ở Trung Quốc đã trở thành một nền tảng khổng lồ cho truyền thông, các cuộc huy động và quá trình thương mại hóa. Do đó, theo dấu Internet ở Trung Quốc từ khi ra đời cho đến các giai đoạn tăng trưởng chính sẽ giúp chúng ta hiểu được cơ chế của quá trình này. 

Trước hết cần thảo luận đôi chút để đưa ra khái niệm sơ lược về ngành này. Một số học giả đã viết về lịch sử ngành CNTT và Internet Trung Quốc. Milton Muller, Tan Zixiang, và Wu Wei đã phân tích quá trình phát triển ban đầu của mạng dữ liệu và viễn thông, trong đó những nỗ lực xây dựng chủ yếu đến từ phía chính phủ Trung Quốc. Một số học giả khác thì quan tâm đến vấn đề kiểm duyệt và kiểm soát. Lập luận cho rằng Internet ở Trung Quốc bị nhà nước kiểm duyệt và bị những nhà cung cấp nội dung và dịch vụ tự kiểm duyệ không còn là lập luận mới nữa [5]. Bên cạnh cuộc thảo luận này là những phân tích xoay quanh tiềm năng dân chủ mà Internet có thể mang lại cho Trung Quốc [6]. Liên quan đến sự quan tâm của giới học thuật đối với Internet của Trung Quốc, có người giải thích rằng mối quan tâm này được thúc đẩy bởi viễn cảnh Internet có thể là một lực lượng dân chủ hóa trong một chế độ cộng sản nổi tiếng là kiểm duyệt truyền thông và dư luận gắt gao [7]. Các chủ đề dường như đối lập nhau về kiểm duyệt và dân chủ thực ra thể hiện hai cực của một giả định trung tâm rằng Internet chỉ là một công cụ để khai sáng hoặc đàn áp. Cứ cho là lối lập luận như vậy có một số giá trị thực nào đó, thì giá trị cao nhất của nó là cung cấp một cách giải thích không chính xác và không đầy đủ về bối cảnh kỹ thuật số ở Trung Quốc và hậu quả tệ nhất của nó là khiến mọi người có xu hướng đơn giản hóa quá mức tương tác xã hội phức tạp ở Trung Quốc và bỏ qua tính chủ quan của các cơ quan và tổ chức khác nhau của nước này. Bản thân Internet không phải là một hệ thống “ẩn danh, phi tập trung, không biên giới và mang tính tương tác” để phục vụ cho “các ý kiến đa dạng, các hoạt động dân sự hoặc các hành động tập thể” [8]. Chính các mối quan hệ quyền lực và động lực xã hội trong một hệ thống – dù là hệ thống tư bản, xã hội chủ nghĩa hoặc hỗn hợp của cả hai – mới quyết định cấu trúc của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT).

Hai lĩnh vực CNTT-TT và Internet không chỉ là những công cụ hay nền tảng truyền thông mà còn là những khía cạnh không thể thiếu của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Ngành CNTT-TT ở Trung Quốc trước nay được định hướng, theo một số cách, để phát triển theo tư bản chủ nghĩa – đây cũng là vấn đề sẽ được phân tích trong chương này. Nội dung chương này tập trung vào các bối cảnh lịch sử và pháp lý vì chúng không chỉ cung cấp thông tin và thể chế hóa hệ thống cung cấp thông tin mà còn phản ánh các cuộc đàm phán quyền lực hiện tại nhằm đưa ra các chính sách. Các chính sách truyền thông giải đáp ở những mức độ khác nhau một số câu hỏi sâu sắc liên quan đến “bản chất của hệ thống truyền thông và cách thức hệ thống này được cấu trúc, cũng như những điều đó có thể ảnh hưởng thế nào đến các điều kiện đáp ứng nhu cầu thông tin của một nền dân chủ” [9]. Quan trọng hơn, các chương trình nghị sự do các chính sách đặt ra là “biểu hiện của các quá trình mang tính thúc đẩy và các mối quan hệ quyền lực” trong một xã hội [10]. Ở Trung Quốc, đảng-nhà nước tuy không phải là quyền lực quan trọng duy nhất nhưng là một trong những quyền lực quan trọng nhất quyết định cơ cấu của hệ thống truyền thông đang nổi lên ở nước này [11]. Thông qua lăng kính diễn ngôn về chính sách, chúng ta có thể hiểu rõ hơn các căn cứ kinh tế-chính trị và mối quan hệ giữa các thể chế khác nhau diễn ra như thế nào trong quá trình phát triển của Internet Trung Quốc để từ đó có cơ sở tìm hiểu các công ty tư nhân như Tencent. 

Chương này trước hết theo dõi lịch sử xây dựng cơ sở hạ tầng mạng và dịch vụ ở Trung Quốc, và đặc biệt lưu ý đến các câu hỏi là vốn tư nhân trong nước được phép tham gia vào ngành Internet vào thời điểm nào và đến mức độ nào. Ngành Internet Trung Quốc phát triển theo bốn giai đoạn riêng biệt và không lâu sau khi ra đời đã gắn liền với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cũng như quá trình tái hội nhập toàn cầu thông qua công cuộc công nghiệp hóa và thông tin hóa của nước này. Việc chính phủ Trung Quốc dành sự ưu tiên cho xây dựng mạng lưới thông tin và công nghiệp ở các khu vực đô thị và ven biển – vốn vừa là kết quả của sự phát triển Internet Trung Quốc cũng vừa tạo điều kiện cho quá trình phát triển này – đã không chỉ góp phần tạo ra một lượng lớn lao động di cư mà còn tạo cơ sở người dùng cho các dịch vụ và các ứng dụng Internet mới. Xuyên suốt chương này chúng ta thấy ngành CNTT và các khoản đầu tư tư bản của Trung Quốc đã cấu thành lẫn nhau và tạo điều kiện cho nhau phát triển theo các chính sách ngày càng tiến bộ của chính phủ trung ương; và công nghiệp, đầu tư và chính phủ đã cùng nhau sinh ra Tencent. 

 

Xây dựng Internet của Trung Quốc

Chính sách phát triển Internet và những nỗ lực xây dựng siêu xa lộ thông tin của chính phủ trung ương Trung Quốc trải qua bốn giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị, từ năm 1987 đến 1993; giai đoạn xây dựng Internet làm cơ sở hạ tầng, từ năm 1994 đến 1995; giai đoạn Internet là một phần của quá trình công nghiệp hóa, từ năm 1996 đến 2010; và giai đoạn xem Internet là trụ cột, từ năm 2011 đến ngày nay. Trong suốt bốn giai đoạn này vai trò của vốn là điều đã nhìn thấy rõ, nhưng các đơn vị vốn khác nhau – các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân – được phép tham gia vào lĩnh vực này ở các mức độ khác nhau. Trong hai giai đoạn đầu, nguồn lực chủ yếu đến từ vốn nhà nước được hỗ trợ bởi các chính sách thông tin hóa của chính phủ trung ương. Nguồn vốn tư nhân và vốn nước ngoài được trao nhiều không gian hơn trong hai giai đoạn gần đây nhất, điều này phản ánh việc Trung Quốc tiếp tục mở cửa và hội nhập vào chủ nghĩa tư bản toàn cầu. Những giai đoạn này cũng diễn ra song song với quá trình chuyển đổi kinh tế-chính trị tổng thể của Trung Quốc kể từ những năm 1980. Năm 1978 chính quyền trung ương Trung Quốc không chỉ quyết định tự do hóa và mở cửa nền kinh tế trong nước mà còn tái khám phá vai trò nền tảng của khoa học và công nghệ trong việc thúc đẩy năng suất kinh tế [12]. Giai đoạn phát triển thứ hai của ngành Internet diễn ra cùng lúc với chuyến công du đến miền nam của nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình, ông đã đến Thâm Quyến và các thành phố ven biển phía nam khác vào năm 1992. Trong chuyến thăm này ông khẳng định các chính sách mở cửa để kết nối rộng hơn với nền kinh tế thị trường toàn cầu và sử dụng nguồn vốn nước ngoài để tạo điều kiện cho phát triển trong nước [13]. Giai đoạn thứ ba có mối tương quan rộng rãi với thời kỳ Trung Quốc tìm cách ráo riết tái hòa nhập vào chủ nghĩa tư bản toàn cầu bằng cách sử dụng CNTT-TT vừa làm kênh truyền thông vừa làm phương tiện thu hút đầu tư, còn những diễn biến gần đây hơn thì diễn ra trong quá trình tái cân bằng sau khủng hoảng của nước này.

 

Giai đoạn chuẩn bị: 1987 – 1993

Giai đoạn đầu 1987 – 1993 là những năm dành cho việc chuẩn bị, trong thời gian này các chính sách nhắm đến khuyến khích nghiên cứu khoa học và phổ biến công nghệ mạng [14]. Giai đoạn này được đánh dấu bởi hai cột mốc quan trọng, với những nỗ lực chính đến từ các viện nghiên cứu khoa học công nghệ và các trường đại học do nhà nước tài trợ. Cột mốc thứ nhất đến vào tháng 9 năm 1987 dưới hình thức thông điệp đầu tiên được gửi bằng thư điện tử (email) – “Băng qua Vạn Lý Trường Thành, chúng ta có thể đến được mọi ngóc ngách của thế giới này” – qua biên giới Trung Quốc [15]. Thông điệp này, được gửi đi khi Trung Quốc vẫn còn được nhiều người xem là một quốc gia khép kín và độc tài. Nó báo hiệu rằng các nhà nghiên cứu có thể trao đổi thông tin qua thư điện tử với các tổ chức giáo dục nước ngoài [16]. Bước ngoặt thứ hai đến vào năm 1994 khi lần đầu tiên Trung Quốc triển khai và vận hành hoàn chỉnh hoạt động Internet bằng giao thức TCP/IP [17]. Điều này có nghĩa là Trung Quốc bắt đầu được hưởng “kết nối Internet chung hoàn chỉnh ngoài thư điện tử” bằng cách tạo kết nối trực tiếp giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ [18]. 

Trong khoảng thời gian này, chính phủ Trung Quốc ưu tiên phát triển mạng lưới để chuẩn bị cho việc triển khai và nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, một công việc dựa chủ yếu vào các tổ chức giáo dục và nghiên cứu. Ví dụ, mạng lưới học viện của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CASNET) và mạng lưới các trung tâm nghiên cứu trong khuôn viên của Đại học Thanh Hoa (TUNET) và Đại học Bắc Kinh (PUNET) đều được xây dựng trong thời gian này [19]. Trong giai đoạn này chính phủ không nhấn mạnh nhiều vào tiềm năng kinh tế của Internet.

 

Giai đoạn xây dựng Internet làm cơ sở hạ tầng: 1994 và 1995

Giai đoạn hai, từ năm 1994 – 1995, đã chứng kiến một làn sóng kiến tạo cơ sở hạ tầng mạng cơ bản do các tổ chức học thuật, cơ quan chính phủ, và đôi khi là một số nhà cung cấp dịch vụ thương mại chính thực hiện [20]. Internet chủ yếu được xem là nền tảng và công cụ để liên lạc và lan tỏa thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp quan trọng. Đến cuối năm 1995, Trung Quốc đã có “10 hệ thống mạng quốc gia, 41 dịch vụ thông tin chính phủ hàng đầu dưới dạng điện tử, 16 nguồn tin tức dạng điện tử, 43 nhà sản xuất thông tin và máy chủ World Wide Web đặt tại trường đại học, và 52 sản phẩm thông tin thương mại do các nhà sản xuất thông tin điện tử thực hiện” [21].

Một ví dụ cho những nỗ lực như thế là Mạng lưới Nghiên cứu và Giáo dục Trung Quốc (CERNET), một mạng lưới đường trục toàn quốc để kết nối các hệ thống mạng lưới của các trung tâm nghiên cứu trong các trường đại học và các cơ sở nghiên cứu [22]. Ủy ban Kế hoạch Phát triển Nhà nước, Quỹ Khoa học Quốc gia Trung Quốc và Ủy ban Giáo dục Nhà nước Trung Quốc đã khởi xướng và tài trợ cho dự án này. Dự án được chính thức phê duyệt vào tháng 8 năm 1994 [23]. Dự án trình diễn của CERNET, hoàn thành vào cuối năm 1995, đã khiến hệ thống này trở thành hệ thống mạng hàng đầu Trung Quốc về tốc độ đường trục và phạm vi phủ sóng, vươn tới hơn một trăm trường đại học ở Trung Quốc và phủ khắp các tỉnh thành trong đất liền ngoại trừ Tây Tạng [24]. CERNET cũng cung cấp một kết nối quốc tế với mạng lưới học thuật toàn cầu thông qua đường dây quốc tế đặc biệt 128K tới mạng Internet Hoa Kỳ [25]. 

Một mạng đường trục toàn quốc khác là ChinaNET do bộ Bưu chính Viễn thông (BBCVT) lãnh đạo và Tổng cục Viễn thông, cơ quan phụ trách cung cấp các dịch vụ viễn thông quốc gia thực hiện [26]. ChinaNET cung cấp các liên kết quốc tế tại ba thành phố lớn là Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu nhờ hợp tác với công ty Sprint [27]. Dẫn đầu dự án xa lộ thông tin của Trung Quốc và ưu tiên cung cấp dịch vụ cho ba thành phố lớn nhất vào thời điểm đó, BBCVT đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet thương mại hàng đầu [28]. Đến năm 1995, ChinaNET trở thành mạng lưới cung cấp dịch vụ Internet thương mại lớn nhất Trung Quốc [29].

Mặc dù giá trị thương mại của Internet đã bắt đầu gây được sự chú ý, nhưng ưu tiên của chính quyền trung ương trong giai đoạn này là tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi thông tin công cộng và hỗ trợ lập kế hoạch và điều hành kinh tế cấp vĩ mô thông qua một cơ sở hạ tầng thông tin đáng tin cậy và hiệu quả [30]. Vào tháng 3 năm 1993, phó thủ tướng Chu Dung Cơ đã khởi xướng dự án Cầu Vàng, một mạng lưới thông tin kinh tế đại chúng cấp quốc gia; vào tháng 8, Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phê duyệt một khoản ngân sách 3 triệu đô-la để thực hiện dự án này; và vào tháng 6 năm 1994, Hội đồng này đã ban hành thông báo mở rộng dự án Cầu Vàng thành ba dự án vàng [31]. Hai dự án bổ sung là Cổng Vàng, một hệ thống thông tin trung tâm quản lý xuất nhập khẩu và kinh tế đối ngoại, và Thẻ Vàng, một hệ thống tài chính, ngân hàng và thẻ tín dụng trung ương [32]. Vì ba dự án này rất hiệu quả trong việc cung cấp những thông tin thiết yếu và hỗ trợ việc lập kế hoạch, điều phối cũng như quản lý kinh tế của chính phủ trung ương, nên vào năm 1995 đã có thêm những dự án vàng cho nhiều ngành khác nhau được triển khai như Thuế Vàng, Doanh nghiệp Vàng, Nông nghiệp Vàng, và những dự án khác [33]. Đóng vai trò chủ yếu là các kênh truyền thông thông tin cho việc hoạch định chính sách ở các quốc gia khác nhau, những mạng lưới này đã củng cố quyền lực điều phối của chính quyền trung ương [34].

 

Giai đoạn Internet là một phần của quá trình công nghiệp hóa: 1996 – 2010

Mười lăm năm từ 1996 đến 2010 là giai đoạn thứ ba trong đó ngành công nghiệp thông tin và Internet với vai trò làm phương tiện cho tăng trưởng kinh tế đã được phát triển ráo riết. Ở giai đoạn trước, công nghệ thông tin chỉ được sử dụng trong các ngành công nghiệp sơ cấp và thứ cấp được lựa chọn. Còn trong giai đoạn thứ ba này, CNTT-TT đã không chỉ được xem là một công cụ đơn thuần mà trở nên quan trọng theo đúng nghĩa của nó đối với quá trình công nghiệp hóa đất nước. Giai đoạn này xoay quanh một loạt các thay đổi đặc biệt trong cơ cấu công nghiệp và cơ cấu chính phủ.

Đầu tiên, về bối cảnh ngành công nghiệp, vào tháng 1 năm 1996, trong cuộc họp thứ 42, Hội đồng Nhà nước đã thông qua một chỉ thị tạm thời về quản lý kết nối Internet quốc tế ở Trung Quốc, trong đó xác nhận BBCVT là cơ quan lãnh đạo chính thức trong lĩnh vực kinh doanh Internet của đất nước: “Tất cả các lượt truy cập mạng máy tính quốc tế, cả vào và ra, bắt buộc phải đi qua các kênh viễn thông do BBCVT cung cấp” [35]. Tổng cục Viễn thông của BBCVT được đổi tên thành Viễn thông Trung Quốc (China Telecom) và được tái cơ cấu thành doanh nghiệp nhà nước theo cuộc cải cách ngành viễn thông năm 1995 ở Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc quản lý việc sử dụng Internet – một dấu hiệu cho thấy Internet đóng vai trò ngày càng quan trọng [36]. Theo chỉ thị này, chính phủ chịu trách nhiệm lên kế hoạch và thiết lập giao thức cho tất cả các kết nối máy tính quốc tế. Tất cả các mạng lưới hiện có đều chịu sự giám sát của BBCVT và Bộ Công nghiệp Điện tử (BCNĐT), Ủy ban Giáo dục Nhà nước, và Viện Hàn lâm Khoa học. Các cơ quan này quản lý lưu lượng truy cập Internet nói chung, các công ty máy tính, cũng như các tổ chức nghiên cứu giáo dục [37]. Trung Quốc đang xúc tiến những bước chuẩn bị cần thiết để đẩy mạnh công nghệ trong nền kinh tế quốc gia. Chỉ thị này cũng nhấn mạnh rằng tất cả các lưu lượng thông tin quốc tế – cả chiều đến và chiều đi – đều phải thông qua mạng viễn thông của BBCVT và chịu sự giám sát của chính phủ [38]. Điều này cho thấy nhà nước Trung quốc đã mở cửa đón nhận các luồng thông tin nước ngoài nhưng đồng thời cũng rất thận trọng khi chạm trán những suy nghĩ và hệ tư tưởng có khả năng là trái ngược và khác biệt, vì đây là thời điểm mà toàn bộ nền kinh tế quốc gia đang chuyển đổi sang mô hình hướng ngoại và hướng đến xuất khẩu, đồng thời các luồng thông tin và nguồn vốn quốc tế trở nên vừa cần thiết vừa được ưa chuộng hơn [39]. 

Theo quy định này, vào tháng 3 năm 1996, Quốc hội đã thông qua Đề cương Kế hoạch 5 năm lần thứ 9 (1996–2000) về Phát triển Xã hội và Kinh tế Quốc gia và các Mục tiêu Dài hạn đến năm 2010 (sau đây gọi là Đề cương), trong đó cụm từ “công nghệ thông tin và tin học hóa phục vụ phát triển kinh tế” lần đầu tiên xuất hiện, và sự phát triển của công nghệ máy tính và Internet là mục tiêu không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế và xã hội trong 5 năm tới [40].Kế hoạch 5 năm này chắc chắn là một chuỗi sáng kiến phát triển kinh tế xã hội do chính phủ trung ương Trung quốc kiến thiết, và sáng kiến đầu tiên bắt đầu vào năm 1953. Chính trong Đề cương này, chính phủ đã đề xuất rằng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phải thành hình trong vòng 5 năm từ năm 1996 đến năm 2000: “Phải thực hiện các bước đi tích cực nhưng thận trọng để thúc đẩy một thị trường tiền tệ tương đối hoàn hảo cũng như các thị trường trong các lĩnh vực trọng yếu như bất động sản, lao động, công nghệ và thông tin” [41]. Cụ thể, lĩnh vực công nghệ và thông tin đã được sử dụng để điều chỉnh cơ cấu công nghiệp từ phương thức mở rộng, tức nhấn mạnh vào “mở rộng quy mô tổng thể”, sang phương thức chuyên sâu nhấn mạnh vào “hiệu quả trong việc sử dụng từng đơn vị đầu vào trong sản xuất hoặc phân phối” [42]. Hơn nữa, Đề cương còn bàn về vai trò của các thành phần kinh tế và đơn vị vốn khác nhau từ các khu vực khác nhau, cũng như hệ thống đầu tư và cơ chế huy động vốn trên thị trường [43]. Đặc biệt, Đề cương nêu rõ rằng các yếu tố ngoài công lập, tức là cá nhân và chủ thể tư nhân, cần được tăng cường để bổ sung cho hệ thống kinh tế do sở-hữu-công chi phối [44]. Điều này có nghĩa là cần phải tiến hành cải cách hơn nữa, trong đó các đơn vị tư nhân được phép dần dần tham gia vào nền kinh tế quốc dân. Chính trong bối cảnh đó mà ngành công nghiệp Internet của Trung Quốc đã nở rộ. Nói cách khác, sự phát triển của lĩnh vực Internet và công nghệ thông tin nằm trong chương trình nghị sự chung của chính phủ trung ương nhằm giúp cho quá trình cải cách và mở cửa nền kinh tế thị trường của đất nước thêm sâu sắc [45].

Hưởng ứng tinh thần từ Đề cương, Nhóm Lãnh đạo Công tác Thông tin của Hội đồng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp quốc gia đầu tiên về vấn đề tin học hóa vào năm 1997 và công bố Kế hoạch 5 năm lần thứ 9 về tin học hóa và các mục tiêu dài hạn đến năm 2010. Kế hoạch này đặc biệt kêu gọi “sự chung tay” của nhà nước và các thành phần kinh tế khác nhằm xây dựng ngành Internet và thông tin [46].

Giai đoạn 5 năm của Kế hoạch 5 năm lần thứ 9 đã chứng kiến một lượng lớn tài trợ của chính phủ dành cho cơ sở hạ tầng thông tin và đổi mới công nghệ. Một khoản đầu tư trị giá 12,24 tỷ đô-la (101,5 tỷ Nhân dân tệ – từ đây viết tắt là NDT) đã được đưa vào để xây dựng các đặc khu phát triển công nghệ cao, trong đặc khu này từ năm 1996 đến năm 2000 có 17.000 doanh nghiệp công nghệ cao đang hoạt động và hơn 2,2 triệu người được tuyển dụng. Một khoản khác trị giá 385 triệu đô-la (3,19 tỷ NDT) được sử dụng cho “các dự án đổi mới kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp” [47]. Nhờ đó, sản lượng của nền kinh tế quốc gia và đặc biệt là của ngành công nghiệp thông tin đã chứng kiến một sự tăng trưởng vượt bậc. Tổng giá trị sản lượng của ngành sản xuất sản phẩm thông tin điện tử (bao gồm sản xuất phần mềm) tăng từ 29,43 tỷ đô-la (245,7 tỷ NDT) năm 1995 lên 93,87 tỷ đô-la (778,2 tỷ NDT) năm 1999, trong khi tổng giá trị của các dịch vụ truyền thông tổng hợp tăng từ 11,84 tỷ đô-la (98,9 tỷ NDT) năm 1995 lên 25,49 tỷ đô-la (211,3 tỷ NDT) năm 1999 [48].Theo báo cáo của một tờ nhật báo Trung Quốc, 17.000 doanh nghiệp công nghệ cao trong các đặc khu phát triển công nghệ cao đã đóng góp một khoản giá trị gia tăng công nghiệp là 17,8 tỷ đô-la (147,6 tỷ NDT) và khối lượng giao dịch xuất khẩu đạt 12 tỷ đô-la [49].

Thay đổi thứ hai trong giai đoạn này là cải cách hành chính, tái cơ cấu các cơ quan trung ương điều hành việc quản lý và kinh doanh Internet. Ngay từ tháng 12 năm 1993, chính phủ trung ương đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm liên ngành để lãnh đạo chung về các vấn đề “tin học hóa cho phát triển kinh tế”, do phó thủ tướng lúc đó là Trâu Gia Hoa chủ trì [50].Lực lượng đặc nhiệm này của Hội nghị chung về Tin học hóa Kinh tế Nhà nước được đổi tên thành Nhóm Lãnh đạo Công tác Thông tin và trực thuộc Hội đồng Nhà nước. Nhóm Lãnh đạo Công tác Thông tin vẫn do Trâu chủ trì và chịu sự điều phối từ các nhân viên thuộc 19 ban, ủy ban và văn phòng cấp bộ [51]. Năm 1999, Hội đồng Nhà nước thành lập Nhóm Lãnh đạo Công tác Thông tin Quốc gia, do phó chủ tịch lúc đó là Ngô Bang Quốc chủ trì cùng với các nhân viên từ 13 ban, ủy ban và văn phòng cấp bộ [52]. Thuật ngữ “quốc gia” được thêm vào cho thấy tầm quan trọng của chính quyền trung ương đối với những thông tin phục vụ quá trình công nghiệp hóa. Thủ tướng Chu Dung Cơ và Ôn Gia Bảo sau đó đã phụ trách nhóm lãnh đạo này. Hoạt động của Nhóm Lãnh đạo Công tác Thông tin Quốc gia khép lại vào năm 2008 – là giai đoạn diễn ra cuộc “cải cách siêu bộ” – và nhóm này được sáp nhập vào Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin (BCNCNTT) mới thành lập trong vai trò một bộ phận của phòng xúc tiến công nghệ thông tin. Tuy nhiên, vào năm 2014, chính phủ trung ương dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành lập một văn phòng mới là Nhóm Lãnh đạo Trung ương về các Vấn đề Không gian Mạng và Cục Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc để tăng cường an ninh Internet của Trung Quốc và đẩy mạnh chiến lược thông tin hóa [53]. Nhóm Lãnh đạo các Vấn đề Không Gian Mạng đã tiếp nối di sản từ các lực lượng đặc nhiệm chung trước đây của Hội đồng Nhà nước và cũng nhằm mục đích đáp ứng các cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên mới, vì vai trò cao nhất của Internet và CNTTTT là trụ cột mới cho nền kinh tế quốc gia [54].

Quá trình tái cơ cấu chính phủ này còn liên quan đến những thay đổi đối với các bộ quản lý ngành công nghiệp thông tin và Internet. Trước đây, BBCVT vận hành và quản lý các dịch vụ thông tin và truyền thông [55]. Mặc dù các cơ quan chính phủ trung ương trước đây luôn đấu tranh để giành quyền kiểm soát lĩnh vực này, cuộc cạnh tranh giờ đây trở nên đặc biệt gay gắt khi BCNĐT đặt chân vào lĩnh vực dịch vụ viễn thông bằng cách thành lập Tập đoàn Viễn thông Trung Hoa Hợp nhất (China United Telecommunications Corp., viết tắt China Unicom) vào năm 1993 cùng với hai bộ khác là Bộ Đường sắt và Bộ Điện tử [56]. BCNĐT sau đó thành lập một công ty viễn thông khác tên là Cát Thông, được xây dựng dựa trên sức mạnh của Bộ này trong lĩnh vực sản xuất thiết bị [57]. Trước sự chồng chéo và liên kết ngày càng chặt chẽ giữa ngành thiết bị điện tử và các ngành thông tin, chính phủ trung ương đã tổ chức lại BBCVT và BCNĐT và lập ra một bộ là Bộ Công nghiệp Thông tin (BCNTT) vào năm 1998 [58]. Việc tổ chức lại này, với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi kinh tế và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính, đã nói lên trọng tâm của các chính sách nhà nước vào thời điểm này là phát triển Internet và thông tin để phục vụ công nghiệp hóa [59]. Năm 2008, cuộc cải cách cấp bộ này vẫn tiếp tục, và BCNCNTT mới được thành lập đã kết hợp các chức năng của một số cơ quan trung ương gồm: BCNTT; Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (National Development and Reform Commission – NDRC); Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng (không bao gồm việc giám sát quản lý năng lượng hạt nhân của ủy ban này); và Văn phòng Thông tin hóa của Hội đồng Nhà nước [60]. Ngoài những thay đổi về chức danh của Bộ, việc tái cơ cấu BCNCNTT thành một thực thể toàn diện hơn phản ánh quá trình thông tin hóa và công nghiệp hóa đã được tích hợp sâu hơn [61].

Do những thay đổi này trong các khía cạnh công nghiệp và chính phủ cũng như nhờ những tiến bộ đạt được trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 9, Kế hoạch 5 năm lần thứ 10 và 11 tiếp tục điều chỉnh lại cơ cấu công nghiệp và nhấn mạnh nhiều hơn đến ngành Internet và CNTT. Mức tăng trưởng của ngành này đã gần như bùng nổ. Đến cuối năm 2005, tổng thu nhập của ngành công nghiệp thông tin đạt 537 tỷ đô-la (4,4 nghìn tỷ NDT), tức gấp 4,6 lần so với năm 2000, và giá trị gia tăng của ngành trong GDP quốc gia đã tăng từ 4% năm 2000 lên 7,2% [62]. Trong năm 2006 và 2010, tổng cộng 188 tỷ đô-la (1,5 nghìn tỷ NDT) đã được đầu tư vào ngành viễn thông, với 40% đầu tư cho xây dựng băng thông rộng [63]. Đến cuối năm 2010, doanh thu của ngành thông tin đã đạt mức 1,15 nghìn tỷ đô-la (7,8 nghìn tỷ NDT) [64]. Các doanh nghiệp CNTT và Internet mở rộng và trở thành động lực cho sự đổi mới và phát triển trong các ngành công nghiệp khác, và bản thân ngành này cũng trở thành ngành công nghiệp cốt lõi [65].

 

Bảng 1.1 Tổng thu nhập hằng năm trong ngành viễn thông Trung Quốc

Nguồn: Thống kê hằng năm của BCNCNTT về ngành Viễn thông (www.miit.gov.cn/n1146312/ n1146904/n1648372/index.html).

 

Bảng 1.2 Thu nhập bán hàng hằng năm trong ngành thông tin điện tử Trung Quốc

Nguồn: Thống kê của BCNCNTT về ngành thông tin điện tử và ngành phần mềm) 

1 Từ đây trở xuống, một số con số được làm tròn trong các báo cáo thống kê gốc.

 

Giai đoạn Internet là ngành trụ cột: 2011 đến nay

Bước ngoặt thứ tư diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, khi ngành công nghiệp Internet được nhà nước giao thêm trọng trách. Đây là một quá trình vẫn đang tiếp diễn trong đó bản thân ngành công nghiệp Internet đã và đang trở thành ngành xương sống của nền kinh tế.

Kể từ khi Trung Quốc mở cửa và cải cách thị trường vào năm 1978, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục của nước này phần lớn phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu thương mại [66]. Những thành tựu đạt được thật đáng kinh ngạc. Đến năm 2010, Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đóng góp tới 26,53% GDP cả nước và chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu và đặc biệt là nước xuất khẩu các sản phẩm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới [67]. Tuy nhiên, như nhiều người đã lưu ý, “trong đường dây cung ứng toàn cầu phức tạp của các tập đoàn đa quốc gia, Trung Quốc chủ yếu giữ vai trò là nhà lắp ráp cuối cùng của chuỗi sản xuất hàng hóa để đem bán ở các nền kinh tế giàu có” [68]. Mặc dù dẫn đầu về số lượng lớn, nền kinh tế hướng ngoại này vẫn có gót chân Achilles đó là sự phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Được biết đến như một “công xưởng thế giới”, Trung Quốc không có khả năng cạnh tranh cốt lõi cho một ngành công nghiệp CNTT-TT đổi mới và mạnh mẽ trong nước [69]. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng GDP nhanh chóng từ mô hình tăng trưởng theo hướng xuất khẩu và định hướng đầu tư nước ngoài này đi kèm với một loạt các vấn đề xã hội kết tinh từ sự bất bình đẳng xã hội, mất cân bằng khu vực, tỷ lệ thất nghiệp lớn và các vấn đề môi trường [70]. Tất cả những vấn đề này trở nên trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, chúng đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh đối với nhà nước Trung Quốc rằng tiến bộ kinh tế của họ gây ra hậu quả ở nhiều khía cạnh và cần được sửa đổi.

Trong bối cảnh này, tại cuộc họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc năm 2011, chính phủ trung ương đã chỉ định lĩnh vực Internet và CNTT-TT là ngành trụ cột trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia [71]. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 được phê duyệt trong cuộc họp này nhấn mạnh rằng cần ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng trong nước bằng cách tận dụng Internet. Một trong những thông điệp cốt lõi của Kế hoạch 5 năm lần thứ mười hai này là phát triển và thúc đẩy các ngành chiến lược thuộc ngành CNTT-TT để có một “cơ cấu sản xuất hiện đại” [72]. Điều này báo hiệu sự hội nhập sâu hơn của các doanh nghiệp tư nhân vào CNTT-TT và mối quan hệ ngày càng đan xen giữa nhà nước và các đơn vị vốn khác nhau. Trong giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 từ năm 2011 đến năm 2015, cơ sở hạ tầng được nâng cấp của ngành Internet và sự phổ biến rộng rãi của Internet di động đã mang lại một nền kinh tế Internet thịnh vượng cho Trung Quốc. Vào năm 2014, riêng các doanh nghiệp Internet đã chiếm 7% GDP quốc gia, trong khi giá trị thị trường của các công ty Internet lên tới tổng là 1,24 nghìn tỷ đô-la (tương đương 7,85 nghìn tỷ NDT) và chiếm 25,6% thị trường chứng khoán Trung Quốc [73].Tính đến năm 2015, có 328 công ty Internet đóng tại Trung Quốc đã được niêm yết công khai, trong đó có 61 công ty của Mỹ, 55 công ty của Hồng Kông, và 209 công ty của Trung Quốc nằm ở Thượng Hải và Thâm Quyến [74].Đặc biệt, ngành thương mại điện tử đã trở thành động lực mới thúc đẩy tiêu dùng và thương mại. Năm 2017, thu nhập của các nền tảng thương mại điện tử đạt 32,23 tỷ đô-la (tương đương 218,8 tỷ NDT) với “mức tăng 43,4% so với cùng kỳ năm năm trước” và của các giao dịch bán lẻ trực tuyến đạt 1,06 nghìn tỷ đô-la (tương đương 7,18 nghìn tỷ NDT) [75].

Trong bối cảnh tái cơ cấu này, diễn ngôn chính sách mới nhất là Internet Plus đã nâng cấp hơn nữa ngành công nghiệp trụ cột này. Thuật ngữ Internet Plus đề cập đến kế hoạch của nhà nước nhằm xây dựng mạng lưới ngân hàng, dịch vụ tài chính, thương mại điện tử, giải trí và những dịch vụ phục vụ đời sống hằng ngày khác xoay quanh các công nghệ dựa trên Internet, bao gồm việc sử dụng Internet trên điện thoại di động, điện toán đám mây và các kỹ thuật dữ-liệu-lớn [76].

Khái niệm này được đề cập đến lần đầu tiên trong Báo cáo Công tác Chính phủ năm 2015 của thủ tướng Lý Khắc Cường. Chính sách này phản ánh mong muốn về một ngành công nghiệp Internet mở rộng và năng động, và được khẳng định bằng các chuyến thăm cấp cao của các nhà lãnh đạo hàng đầu tới các công ty Internet, các “làng Taobao” (Taobao village), và các công ty khởi nghiệp công nghệ cao được thành lập kể từ lễ nhậm chức của hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Với một chương trình nghị sự bao quát nhằm tái cơ cấu nền kinh tế chính trị chung của quốc gia dựa trên Internet, mục đích của chính quyền trung ương Trung Quốc còn vượt xa cả mục tiêu kinh tế [77]. Vào tháng 7 năm 2015, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị Thúc đẩy Tích cực Chiến lược Internet Plus, nhằm đẩy mạnh việc dùng Internet làm đòn bẩy để thúc đẩy các dịch vụ công, với mục tiêu hội nhập mọi khía cạnh của xã hội vào một Trung Quốc được kết thành mạng lưới vào năm 2018 [78]. 

Tóm lại, ngành Internet Trung Quốc đã trải qua bốn giai đoạn phát triển: những năm từ 1987 đến 1993 là giai đoạn chuẩn bị, khi nhiều nhóm nghiên cứu dưới sự tài trợ của chính phủ khám phá những phương thức xây dựng mạng nội địa và kết nối với thế giới. Giai đoạn năm 1994 và 1995 là giai đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng mạng quy mô lớn vì ngành Internet chủ yếu được xem như một nền tảng hỗ trợ cho việc thu thập và phân phối thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập kế hoạch tập trung và phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Từ năm 1996 đến 2010, khi Trung Quốc tái hòa nhập vào chủ nghĩa tư bản xuyên quốc gia, nền công nghiệp Internet trong nước đã phát triển thành một động lực quan trọng tạo ra mức tăng trưởng GDP phi thường. Giai đoạn mới nhất đã nâng ngành Internet thành ngành công nghiệp trụ cột, cốt lõi của nền kinh tế chính trị quốc gia sau cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2007 – 2008. Nói chung, nắm bắt được thời điểm cả thế giới đang “hiện đại hóa và toàn cầu hóa mạng lưới truyền thông cũng như sự phổ biến nhanh chóng của công nghệ thông tin đầy quyền lực”, chính phủ Trung Quốc kiến thiết các chính sách nhằm từng bước tích hợp Internet vào nền kinh tế chính trị quốc gia [79]. 

 

Ưu tiên theo đuổi chủ nghĩa tư bản và phát triển đô thị

Để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ cấu công nghiệp đang thay đổi, kể từ những năm 1990 đã diễn ra một chuyển đổi quan trọng trong chính sách của đất nước liên quan đến vốn tư nhân [80], đó là giải phóng cho các yếu tố phi nhà nước tham gia vào quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và Internet. Với việc mở cửa thị trường chứng khoán trong nước ở Thượng Hải và Thâm Quyến vào năm 1991 và 1992, các nguồn vốn tư nhân, đặc biệt là vốn tài chính đã trở thành những nhân tố chính trong nền kinh tế Trung Quốc. Xin nhắc lại một điều quan trọng là vẫn còn một số điểm mơ hồ và tranh cãi trong định nghĩa về sở hữu tư nhân. Chính phủ Trung Quốc định nghĩa công ty tư nhân là “tổ chức vì lợi nhuận thuộc sở hữu của một hoặc nhiều cá nhân và tuyển dụng nhiều hơn tám nhân viên”, còn Edward Tsec thì chỉ ra rằng định nghĩa này loại trừ một số cơ cấu quản trị kinh doanh (chẳng hạn như các công ty có ít hơn tám nhân viên) hoặc các doanh nghiệp thuộc sở hữu chung (như Haier và Huawei) hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư tư nhân nước ngoài (như Alibaba và Tencent) [81]. Để cho đơn giản và rõ ràng, trong các phân tích sau đây, công ty tư nhân được gọi chung là các công ty ngoài quốc doanh do các cá nhân người Trung Quốc ban đầu thành lập và điều hành. Trong các số liệu thống kê sau đây, các doanh nghiệp tư nhân là “các doanh nghiệp do một tự nhiên nhân(1) thành lập hoặc do một tự nhiên nhân sở hữu phần lớn” ở Trung Quốc [82].

(1) Trong bối cảnh doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc, thuật ngữ “natural person” (tự nhiên nhân) được sử dụng để chỉ một cá nhân, trái ngược với một “legal person” (pháp nhân) là một tổ chức hoặc công ty có tư cách pháp nhân.)

Mặc dù định nghĩa mơ hồ này và những khác biệt với định nghĩa đó trong thực tế đã khiến việc đo lường chính xác quy mô của công ty tư nhân trở nên khó khăn, song một vài số liệu khái quát cũng cho thấy sự gia tăng của vốn tư nhân ở Trung Quốc [83].Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, năm 1996 có 443.000 công ty tư nhân đã đăng ký, chiếm chưa đến 20% tổng số doanh nghiệp; năm 2012, số lượng công ty tư nhân đạt mức 5,918 triệu (gần 6 triệu), chiếm hơn 70% tổng số doanh nghiệp [84]. Tỷ trọng của các công ty tư nhân trong xuất khẩu ở Trung Quốc tăng từ gần 0% lên 39% vào năm 2013 [85]. Dưới sự hướng dẫn của chính quyền trung ương là cho phép các yếu tố kinh doanh khác nhau tham gia vào nền kinh tế quốc gia, vốn tư nhân đã phát triển mạnh mẽ và làm thay đổi động lực của ngành công nghiệp [86].

Đặc biệt, trong lĩnh vực Internet các nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng (DVGTGT) và các nhà cung cấp nội dung bắt đầu nổi lên. Hầu như không có ghi chép chính thức nào chỉ ra số lượng và quy mô của các doanh nghiệp tư nhân được thành lập vào thời điểm đó. Mặc dù khó có thể đưa ra một đánh giá toàn diện nhưng có một số bài viết mang tính giai thoại đã cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về cơn sốt làm giàu từ Internet. Vào năm 1995, trang Chinapage – một trang vàng trực tuyến chuyên liệt kê các doanh nghiệp và sản phẩm của Trung Quốc do Jack Ma, ChinaNet của AsiaInfo, Trung Vượng và Doanh Hải Uy thành lập – ra đời [87]. Từ năm 1996 đến năm 2000 có nhiều công ty được thành lập, những công ty này về sau đã trở nên nổi tiếng hơn. Năm 1996, Charles Zhang thành lập Sohu. com; năm 1997 William Lei Ding cho ra đời NetEase, cung cấp một trong những dịch vụ thư điện tử miễn phí sớm nhất ở Trung Quốc; năm 1998 và 1999 chứng kiến sự ra đời của Sina, Tencent, Sohu, NetEase, Jingdong, Crtip, Baidu và Alibaba, cùng nhiều cái tên khác [88].Vài trong số này đã trở nên vô cùng thành công và hầu hết đều đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (Initial Public Offering – IPO) trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Các quá trình này tạo ra các cấu trúc tài chính phức tạp và thường đem lại lợi nhuận. Tính đến năm 2018, bảy doanh nghiệp trong số đó gồm Tencent, Sohu, NetEase, Jingdong, Ctrip, Baidu và Alibaba vẫn nằm trong số mười công ty Internet hàng đầu Trung Quốc [89].Những công ty Internet mới nổi này của Trung Quốc xuất hiện gần như cùng thời điểm với sự bùng nổ Internet ở Hoa Kỳ.

 

Bảng 1.3 Các công ty Internet Trung Quốc được thành lập từ năm 1995 đến năm 2000

Nguồn: danh sách các công ty của NASDAQ và NYSE

 

Song song với dòng vốn đầu tư từ trong và ngoài nước ồ ạt này đã xuất hiện những bức tranh thay đổi không ngừng của các động lực thành thị/nông thôn và các cấu trúc dân số, vốn vừa là tiền đề vừa là kết quả của những thay đổi kinh tế-chính trị dẫn đến sự phát triển của ngành Internet Trung Quốc. Cụ thể, có hai sự thay đổi lớn đã diễn ra: việc thành lập các đặc khu kinh tế (ĐKKT) và sự phát triển của các tầng lớp lao động, trung lưu và thành thị, là những người chiếm phần lớn cả lực lượng lao động cho ngành CNTTTT lẫn cộng đồng sử dụng CNTT-TT.

 

Các đặc khu kinh tế

Trong những năm đầu cải cách của Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã chỉ định hai tỉnh ven biển là Quảng Đông và Phúc Kiến làm hai tỉnh đi đầu trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, phát triển các cụm công nghiệp, và được hưởng những ưu đãi về chính sách [90]. Năm 1980, bốn thành phố nằm ở hai tỉnh này gồm Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu và Hạ Môn đã được chỉ định là các ĐKKT [91]. Theo Quy định về Đặc khu Kinh tế ở tỉnh Quảng Đông, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tại các đặc khu là 15%. Những ưu đãi đặc biệt sẽ được dành cho các doanh nghiệp thành lập trong vòng hai năm kể từ ngày ban hành quy định này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ 5 triệu đô-la trở lên, và các doanh nghiệp liên quan đến các công nghệ cao hơn hoặc có thời gian quay vòng vốn dài hơn [92].

Hiệu quả kinh tế đến tức thì đã được ghi nhận chỉ trong vài năm đầu tiên thực hiện mở ĐKKT. Năm 1981, bốn đặc khu đã thu hút 59,8% vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc, trong đó riêng thành phố Thâm Quyến đã chiếm 50,6% [93]. Năm 1984 sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa thêm các khu vực ven biển để cho các khu vực này được hưởng ưu đãi kinh tế đặc biệt, bốn đặc khu này vẫn chiếm 26% FDI quốc gia, với tổng trị giá là 707,58 triệu đô-la [94]. Trước sự tăng trưởng vượt bậc của các đặc khu này, chính quyền trung ương bắt đầu thành lập các khu phát triển kinh tế và công nghệ (KPTKTCN). Từ năm 1984 đến 1988 đã có 14 KPTKTCN được ra mắt, bao gồm Đại Liên, Tần Hoàng Đảo, Thiên Tân, Yên Đài, Thanh Đảo, Liên Vân Cảng, Nam Thông, Mẫn Hàng, Hồng Kiều, Tào Hà Kinh, Ninh Ba, Phúc Châu, Quảng Châu và Trạm Giang [95]. Mặc dù những KPTKTCN này có xu hướng là những vùng ngoại ô tương đối nhỏ hơn so với các ĐKKT, chúng cũng được hưởng ưu đãi thuế nhằm cải thiện môi trường đầu tư và khuyến khích các dự án công nghiệp trong ngành công nghiệp công nghệ cao [96]. Vào khoảng năm 1991 đến 1992 và 2000 đến 2002 đã xuất hiện thêm hai làn sóng tăng trưởng đáng kể ở các KPTKTCN này. Năm 2003, FDI đầu tư cho các khu vực này lên đến 15,769 tỷ đô-la [97]. Tính đến năm 2016, có 54 KPTKTCN như vậy thuộc cấp nhà nước ở Trung Quốc, với 32 khu nằm ở các vùng biển và 22 khu nằm trong nội địa [98].

Để đẩy mạnh năng suất cho các ĐKKT và KPTKTCN, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho CNTT trở thành ưu tiên hàng đầu. Nhằm xây dựng vốn và nâng cấp mạng lưới, chính phủ Trung Quốc trước hết quan tâm đến việc “kết nối các thành phố ven biển và đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp” cho nền kinh tế hướng ngoại, và theo Yu Hong, cơ sở hạ tầng viễn thông và cơ sở truyền thông ở Quảng Đông có nền tảng chuyên môn cao hơn nhiều so với các tỉnh nội địa như Hồ Nam và Tứ Xuyên [99].

Những yếu tố này đã thúc đẩy điều kiện kinh tế-xã hội ở các vùng ven biển, nơi sản sinh ra nhiều công ty công nghệ. Chẳng hạn như ở Thâm Quyến, tỷ trọng của các ngành công nghiệp công nghệ cao trong tổng sản lượng công nghiệp của thành phố đã tăng từ dưới 10% năm 1990 lên gần 40% vào năm 1998 [100]. Một số người coi Thâm Quyến là Thung lũng Silicon của Trung Quốc: chỉ riêng năm 2014, thành phố này đã thu hút tổng cộng 10,42 đô-la tỷ (64 tỷ NDT) đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) [101]. Ngoài các công ty công nghệ được thành lập hoặc có vốn nước ngoài, một số công ty nổi tiếng trong nước đã phát triển ở đây, trong đó có tập đoàn thiết bị viễn thông toàn cầu ZTE được thành lập vào năm 1985; Huawei, thành lập năm 1987; và gã khổng lồ Internet Tencent.  

 

Lực lượng lao động

Khía cạnh thứ hai của quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa ồ ạt này là sự nổi lên của tầng lớp lao động thành thị, vì “lĩnh vực CNTT đang phát triển đã trở thành điểm đến chính của hàng triệu nông dân kiêm công nhân” [102]. Theo tài liệu của BCNTT, năm 2002 có khoảng 6,2 triệu người làm việc trong ngành thông tin điện tử, tăng so với 1,5 triệu người của 5 năm trước; 16 triệu công nhân (chiếm 6,7% lao động ở thành thị) được tuyển dụng trong ngành công nghiệp CNTTTT rộng lớn [103].

Nói một cách tổng quát hơn, lượng dân số thuộc cái mà Jack Khưu Lâm Xuyên (1) gọi là “nhóm ít thông tin” (information have-less) giờ đây thậm chí còn lớn hơn so với các giai đoạn trước đó: 247 triệu lao động nhập cư vào năm 2015, 114 triệu công nhân sản xuất vào năm 2013, 227 triệu người dưới 4 tuổi và 222 triệu người từ 60 tuổi trở lên [104]. Những người này là nhóm chính trong nhóm người sử dụng các công nghệ thông tin truyền thông giá rẻ, dễ tiếp cận và cấp thấp hơn, chẳng hạn như “điện thoại cũ, máy tính cũ, đĩa DVD lậu, quán cà phê Internet, dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS), dịch vụ di động trả trước và điện thoại không dây cấp thấp Little Smart” [105]. Những nhóm dân cư này sẽ trở thành nhóm người tích cực sử dụng nhiều sản phẩm phổ biến của Tencent, chẳng hạn như QQ, WeChat và các trò chơi nhỏ, cùng nhiều sản phẩm khác sẽ được thảo luận ở các chương sau. 

(1) Jack Khưu Lâm Xuyên là phó giáo sư, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông So sánh và Truyền thông Trung Quốc, Phó Tổng biên tập Tạp chí Truyền thông, Trường Báo chí và Truyền thông, Đại học Trung văn Hồng Kông. Ông cũng làm việc với các tổ chức phi chính phủ cấp cơ sở và tư vấn cho các tổ chức quốc tế.

 

Sự ra đời của Tencent

Thành lập vào năm 1998, công ty Tencent đã khởi đầu hoạt động kinh doanh của mình bằng các dịch vụ tin nhắn tức thời (Instant message – IM) tên là QQ. QQ do năm nhà sáng lập trụ cột của Tencent là Mã Hóa Đằng, Tăng Lý Thanh, Trương Chí Đông, Trần Nhất Đan, và Hứa Thần Diệp phát triển, và là phiên bản chuyển thể bản địa hóa của ICQ, một ứng dụng nhắn tin tức thời (NTTT) do một công ty Israel ban đầu phát minh ra [106]. Kể từ đó Tencent đã liên tục nỗ lực bổ sung thêm tiếng Trung trên các tính năng cho hệ thống nhắn tin này. Sự phổ biến rộng rãi của QQ đã giúp Tencent có được một cơ sở người dùng lớn ở Trung Quốc. Vào cuối năm 2018, lượng người dùng hoạt động hằng tháng của QQ đã chạm mức 807 triệu người [107]. Chính một phần nhờ ở cơ sở người dùng khổng lồ này mà các hoạt động kinh doanh của Tencent, như sẽ được trình bày sau đây, sau đó đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực dịch vụ Internet, di động và viễn thông giá trị gia tăng khác. Các DVGTGT được định nghĩa chung là “các dịch vụ xử lý dữ liệu nâng cao” ngoài các dịch vụ thoại (voice service) cơ bản mà các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thường cung cấp [108]. Ở Trung Quốc, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Quy định Viễn thông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lần đầu tiên vào năm 2000, trong đó sự khác biệt giữa các dịch vụ cơ bản và các DVGTGT được chỉ định như sau:

Các doanh nghiệp viễn thông được chia thành loại hình doanh nghiệp viễn thông cơ bản và doanh nghiệp viễn thông GTGT…. Doanh nghiệp viễn thông cơ bản là doanh nghiệp cung cấp cơ sở hạ tầng mạng công cộng, các dịch vụ truyền dữ liệu công cộng và các dịch vụ giao tiếp cơ bản qua điện thoại. Doanh nghiệp viễn thông GTGT là các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ thông tin và viễn thông sử dụng cơ sở hạ tầng mạng công cộng [109].

Trong trường hợp của Tencent, các DVGTGT của họ bao gồm giải trí, mạng xã hội, cổng thông tin và truyền thông, trò chơi và thương mại điện tử, cùng nhiều dịch vụ khác trên các thiết bị cầm tay di động thông minh và các thiết bị gia đình [110]. Vào tháng 6 năm 2004, Tencent có đợt IPO trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông. Cuối năm 2018, doanh thu của công ty đạt 45,56 tỷ đô-la (tương đương 312,69 tỷ NDT) [111]. Công ty tự nhận mình là “nhà cung cấp dịch vụ phong cách sống trực tuyến” và tuyên bố họ là “cổng dịch vụ Internet được sử dụng nhiều nhất và lớn nhất tại Trung Quốc” [112].Tencent hiện là một trong mười tập đoàn Internet lớn nhất toàn cầu xét theo giá trị thị trường [113]. 

Tencent được thành lập vào thời điểm then chốt đối với ngành Internet của cả Trung Quốc và thế giới. Ở trong nước, ông Đặng Tiểu Bình bắt đầu chuyến công du miền nam thứ hai của mình vào năm 1992, trong đó ông kiên quyết ủng hộ tăng cường cải cách và tự do hóa kinh tế [114]. Bài phát biểu này mang ý nghĩa lịch sử sâu rộng đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, như tuyên bố nổi tiếng của ông “Mèo đen hay mèo trắng cũng được, cứ bắt được chuột thì là mèo giỏi”. Câu nói này nhìn chung được cho là thể hiện thái độ cởi mở và chào đón đối với thị trường tư bản [115]. Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở chính của Tencent, đã được hưởng lợi rất nhiều từ chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình và trở thành một trong những ĐKKT đầu tiên của Trung Quốc mở cửa tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài sau năm 1992 [116].Chỉ trong một năm sau chuyến thăm của Đặng Tiểu Bình, lượng vốn FDI vào Thâm Quyến đã tăng từ 250 triệu đô-la năm 1992 lên 497 triệu đô-la năm 1993. Năm 2009, lượng FDI vào Thâm Quyến đạt 4,2 tỷ đô-la [117]. GDP bình quân đầu người ở đây tăng từ 1.825 đô-la (8.720 NDT) năm 1990 lên 8.713 đô-la (69.450 NDT) năm 2006, và GDP tăng trưởng với tốc độ 14% lên 20% một năm từ năm 1995 đến năm 2006 [118]. Đồng thời, Thâm Quyến là một trong số ít những thành phố đầu tiên ở Trung Quốc được truy cập Internet thông qua China Telecom, sau khi hoạt động Internet hoàn chỉnh đầu tiên sử dụng giao thức TCP/IP ở Trung Quốc được triển khai vào năm 1994 [119].Những năm sau đó chứng kiến các công ty Internet mọc lên khắp nơi ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Thâm Quyến. Cũng trong giai đoạn này, trên toàn cầu CNTT đang trở thành ngành công nghiệp bùng nổ của nền kinh tế Hoa Kỳ. Cụ thể, điều này được thể hiện rõ qua sự nổi lên của NASDAQ, nơi ngày càng có nhiều công ty công nghệ được niêm yết công khai. Tencent, nổi lên vào những năm cuối thế kỷ 20, là một ví dụ về cơn sốt làm giàu từ Internet toàn cầu này. 

 

Kết luận  

Chương này cung cấp cái nhìn tổng thể về bối cảnh kinh tế chính trị mà từ đó ngành CNTT mà cụ thể hơn là Tencent đã phát triển. Như bốn giai đoạn của những thay đổi lớn trong cách phát biểu và hướng dẫn thực hiện đường lối chính sách trên đã chỉ ra, những chuyển đổi này không phải là ngẫu nhiên. Chúng vừa là điều kiện tiên quyết vừa là kết quả của quá trình chuyển đổi kinh tế-chính trị tổng thể diễn ra trong lịch sử đương đại của Trung Quốc. Quá trình phát triển của Internet từ vai trò là cơ sở hạ tầng mạng hỗ trợ cho phát triển công nghiệp thành nút trung tâm của nền kinh tế quốc dân tự nó đã phản ánh một cuộc chuyển đổi kinh tế-chính trị rộng lớn từ phương thức sản xuất hướng ngoại phụ thuộc nhiều vào FDI sang phương thức sản xuất tập trung vào trong nước và tiêu dùng với sự hỗ trợ từ các nguồn đầu tư gián tiếp [120].

Mặc dù những thay đổi và phát triển này đều do chính phủ khởi xướng, nhưng chúng đại diện cho một mô hình khái quát hơn trên thế giới, trong đó vốn tư nhân – dù là trong nước hay nước ngoài – được giải phóng để xây dựng nền kinh tế của một quốc gia. Trung Quốc là ví dụ hàng đầu cho mô hình này. Dựa theo kinh nghiệm của các quốc gia khác, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách dần dần mở cửa thị trường trong nước để đón nhận các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các công ty tư nhân trong nước. Đồng thời, quá trình này cũng cho thấy một số đặc điểm của Trung Quốc, cụ thể là những hạn chế đối với vốn FDI ở một số khu vực nhất định. Kết quả của những hạn chế này là việc sáp nhập rộng rãi các khoản đầu tư mạo hiểm nước ngoài vào ngành Internet, vấn đề này sẽ được thảo luận sâu hơn trong các chương tiếp theo về cấu trúc vốn của Tencent. Nói cách khác, các chính sách Internet của Trung Quốc đã luôn tạo điều kiện cho việc phát triển vốn, tuy nhiên các chính sách này liên tục được điều chỉnh dựa trên hai câu hỏi tạo điều kiện cho ai và phát triển đơn vị vốn nào – tức là đơn vị vốn nhà nước hay đơn vị vốn tư nhân và đơn vị vốn trong nước hay đơn vị vốn nước ngoài. 

Những thay đổi này nhằm đáp ứng những thách thức cả trong và ngoài nước và thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa nhà nước Trung Quốc và các đơn vị vốn khác nhau. Ở trong nước, ngành công nghiệp Internet đang phát triển có thể là do một số yếu tố như sự gia tăng vốn tư nhân, sự tham gia của các đơn vị vốn trong và ngoài nước, sự thay đổi về mặt không gian của quá trình phân bổ lực lượng lao động khổng lồ và các ưu đãi chính sách dành cho ngành công nghệ thông tin. Còn trên bình diện quốc tế, mong muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc của các nhà đầu tư nước ngoài, sự trỗi dậy của lĩnh vực tài chính toàn cầu, sự hợp tác với sức mạnh đang lên của Thung lũng Silicon, cuộc khủng hoảng và suy thoái trong những năm gần đây cũng góp phần đưa đến sự bùng nổ Internet tại Trung Quốc ở các giai đoạn khác nhau. Các cuộc đàm phán, hợp tác và cạnh tranh giữa các khu vực nhà nước và các đơn vị vốn khác nhau đã và vẫn đang diễn ra.

 

Tài liệu tham khảo:
  1. Milton L. Mueller and Zixiang Tan, China: Telecommunications and the Dilemmas of Reform (Westport, CT: Praeger, 1997), 83; “The Internet Timeline of China 1986~2003,” CNNIC, truy cập ngày 10/5/2016, http://www1.cnnic.cn/IDR/ hlwfzdsj/201306/t20130628_40563.htm.
  2. “Internet Timeline of China 1986~2003.” 
  3. “The Annual Statistical Report on Internet Development in China, 1997 and 2000,” CNNIC, truy cập ngày 10/10/2016, www. cnnic.net.cn/hlwfzyj/hlwxzbg/200905/ P020120709345374625930.pdf và www. cnnic.net.cn/hlwfzyj/hlwxzbg/200905/ P020120709345371437524.pdf. 
  4. Arjun Kharpal, “Alibaba Sets New Singles Day Record with More Than $30.8 Billion in Sales in 24 Hours,” CNBC, November 11, 2018, truy cập ngày 9/1/2019, www. cnbc.com/2018/11/11/alibaba-singles-day2018-record-sales-on-largest-shoppingevent-day.html.
  5. Nina Hachgian, “China’s CyberStrategy,” Foreign Affairs (tháng 3-4, năm 2001): 118–33. 
  6. Wenli Yuan, “E-Democracy@China: Does It Work?” Chinese Journal of Communication 3, no. 4 (2010): 488–503. 
  7. Sally J. McMillan and Jang-sun Hwang, “Nailing Jell-O to the Wall and Herding Cats: A Content Analysis of Chinese and U.S. Newspaper Coverage of the Internet in China,” Journal of Intercultural Communication Research 31, no. 2 (2002): 107. 
  8. Yuan, “E-Democracy@China.”McChesney, Communication Revolution, 14. 
  9. Vincent Mosco, “Toward a Theory of the State and Telecommunications Policy,” Journal of Communication 38, no. 1 (1988): 107–24. 
  10. Yuezhi Zhao, Communication in China: Political Economy, Power, and Conflict (Lanham, MD: Rowman & Littlefield, 2008), 20–21.
  11. Leo A. Orleans, Science in Contemporary China (Stanford: Stanford University Press, 1980), 535–40. 
  12. “Deng Xiaoping’s South China Tour (Jan. 1992),” China.org.cn, April 19, 2011, truy cập ngày 24/2/2019, www.china.org.cn/ china/CPC_90_anniversary/2011-04/19/ content_22392494.htm. 
  13. Chengzhong Guo, “Zhongguo Xinxihua fazhan lichen he jiben silu” 中国信息 化发展历程和基本思路 [The Path and Guideline of China’s Informatization], truy cập ngày 11/5/2016, www.ccidnet. com/2002/0731/20953.shtml. 
  14. “Across the Great Wall: Celebration, First Email Message from China to CSNET,” Amateur Computerist 16, no. 2 (2008), truy cập ngày 10/5/2016, www.columbia. edu/~hauben/acn/ACn16-2.pdf. 
  15. Cindy Zheng, “Opening the Digital Door: Computer Networking in China,” Telecommunications Policy 18, no. 3 (1994): 236–42. 
  16. Mueller and Tan, China in the Information Age, 83. 
  17. “Across the Great Wall”; “Internet Timeline of China 1986~2003.”
  18. “Internet Timeline of China 1986~2003.” 
  19. Mueller and Tan, China in the Information Age, 84. 
  20. Wei Wu, “Great Leap or Long March: Some Policy Issues of the Development of the Internet in China,” Telecommunications Policy 20, no. 9 (1996): 699–711. 
  21. “Internet Timeline of China 1986~2003”; W. Wu, “Great Leap”; Mueller and Tan, China in the Information Age, 85. 
  22. “Internet Timeline of China 1986~2003.” 
  23. W. Wu, “Great Leap.” 
  24. “Internet Timeline of China 1986~2003.” 
  25. Ding Lu, “China’s Telecommunications Infrastructure Buildup: On Its Own Way,” trong Deregulation and Interdependence in the Asia-Pacific Region, biên tập Takatoshi Ito và Anne O. Krueger (Chicago: University of Chicago Press, 2000), 371–413. 
  26. W. Wu, “Great Leap”; “Internet Timeline of China 1986~2003.” 
  27. Mueller and Tan, China in the Information Age, 87. 
  28. Zixiang (Alex) Tan, William Foster, and Seymour Goodman, “China’s State-Coordinated Internet Infrastructure,” Communications of the ACM 42, no. 6 (1999): 44–52.
  29. Peter Lovelock, Theodore C. Clark, and Ben A. Petrazzini. “The ‘Golden Projects’: China’s National Networking Initiative,” Information Infrastructure and Policy 5, no. 4 (1996): 265. 
  30. “Internet Timeline of China 1986–2003.” 
  31. Lovelock, Clark, and Petrazzini, “Golden Projects,” 265–77. 
  32. Mueller and Tan, China in the Information Age, 52, 57. 
  33. Lovelock, Clark, and Petrazzini, “Golden Projects,” 265–77. 
  34. W. Wu, “Great Leap”; Mueller and Tan, China in the Information Age, 91. 
  35. Mueller and Tan, China in the Information Age, 91. 
  36. Bryce T. McIntyre, “Let a Hundred Modems Bloom: The Internet in Today’s China,” in Cyberpath to Development in Asia: Issues and Challenges, eds. Sandhya Rao and Bruce C. Klopfenstein (Westport, CT: Praeger, 2002), 71–72.
  37. Mueller and Tan, China in the Information Age, 91. 
  38. W. Wu, “Great Leap.” 
  39. “Ninth Five-Year Plan (1996–2000) for National Economic and Social Development and Long-Range Objectives to the Year 2010,” State Council, truy cập ngày 4/4/2016, http://cpc.people.com.cn/ GB/64184/64186/66686/4494253.html. 
  40. Li Peng, “Report on the Outline of the Ninth Five-Year Plan (1996–2000) cho Phát triển kinh tế – xã hội quốc gia và các mục tiêu dài hạn đến năm 2010 (Trích đoạn),” Ninth Five-Year Plan in RetrosKTCTTTt, truy cập ngày 4/11/2016, www.china.org. cn/95e/95-english1/2.htm. 
  41. “Ninth Five-Year Plan (1996–2000)”; S. Philip Hsu, Yu-Shan Wu, and Suisheng Zhao, biên tập, In Search of China’s Development Model: Beyond the Beijing Consensus (London: Routledge, 2011), 138. 
  42. Shi Zhong-Liang, “Outline of the Ninth Five-Year Plan for National Economic and Social Development and the LongTerm Goals to the Year 2010,” in China’s Transition to a Socialist Market Economy, biên tập Mohamed Osman Suliman (Westport, CT: Quorum, 1998), 128.
  43. Li, “Report on the Outline of the Ninth Five-Year Plan.” 
  44. John Wong, The Political Economy of Deng’s Nanxun: Breakthrough in China’s Reform and Development (Hackensack, NJ: World Scientific, 2014), 92–94. 
  45. Qian Zeng, “Zhongguo Hulianwang jiandu zhengce fenxi (1994–2014): Yizhong kaifaxing weiquan zhuyi” 中国 互联网监督政策分析(1994–2014): 一种 开发型威权主义 [Phân tích về các chính sách quản lý Internet của Trung Quốc (1994–2014): Chủ nghĩa độc tài đang phát triển], in Legalization of Cyberspace: Báo cáo thường niên of Internet and State Governance 2015, biên tập Zhian Zhang (Beijing: Commercial, 2015), 160–70. 
  46. “China’s Technological Progress,” People’s Daily, October 8, 2000, truy cập ngày 4/11/2016, www.china.org.cn/95e/95- english3/15.htm. 
  47. “China’s IT Develops at Tremendous Pace,” People’s Daily, 25/9/2000, truy cập ngày 4/11/2016, www.china.org. cn/95e/95-english3/3.htm; Trừ khi có ghi chú khác, tỷ giá hối đoái này và các phép đổi tiếp theo từ NDT sang USD được lấy từ “Tỷ giá hối đoái chính thức (Đơn vị tiền tệ địa phương trên mỗi đô la Mỹ, trung bình thời kỳ)”, Ngân hàng Thế giới, truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2016, http://data.worldbank.org/indicator/ PA.NUSFCRF?end=2015&locations= CN&start=1960&view=chart.
  48. “Investments Pave Way for Growth,” China Daily, 3/10/2000, truy cập ngày 4/11/2016, www.china.org.cn/95e/95-english2/17.htm. 
  49. Yukai Wang, “Zhongyang Wangluo anquan yu xinxihua lingdao xiaozu de youlai ji yingxiang” 中央网络安全与信息 化领导小组的由来及其影响 [Nguồn gốc và ảnh hưởng của Nhóm lãnh đạo trung ương về các vấn đề không gian mạng và Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc], 3/4/2014, truy cập ngày 11/5/2016, http://theory.people.com.cn/n/2014/0303/ c40531-24510897.html; “Internet Timeline of China 1986~2003.” 
  50. “Internet Timeline of China 1986~2003”; “State Council, Circular of the General Office of the State Council Concerning Establishing Information Work Leading Group of the State Council,” truy cập ngày 30/7/2016, www.chinabaike.com/ law/zy/xz/bgt/1335454.html. 
  51. “State Council, Circular of the General Office of the State Council Concerning Establishing National Information Work Leading Group,” truy cập ngày 30/7/2016, www.gov.cn/gongbao/content/2000/ content_60619.htm.
  52. “Zhongyang Wangluo Anquan he Xinxihua lingdao xiaozu chengli” 中央网络安全和信息化领导小组成 立 [The Central Leading Group for Cyberspace Affairs and the Cyberspace Administration of China Is Established], Xinhua News, February 28, 2014, truy cập ngày July 30, 2016, http://news.xinhuanet. com/info/2014-02/28/c_133148759.htm; “China Eyes Internet Power,” Xinhua News, 8/3/2014, truy cập ngày 30/7/2016, http://news.xinhuanet.com/english/ sKTCTTTial/2014-03/08/c_133171308.htm. 
  53. Y. Wang, “Origin and Influence of the Central Leading Group”; “China Eyes Internet Power.” 
  54. Mueller and Tan, China in the Information Age, 24–25. 
  55. Eric Harwit and Jack Su, “A Telecom Newcomer Challenges the MPT Monopoly,” China Business Review 23, no. 6 (1996): 22–23. 
  56. Mueller and Tan, China in the Information Age, 52.
  57. Explanation for State Council’s Ministerial Reform, truy cập ngày 30/7/2016, www.reformdata.org/ content/19980306/12912.html. 
  58. Dali L. Yang, Remaking the Chinese Leviathan: Market Transition and the Politics of Governance in China (Stanford: Stanford University Press, 2004), 17–19. 
  59. “Ministry of Industry and Information Technology Inaugurated,” Xinhua News Agency, 30/6/2008, truy cập ngày 10/11/2016, www.china.org. cn/government/news/2008-06/30/ content_15906787.htm. 
  60. Yukyung Yeo, “Remaking the Chinese State and the Nature of Economic Governance? The Early Appraisal of the 2008 ‘Super-Ministry’ Reform,” Journal of Contemporary China 18, no. 62 (2009): 729–43. 
  61. “The Eleventh Five-Year Plan for Information Industry,” MIIT, 2/3/2007. 
  62. “The Twelfth Five-Year Plan Will Invest 2 Trillion in Telecommunications Industry,” MIIT, 23/12/2010, truy cập ngày 10/11/2016, www.cn-c114.net/575/ a571178.html.
  63. “2010 nian Dianxi xinxi chanye tongji gongbao” 2010年电子信息产业统计公报 [Báo cáo thống kê ngành thông tin điện tử năm 2010], MIIT, 11/2/2011, truy cập ngày 10/11/2016, www.miit.gov.cn/n1146312/ n1146904/n1648373/c3483292/content.html. 
  64. “China: Summary of the Tenth Five-Year Plan (2001–2005)—Information Industry,” truy cập ngày 10/11/2016, http:// unpan1.un.org/intradoc/groups/public/ documents/apcity/unpan022769.pdf. 
  65. Harvey, Brief History, 121–25. 
  66. Justin Yifu Lin, “China and the Global Economy,” paper presented at Asia Economic Policy Conference, 29–30 tháng 11, 2011, truy cập ngày 10/11/2016, https:// www.frbsf.org/economic-research/files/ Lin.pdf; Dữ liệu về các tài khoản quốc gia của Ngân hàng Thế giới, “Exports of Goods and Services (% of GDP),” World Bank, truy cập ngày 10/11/2016, http:// data.worldbank.org/indicator/NE.EXP. GNFS.ZS?locations=CN. 
  67. John Bellamy Foster and Robert W. McChesney, The Endless Crisis: How Monopoly-Finance Capital Produces Stagnation and Upheaval from the USA to China (New York: Monthly Review, 2012), 169.
  68. Yuezhi Zhao, “China’s Pursuits of Indigenous Innovations in Information Technology Developments: Hopes, Follies and Uncertainties,” Chinese Journal of Communication 3, no. 3 (2010): 266–89. 
  69. Yuezhi Zhao, “Neoliberal Strategies, Socialism Legacies: Communication and State Transformation in China,” in Global Communication: Toward a Transcultural Political Economy, eds. Paula Chakravartty and Yuezhi Zhao (Lanham, MD: Rowman & Littlefield, 2008), 23–50. 
  70. Hong, “Reading the Twelfth Five-Year Plan.” 
  71. Như trên. 
  72. “China’s Internet Developments During the 12th Five-Year Plan,” State Council, 4/11/2015, truy cập ngày 10/11/2016, http://english.gov. cn/policies/infographics/2015/11/04/ content_281475227710554.htm. 
  73. Như trên. 
  74. “Statistical Report on Internet Development in China,” CNNIC, 2018. 
  75. Li Keqiang, “Report on the Work of the Government 2015,” bài phát biểu tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 12, 5/3/2015, truy cập ngày 1/7/2015, http://news.xinhuanet.com/english/china/2015- 03/16/c_134071473_2.htm.
  76. Benfu Lu and Junlan Zhou, “Gongxiang jingji de chuangye dachao he shangye moshi fenxi” 共享经济的创业大潮和商业 模式分析 [Phân tích về Nền kinh tế chia sẻ và Mô hình kinh doanh của nền kinh tế này], trong Legalization of Cyberspace: Báo cáo thường niên of Internet and State Governance 2015 (Beijing: Commercial, 2015), 127–36; Guomin Yu, “Hulianwang shi gaowei meijie: Yizhong shehui chuanbo gouzao de quanxin fanshi—Guanyu xianjieduan chuanmei fazhan ruogan lilun yu shijian wenti de bianzheng” 互联网是高维媒介: 一种社会传播构造的全新范式—关于现 阶段传媒发展若干理论与实践问题的辩 证 [Internet là phương tiện truyền thông đa chiều: Một mô hình hoàn toàn mới về xây dựng truyền thông xã hội – Một cái nhìn biện chứng về lý thuyết và thực tiễn hiện tại], trong Legalization of Cyberspace: Báo cáo thường niên of Internet and State Governance 2015, biên tập Zhian Zhang (Beijing: Commercial, 2015), 209–17. 
  77. “Instruction on Actively Promoting ‘InternetPlus’ Strategy,” State Council, 4/7/2015, truy cập ngày 4/4/2016, www.gov.cn/zhengce/ content/2015-07/04/content_10002.htm; Hong, Networking China, 133.
  78. Mueller and Tan, China in the Information Age, 1–3. 
  79. Q. Zeng, “Zhongguo Hulianwang jiandu zhengce fenxi (1994–2014),” 160–70. 
  80. Edward Tse, China’s Disruptors: How Alibaba, Xiaomi, Tencent, and Other Companies Are Changing the Rules of Business (New York: Portfolio, 2015), x–xi. 
  81. Nicholas R. Lardy, Markets Over Mao: The Rise of Private Business in China (Washington, DC: Peterson Institute for International Economics, 2014), 64. 
  82. Như trên, 62–63. 
  83. Như trên, 66. 
  84. Như trên, 87. 
  85. Heng-Hao Chang and Alvin Y. So, “Powerful Communist Party, Robust Capitalist Economy: Interpreting the Chinese Puzzle,” Humboldt Journal of Social Relations 24, no. 1–2 (1998): 101–27; Andrew Atherton and Alaric Fairbanks, “Stimulating Private Sector Development in China: The Emergence of Enterprise Development Centres in Liaoning and Sichuan Provinces,” Asia Pacific Business Review 12, no. 3 (2006): 333–54.
  86. Mohamed Jalloh, “Jack Ma: Success Story,” Investopedia, truy cập ngày 8/11/2016, www.investopedia.com/university/jackma-biography/jack-ma-success-story.asp; “Zhongwang baojing cangsang jiehou yusheng Wanpingguo huishou jianxin lichen” 中网饱经沧桑劫后余生 万平国回首艰辛历程 [Sự tồn tại của Chinanet và suy ngẫm của Wan Pingguo], Caijing Shibao 财经时报, 12/7/2001, truy cập ngày 8/11/2016, http://tech.sina.com. cn/i/c/75586.shtml; “Zhangshuxin: Yinghaiwei dangnian shibai, shi yinwei ta taizao le” 张树 新:瀛海威当年失败,是因为“它太早了” [Zhang Shuxin: Thất bại của Yinghaiwei là do xuất hiện sớm], Tai Meiti 钛媒体, 21/4/2014, truy cập ngày 8/11/2016, http://tech.163. com/14/0421/08/9QBFA1S400094ODU.html; Jun Lin, Feiteng Shiwu nian: China’s Internet 1995–2009 沸腾十五年:中国互 联网 1995– 2009 [Sự hối hả và nhộn nhịp của Internet Trung Quốc: Mười lăm năm từ 1995–2009] (Beijing: China Citic, 2009), 1–27. 
  87. Lin, Feiteng Shiwu nian: China’s Internet 1995–2009; Tse, China’s Disruptors. 
  88. Mianmian Zhang, “2016 Zhongguo Hulianwang qiye 100 qiang paihangbang fabu” 2016中国互联网企业100强排行榜 发布 [100 Công ty Internet Trung Quốc hàng đầu năm 2016], Yangguang Wang 央 广网, 15/7/2016, truy cập ngày 8/11/2016,www.cbdio.com/BigData/2016-07/15/ content_5090837.htm.
  89. “1979 nian 7 yue 15 ri Zhonggong Zhongyang Guowu Yuan jueding dui Guangdong Fujian liangsheng duiwai jingji geiyu gengduo zizhu quan” 1979 年7月 15日 中共中央、国务院决定对广 东、福建两省对外经济给以更多自主权 [Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện quyết định trao thêm quyền tự chủ cho các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến trong quan hệ kinh tế đối ngoại vào ngày 15 tháng 7 năm 1979], People.com.cn, truy cập ngày 15/11/2016, http://cpc.people.com.cn/GB /4162/64165/67447/67829/4590607.html; Yue-man Yeung, Joanna Lee, and Gordon Kee, “China’s SKTCTTTial Economic Zones at 30,” Eurasian Geography and Economics 50, no. 2 (2009): 222–40. 
  90. “Shiban Jingji tequ de juece neiqing Weihe Guangdong Fujian xianzou yibu” 试办 经济特区的决策内情 为何广东、福建先 走一步 [Góc nhìn nội bộ về lý do tại sao Quảng Đông và Phúc Kiến là những tỉnh đầu tiên thử nghiệm đặc khu kinh tế], Dangshi Bolan 党史博览, 6 (2008), truy cập ngày 15/11/2016, http://cpc.people.com. cn/GB/68742/69118/69658/7433454.html.
  91. “Regulations on Special Economic Zones in Guangdong Province,” Phiên họp thứ mười lăm của Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ năm, 26/8/1980, truy cập ngày 15/11/2016, www.wto.org/english/thewto_e/acc_e/ chn_e/WTACCCHN46_LEG_8.pdf. 
  92. Yeung, Lee, and Kee, “China’s SKTCTTTial Economic Zones at 30.” 
  93. Kwan-Yiu Wong, “China’s SKTCTTTial Economic Zone Experiment: An Appraisal,” Series B, Human Geography, Geografiska Annaler 69, no. 1 (1987): 27–40. 
  94. “A Brief Introduction of National Economic and Technological Development Zones in China,” Ministry of Commerce, truy cập ngày 15/11/2016, www.china.org.cn/ english/SPORT-c/76751.htm. 
  95. “Tax Policies Concerning Foreign-funded Enterprises and Foreign Enterprises in National ETDZs,” Ministry of Commerce, truy cập ngày 15/11/2016, www.china.org. cn/english/difang/76259.htm. 96. Bih Jane Liu and Yu-Yin Wu, “Development Zones in China: Are STIPs a Substitute for or a Complement to ETDZs?” Taipei Economic Inquiry 47, no. 1 (2011): 97–145.
  96. “Introduction to China Industrial Parks,” China Knowledge, truy cập ngày 15/11/2016, www.chinaknowledge. com/Manufacturing/Introduction. aspx?subchap=3&content=7. 
  97. Yu Hong, “Repurposing Telecoms for Capital in China,” Asian Survey 53, no. 2 (2013): 319–47. 
  98. Xie Wei, “Acquisition of Technological Capability Through SKTCTTTial Economic Zones (SEZs): The Case of Shenzhen SEZ,” Industry and Innovation 7, no. 2 (2000): 199–221. 
  99. He Huifeng, “Top 5 Tech Giants Who Shape Shenzhen, ‘China’s Silicon Valley,’” South China Morning Post, 17/4/2015, truy cập ngày 15/11/2016, www.scmp. com/lifestyle/technology/enterprises/ article/1765430/top-5-tech-giants-whoshape-shenzhen-chinas-silicon. 
  100. Hong, Labor, Class Formation, 6. 
  101. Như trên Min Wen và Weihua Deng, 信 息产业部:我国信息产业进入新一轮结构 调整期 [Bộ Công nghiệp Thông tin: Đất nước bước vào giai đoạn điều chỉnh cơ cấu mới trong Công nghiệp Thông tin], Xinhua News, October 21, 2002, truy cập ngày 15/11/2016, http://news.xinhuanet.com/zhengfu/2002-10/21/content_603505. htm.
  102. “Guojia weisheng jisheng wei zhongguo liudong renkou fazhan baogao (2016) deng youguan qingkuang zhuanti fabu hui weizi shilu” 国家卫生计生委中国流动人口 发展报告 (2016) 等有关情况专题发布会文 字实录 [Văn bản họp báo năm 2016 về dân số di cư Trung Quốc của Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình Quốc gia], National Health and Family Planning Commission, 19/10/2016, truy cập ngày 15/11/2016, www.nhfpc.gov.cn/xcs/s3574/201610/ a6d3a604596a4ca3acf0dad31d891c13. shtml; Richard A. McCormack, “By the Numbers: The U.S. Has 12 Million Manufacturing Workers; China Has Ten Times That Number—114 Million,” Manufacturing and Technology News 23, no. 6 (2016), truy cập ngày 15/11/2016, www.manufacturingnews. com/news/2016/China-ManufacturingEmployment-0630161.html; “2015 nian Quanguo 1% renkou chouyang diaocha zhuyao shuju gongbao” 2015 年全国1%人 口抽样调查主要数据公报 [Khảo sát mẫu dân số 1% của Trung Quốc năm 2015], National Bureau of Statistics, 20/4/2016, truy cập ngày 15/11/2016, www.stats.gov.cn/ tjsj/zxfb/201604/t20160420_1346151.html; Jack Linchuan Qiu, Working-Class NetworkSociety: Communication Technology and the Information Have-Less in Urban China (Cambridge, MA: MIT Press), 85–87.
  103. Qiu, Working-Class Network Society, 3. 
  104. ICQ sau đó được AOL mua lại và hiện thuộc sở hữu của Mail.ru. 
  105. Tencent, “Tencent Announces 2018 Fourth Quarter and Annual Results,” 21/3/2019, truy cập ngày 25/3/2019, www.tencent.com/ en-us/articles/15000761553167321.pdf. 
  106. Milton L. Mueller and Wolter Lemstra, “Liberalization and the Internet,” in International Handbook of Network Industries: The Liberalization of Infrastructure, biên tập Matthias Finger và Rolf W. Kunneke (Cheltenham: Elgar, 2011), 144–61. 
  107. State Council, “Telecommunications Regulations of the People’s Republic of China,” ChinaITLaw.org, 20/1/2010, truy cập ngày 23/4/2017, www.china.org.cn/ business/laws_regulations/2010-01/20/ content_19273945_2.htm. 
  108. Tencent, Prospectus, 2004, 58. 
  109. Tencent, “Tencent Announces 2018 Fourth Quarter and Annual Results.”
  110. “About Tencent,” Tencent, truy cập ngày 20/7/2015, www.tencent.com/en-us/ abouttencent.html. 
  111. “Market Capitalization of the Biggest Internet Companies Worldwide as of May 2018 (in Billion U.S. Dollars),” Statista, truy cập ngày 17/1/2019, www.statista.com/ statistics/277483/market-value-of-thelargest-internet-companies-worldwide/. 
  112. Suisheng Zhao, “Deng Xiaoping’s Southern Tour: Elite Politics in Post-Tian anmen China,” Asian Survey 33, no. 8 (1993): 739–56. 
  113. “Southern Tour Legacy,” Global Times, 20//7/2015, http://backup. globaltimes.cn/sKTCTTTialcoverage/ dengssoutherntour.aspx. 
  114. Lin Huang, “What Did Deng Xiaoping’s Southern Tour Bring to Shenzhen?” Party History, truy cập ngày 20/7/2015, http:// dangshi.people.com.cn/BIG5/18156136.html. 
  115. Xiangming Chen and Ahmed Kanna, Rethinking Global Urbanism: Comparative Insights from Secondary Cities (New York: Routledge, 2012), 112–13. 
  116. Jianfa Shen, “Urban Growth and Sustainable Development in Shenzhen City 1980–2006,” Open Environmental Journal 2 (2008): 71–79.
  117. Mueller and Tan, China in the Information Age, 81–82. 
  118. Hong, “Reading the Twelfth Five-Year Plan,” 1045–57.

Bản lưu Sự kiện ra mắt bộ sách Global Media Giants - Các tập đoàn truyền thông chi phối thế giới thực

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *