Các tác phẩm của Hà Thủy Nguyên: Phiêu lãng và sâu sắc

Khi nhắc đến Hà Thủy Nguyên, mọi người thường nghĩ ngay đến Book Hunter, cộng đồng học thuật và kiến tạo, đã tồn tại từ năm 2011 đến nay. Trải qua nhiều thăng trầm, Book Hunter đã trở nên quen thuộc với công chúng qua các thảo luận tri thức, các bài xã luận và nghiên cứu của chị. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau những đóng góp đó, Hà Thủy Nguyên còn là một nhà văn tài hoa với nhiều tác phẩm đáng chú ý.

Hành trình văn chương của Hà Thủy Nguyên bắt đầu từ rất sớm. Khi mới 16 tuổi, chị đã ra mắt cuốn tiểu thuyết dã sử huyền ảo 1000 trang mang tên “Điệu Nhạc Trần Gian” (NXB Phụ Nữ). Sau khi được xuất bản, cuốn sách đã tạo ra một tiếng vang lớn trong báo chí. Đây là cuốn tiểu thuyết kết hợp giữa dã sử, kiếm hiệp, thần tiên đầu tiên ở Việt Nam, và đặc biệt là nó được viết bởi một cô bé mới 14 tuổi (được hoàn thành năm 16 tuổi). Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã nhận xét như sau về cuốn sách:

“Một cuốn tiểu thuyết viết theo lối chương hồi phóng túng (có câu thơ đầu ở hầu hết các chương tuy không nhất thiết phải đối nhau nghiêm ngặt; có đoạn thơ kết thúc từng chương). Một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn tưởng tượng, nghĩa là đọc nó người đọc được bước vào một thế giới thần tiên ma quỷ, không phải thế giới hiện thực của con người trần gian, nhưng tình cảm, cảm xúc của các nhân vật tiên quỷ trong đó lại là của con người. Một cuốn tiểu thuyết cuốn hút người đọc theo những bước chân phiêu lãng, theo những cuộc tình trong sáng đắm say của những chàng trai cô gái vốn hóa thân xuống đất làm việc thiện việc nghĩa, không ngại chấp nhận thử thách đến từ phía cái ác cái xấu. Một cuốn tiểu thuyết mà đọc nó ngỡ như quen thuộc từ nhân vật đến giọng văn nhưng lại thấy lạ lùng khi nghĩ đó là do một cô bé học sinh viết ra.”

"Cầm Thư quán" và những sóng gió sự nghiệp đầu đời

Năm 2008, Hà Thủy Nguyên nổi danh với các tác phẩm phim truyền hình, đặc biệt là “Vòng Nguyệt Quế” được chiếu vào giờ vàng trên VTV1. Tuy nhiên, sự nổi tiếng cũng đi kèm với những sóng gió. Cùng năm đó, cuốn tiểu thuyết “Cầm Thư quán” (NXB Phụ Nữ) của chị bị thu hồi, gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Dù vậy, cuốn sách nhanh chóng lan tỏa trên các trang ebook và đến với nhiều độc giả trẻ, chứng tỏ sức hút không thể chối từ của tác phẩm.

Năm 2018, Book Hunter thử nghiệm hoạt động xuất bản đầu tiên với “Cầm Thư quán”. Bất ngờ thay, tác phẩm đã được cấp phép mà không gặp phải sự kiểm duyệt gắt gao. Hà Thủy Nguyên đã chỉnh sửa lại văn phong, các phần dịch thơ và bổ sung trường ca đề từ cho cuốn tiểu thuyết. Đến năm 2024, “Cầm Thư Quán” được NXB Phụ Nữ Việt Nam mua lại bản thảo và xuất bản chính thức, nhận được nhiều lời khen ngợi từ độc giả.

Cầm Thư Quán

Ấn bản mới nhất do NXB Phụ Nữ Việt Nam,

Anh Đặng Xuân Lương, độc giả độc lai độc vãng nổi tiếng trên facebook đã vẽ bộ “tứ bình” ứng tác khi đọc “Cầm Thư quán”. Bộ “tứ bình” này đã được thiết kế thành postcard trong lần tái xuất 2024. Anh Lương còn bình về “Cầm Thư Quán”:

“Năm đó đọc “Cầm Thư Quán”, cảm xúc của mình rất khó tả. Văn vẻ thì nói như ngửi thấy mùi mưa rơi và nghe thấy hương sen bay. Tâm linh thì nói tâm hồn như được gột rửa, sạch không và trống rỗng. Duy tâm thì nói như bị yêu hồ ám. Duy vật thì nói đơn giản là bị tê liệt ngôn từ.

4 bức vẽ này mình mô tả 5 nhân vật của “Cầm Thư Quán”, trong đó có vua Thánh Tông. Khi vẽ Thánh Tông, mình có rất nhiều ý tưởng. Vẽ một bức toàn thân vua vận long bào thêu hoa văn rồng mây, tay cầm cuốn sách; hay một bức bán thân vua cùng văn phòng tứ bảo, chong đèn đọc sách, phê tấu chương? Sau cùng mình nghĩ, mình đang mô tả một nhân vật văn học, nên sẽ không sa đà vào sử liệu. Để thể hiện một nhân vật uy quyền, khó dò mình sử dụng cả 3 yếu tố: ánh nhìn mục hạ vô nhân; thần long kiến thủ bất kiến vĩ; góc nhìn từ phía sau cùng trang phục không hiển lộ hoa văn, họa tiết.”

Thử nghiệm mới với hình thức kết hợp sci-fi và fantasy

Năm 2009, chị tiếp tục gây ấn tượng với cuốn tiểu thuyết sci-fi “Thiên Mã” (NXB Kim Đồng), kết hợp khéo léo giữa yếu tố khoa học viễn tưởng và huyền ảo. Cuốn sách nhận được sự yêu thích rộng rãi và đến năm 2022, đoạn trích của “Thiên Mã” được đưa vào Sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 7. Cuốn sách này đã được tái bản vào năm 2023, khẳng định vị thế vững chắc trong lòng độc giả.

Hành Trình Với Book Hunter

Từ khi thành lập Book Hunter, năm 2011 Hà Thủy Nguyên không ngừng thử nghiệm và sáng tạo trong nhiều thể loại khác nhau như tiểu luận triết học, phê bình sách, thơ, truyện ngắn và tản văn. Những tác phẩm như tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa” (2013, Bách Việt), tập thơ “Mùa dã cổ” (2016, NXB Hội Nhà Văn), và tập thơ “Nằm xem sao rụng” (2020, NXB Hội Nhà Văn) đều là những minh chứng cho tinh thần tự do và sáng tạo không ngừng nghỉ của chị.

Năm 2018, Hà Thủy Nguyên quay trở lại với sáng tác tiểu thuyết bằng cuốn tiểu thuyết dã sử về Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều mang tựa đề “Thiên địa phong trần”. Bộ tiểu thuyết gồm 3 tập, và đến năm 2022 đã hoàn thiện và xuất bản 2 tập đầu. Tập thứ 3 hiện đang được chị hoàn thiện, hứa hẹn tiếp tục mang đến những bất ngờ cho độc giả.

Lấy cảm hứng từ cuộc phong trần biến động và cuộc đời, tác phẩm của các trí thức, chính trị gia, tướng lĩnh thời Lê Mạt, nhà văn Hà Thủy Nguyên bằng ngòi bút duy mỹ với văn phong Á Đông, đã dựng nên toàn bộ thế cuộc của thời đại này thông qua bộ tiểu thuyết “Thiên Địa Phong Trần”. Từ đó, những gửi gắm tâm tư về thế sự, tư tưởng nhân sinh, và bình phẩm lịch sử… được trực quan hóa bằng cuộc đời của chính các nhân vật.

Chọn nhân vật trung tâm là Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, tác giả của áng cổ thi “Cung oán ngâm khúc”, với thân phận của một người vừa nhập cuộc vừa mong muốn thoát tục, nhà văn Hà Thủy Nguyên tạo nên cách tiếp cận biến chuyển liên tục giữa cái nhìn trong cuộc – ngoài cuộc.

Nhà thơ Thái Hoàng Duy đã nhận xét về “Thiên Địa Phong Trần” như sau:
 
“Viết văn kiểu như người thư kí trung thành của thời đại đã khó, nắm bắt cái ĐANG LÀ vốn chẳng phải việc dễ dàng, nếu không có tài năng, trí tưởng tượng và lao động nghiêm túc vậy mà Hà Thủy Nguyên chọn viết tiểu thuyết lịch sử, nơi các con người, sự kiện ĐÃ LÀ, không gian, con người đều rất hạn hẹp, ít chỗ cho sáng tạo, tưởng tượng. Vậy mà trong tiểu thuyết Thiên địa phong trần Hà Thủy Nguyên ít nhiều đã làm tốt và làm khá thành công, phục dựng nên một KHÔNG- THỜI GIAN SỬ LỊCH mà người đọc bị cuốn vào không khí lịch sử như thật, như mơ nơi các nhân vật hiện lên sống động, cá tính và có da có thịt như đang sống trước mặt. Đó không phải việc dễ dàng, là tác giả quả thật công phu hàm dưỡng rất cao mới làm được như vậy.
Viết truyện lịch sử không hề dễ dàng. Một số sẽ chọn trung thành với các sự kiện lịch sử như Phan Kế Bính, Đặng Trần Phất, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc, Thái Vũ, Hà Ân, Hoàng Quốc Hải….một số sẽ lựa chọn một lát cắt nào đó của lịch sử như Phạm Cao Củng, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp hay gần đây là Đinh Phương …sau đó đưa ra cái nhìn sử lịch của riêng mình. Mỗi cách đều có cái khó riêng nhưng tựu chung vẫn phải dựa vào sự thực lịch sử để đan cài điểm nhìn của nhà văn đối với cái ĐÃ LÀ do đó đòi hỏi vừa có trí tưởng tượng bay bổng vừa có tính chân xác nghiêm mật. Giữ được cả hai phẩm tính đó trong truyện lịch sử là một sự rất khó. Người thành công thì ít mà người thất bại như Phan Trần Chúc, Hoàng Quốc Hải.. thì nhiều. Nhìn chung trong tiểu thuyết TĐPT Hà Thủy Nguyên đã làm được điều đó. Không khí lịch sử trong tt TĐPT vừa chính xác, vừa thơ mộng, không có tài văn chương lịch sử thì không làm được. Tác giả lấy nhân vật lịch sử Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều làm trung tâm và đã tạo ra một Nguyễn Gia Thiều vừa tài hoa, kiêu bạc, vừa nhiệt huyết, vừa chán nản, vừa có đấy lại như không đấy, vừa là kẻ tham gia trò chơi vương quyền, vừa như kẻ ngoài lề, vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên, vừa như muốn làm chủ mệnh số lại vừa như buông bỏ cho phận số…dung hòa được biết bao mâu thuẫn như vậy trong con người tài tình đó Hà Thủy Nguyên lại làm cứ như không, cũng là một kiểu tài hoa không lẫn vào đâu được. Ngoài ra các nhân vật cùng thời đó như vua Cảnh Hưng, chúa Trịnh Sâm, thái tử Duy Vỹ, hoàng tôn Duy Khiêm, thế tử Trịnh Tông, Tuyên phi Thị Huệ, bà phi Ngọc Hoan, Nguyễn Khản, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Chí, Phi Mai Hồ Xuân Hương…đều hiện ra sống động, đầy tính cách riêng…
 
Ngoài ra Hà Thủy Nguyên cũng đặt ra các giả thuyết riêng của mình về các sự kiện lịch sử, việc đạo diễn các sự kiện cung đình của Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Khản, Cảnh Hưng, Trịnh Sâm, Trịnh Quốc mẫu, Thị Huệ…hay sự kiện quân Tam phủ khởi loạn bên ngoài kinh thành để phò tá Trịnh Tông, hay nàng Cầm trong bài thơ Long Thành cầm giả ca của Nguyễn Du cũng chính là Hồ Phi Mai Hồ Xuân Hương…là những giả thiết có phần táo bạo, có phần khác với các ghi chép của người đương thời về lịch sử lúc đó như Hoàng Lê nhất thống chí của họ Ngô Thì, Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực…
 
Tiểu thuyết có ưu điểm vững vàng về kết cấu, tác giả vốn là một cây viết phim truyền hình vững tay nghề nên đã kết cấu cuốn tiểu thuyết theo các phân cảnh cinema khiến tiểu thuyết luôn có không khí khép mở, lát cắt đan xen, từng phân cảnh, trường đoạn sáng rõ gây sự tò mò, phấn khích cho người đọc, tránh được sự lê thê, kể lể dài dòng mà vẫn hoạt. Chất kịch tính khép mở theo mỗi scene tương ứng mỗi chương sách..
 
Các nhân vật được xây dựng cá tính, đâu ra đấy, rất lịch sử nhưng cũng rất hiện đại. Tác giả lại cũng là một nhà thơ nên văn có chất thơ, rất tương thích với không khí huyền sử, dã sử trong tiểu thuyết..Chất thơ bàng bạc trong câu chữ nên đọc rất thú. Phần trích thơ văn cổ đan xen, đúng chỗ, đúng lúc giữ cho chất lịch sử đậm đà mà vẫn hiện đại.”

Bên cạnh sáng tác, chị còn dịch nhiều tác phẩm thơ ca, lý luận thơ ca, và tâm linh, góp phần vào việc lan tỏa tri thức và văn hóa. Đặc biệt, các tác phẩm dịch thơ của Hà Thủy Nguyên truyền tải được tinh thần, đặc trưng văn hóa và nghệ thuật thơ ca của các tác giả. 

Các bài báo viết về Hà Thủy Nguyên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *