0
Bộ Não Của Bạn Khi Dùng Mạng Xã Hội
Trích đoạn từ cuốn sách "Cỗ máy thao túng" của Sinan Aral
Bằng những ví dụ như trường hợp về cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 hay đại dịch COVID-19, Sinan Aral, giáo sư quản lý tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đã chỉ ra rằng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter và Instagram đã trở thành một “cỗ máy thao túng” khuếch đại, truyền bá thông tin sai lệch, thuyết âm mưu và nội dung độc hại, được sử dụng để thao túng dư luận. Trong cuốn sách, Aral cũng thảo luận về tác động kinh tế của mạng xã hội, lập luận rằng nó đã dẫn đến sự gia tăng của “những người có ảnh hưởng kỹ thuật số” và một kỷ nguyên tiếp thị mới ưu tiên nội dung thu hút sự chú ý hơn chất lượng hoặc độ chính xác. Ông cũng khám phá những cách mà mạng xã hội đã ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chúng ta, trích dẫn các nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội với tỷ lệ trầm cảm, lo lắng và nghiện ngập gia tăng.
“Cỗ máy thao túng” là một cuốn sách kịp thời và quan trọng, cung cấp một phân tích sắc thái về những cách thức phức tạp mà mạng xã hội đang biến đổi xã hội của chúng ta. Những hiểu biết sâu sắc và đề xuất của Aral dựa trên nghiên cứu nghiêm ngặt và cung cấp một lộ trình có giá trị về cách chúng ta có thể thích ứng với những thách thức do mạng xã hội đặt ra đồng thời khai thác tiềm năng thay đổi tích cực của nó.
-
-16%
Cỗ máy thao túng – Sinan Aral
450.000₫Original price was: 450.000₫.380.000₫Current price is: 380.000₫.
Vậy là bộ não của chúng ta được cấu trúc để xử lý các tín hiệu xã hội. Thế còn mối liên hệ giữa bộ não của chúng ta và mạng xã hội thì sao? Để tìm hiểu, các nhà thần kinh học tại Đại học California tại Los Angeles (University of California, Los Angeles, hay UCLA)[1] đã tạo ra một ứng dụng giống Instagram để nghiên cứu các phản ứng của não khi chúng ta thực hiện hành động lướt ảnh trên nguồn cấp tin tức của Instagram. Tương tự với Instagram, ứng dụng này cho hiển thị liên tiếp một loạt các bức ảnh. Các nhà nghiên cứu sau đó tiến hành kiểm tra một vài đối tượng là thiếu niên qua máy fMRI, sau đó ghi nhận những vùng não nào của họ sáng lên khi đang sử dụng phiên bản Instagram của các nhà nghiên cứu. Họ cũng đã thử nghiệm làm giả số lượt thích một bức ảnh nhận được cũng như loại bức ảnh những người tham gia đã nhấn xem, bao gồm cả những bức ảnh của chính họ hoặc của người khác, và những bức ảnh này mô tả các hành vi rủi ro (như sử dụng bia rượu) hay các hành vi trung tính. Họ sau đó đã củng cố cho các kết quả của mình bằng cách tiến hành kiểm tra thêm những đối tượng khác là thanh niên, dựa trên không chỉ việc nhận lượt thích mà còn cả hành động bấm thích. Là một nhà khoa học, nhưng cũng là cha của một đứa trẻ sáu tuổi, tôi nhận thấy những phát hiện của họ vừa gợi thích thú nhưng cũng đáng lo ngại.
Trước tiên, việc xem những bức ảnh có nhiều lượt thích hơn được liên hệ đến nhiều hoạt động hơn ở những vùng não chịu trách nhiệm về nhận thức xã hội, trông chờ phần thưởng (hệ thống dopamine) và sự chú ý (vỏ não thị giác). Khi những người tham gia xem những bức ảnh có nhiều lượt thích hơn, họ đã trải qua nhiều hơn các hoạt động tổng thể của não, và khi đó vỏ não thị giác của họ sáng lên. Mỗi khi vùng vỏ não thị giác sáng lên, chúng ta tập trung hơn vào những gì chúng ta đang quan sát; chúng ta để tâm và chăm chú nhiều hơn sao cho có được một sự quan sát chi tiết nhất. Để đảm bảo những sự khác biệt trong những bức ảnh không tác động đến kết quả, các nhà nghiên cứu đã gán ngẫu nhiên số lượt thích trên các bức ảnh, đồng thời kiểm soát về độ sáng và nội dung của ảnh. Kết quả vẫn giữ nguyên cho dù những người tham gia đang xem ảnh của chính họ hay ảnh của người khác. Tóm gọn, khi chúng ta xem những hình ảnh nào trên mạng xã hội có nhiều lượt thích hơn, chúng ta sẽ chăm chú và xem chúng kỹ hơn. Chúng ta chú ý nhiều hơn đến những thông tin nào được người khác đánh giá cao trên mạng. Có thể bạn sẽ nghĩ, Ừm, ảnh nào nhận được nhiều lượt thích hơn hẳn là phải thú vị hơn. Nhưng các nhà nghiên cứu đã phân bổ ngẫu nhiên các lượt thích, điều đó cho thấy rằng chính các lượt thích, chứ không phải các bức ảnh, đã kích thích hoạt động của vỏ não thị giác.
Thứ hai, việc ảnh có nhiều lượt thích hơn sẽ kích thích mạng lưới trí năng hóa, hay não bộ xã hội. Khi những người tham gia xem ảnh của chính họ, họ phản ứng với những bức ảnh có nhiều lượt thích hơn (được phân bổ ngẫu nhiên) với mức độ hoạt động của não bộ lớn hơn đáng kể tại các vùng não có liên hệ với kỹ năng xã hội. Họ cũng ghi nhận nhiều hoạt động thần kinh hơn ở hồi trán dưới, vùng não có liên quan đến khả năng bắt chước. Khi chúng ta xem những bức ảnh của chính mình, bộ não của chúng ta sẽ kích hoạt các vùng não chịu trách nhiệm về việc tư duy xem mọi người nhìn nhận chúng ta ra sao, cũng như những điểm tương đồng và khác biệt của chúng ta với họ. Nói cách khác, khi chúng ta nghĩ về những bức ảnh của chính mình, chúng ta nhìn nhận chúng trong ngữ cảnh xã hội của chúng – chúng ta muốn xem người khác sẽ nhìn nhận những bức ảnh này như thế nào.
Cuối cùng, việc ảnh của chính mình có nhiều lượt thích hơn kích thích hệ thống tưởng thưởng dopamine, vốn điều khiển sự hài lòng, động cơ thúc đẩy và phản xạ có điều kiện. Hệ thống dopamine khiến chúng ta khao khát phần thưởng bằng cách kích thích các cảm xúc vui vẻ, hưng phấn và ngây ngất (ecstasy). Khi hai nhà tâm lý học James Olds[2] và Peter Milner[3] cho lũ chuột khả năng tự kích thích hệ thống tưởng thưởng của chúng bằng cách ấn vào một đòn bẩy, họ nhận thấy lũ chuột sẽ vứt bỏ mọi thứ, cả việc ăn lẫn ngủ, để ấn đi ấn lại đòn bẩy đó cho đến khi chúng chết vì kiệt sức.
Ivan Pavlov[4] đã mở rộng hiểu biết của chúng ta về cơ chế tưởng thưởng bằng cách chứng minh rằng ông có thể huấn luyện những chú chó thiết lập mối liên hệ giữa phần thưởng (thức ăn) với một tác nhân kích thích không liên quan (một cái chuông), và chỉ mỗi tác nhân kích thích đó thôi cũng đủ khiến lũ chó tiết tuyến nước bọt. Sự ràng buộc về nhận thức giữa kích thích và phần thưởng cho phép Pavlov kích thích hệ thống tưởng thưởng của não bằng một biểu tượng (cái chuông); theo cách tương tự, các lượt thích gây kích thích và tưởng thưởng cho chúng ta bằng cảm giác được chấp thuận bởi xã hội và những lời tâng bốc từ thế giới mạng. Việc nhìn thấy các lượt thích kích thích hệ thống dopamine của chúng ta và khuyến khích chúng ta tìm kiếm từ thế giới mạng sự chấp thuận của xã hội, theo cùng một lý do nền tảng khiến lũ chuột của Olds và Milner liên tục ấn đòn bẩy hay những chú chó của Pavlov tiết ra nước bọt khi nghe thấy tiếng chuông.
Do đó, bộ não của chúng ta được cấu trúc để xử lý và bị tác động bởi các tín hiệu xã hội mà Cỗ máy Thao túng tùy biến. Nhưng liệu Cỗ máy Thao túng có thực sự được thiết kế ngay từ đầu với mục đích này? Sean Parker đã giải đáp thắc mắc về thiết kế của Facebook trong một cuộc phỏng vấn với Mike Allen[5] vào năm 2017: “Hướng tư duy đều xoay quanh câu hỏi: ‘Làm cách nào chúng tôi có thể thâu tóm nhiều thời gian và sự chú ý có ý thức của người dùng nhất có thể?’”, anh nói. “Điều đó có nghĩa rằng đôi khi chúng tôi cần phải ‘tiêm’ cho người dùng một chút dopamine, chẳng hạn như khi ai đó bấm thích hoặc bình luận vào một bức ảnh hoặc bài đăng hoặc làm bất cứ hoạt động gì, thì người dùng sẽ đóng góp nhiều nội dung hơn, rồi việc này sẽ lại giúp người dùng có thêm nhiều lượt thích và bình luận hơn. Đây là một ‘vòng lặp phản hồi được xã hội xác thực’ (social validation feedback loop)… Đó là việc khai thác một điểm yếu trong tâm lý con người”.
Mạng xã hội được thiết kế để tạo thói quen. Những “liều dopamin” này không chỉ khiến chúng ta muốn liên tục sử dụng mạng xã hội, mà chúng còn được cung cấp cho chúng ta theo một “lịch trình tăng cường biến thiên” (variable reinforcement schedule), hàm ý chúng có thể gây ảnh hưởng bất kỳ lúc nào. Đó là lý do vì sao chúng ta luôn kiểm tra điện thoại để xem liệu mình có nhận được bất kỳ liều dopamine từ xã hội nào không. Việc các phần thưởng đến ngẫu nhiên liên tục thu hút sự chú ý của chúng ta. Các phần thưởng này, được gắn với tiếng nhạc chuông, những cú rung của điện thoại hay đèn nháy thông báo tin nhắn mới, khiến chúng ta như được tiết tuyến nước bọt chờ mong sự chấp thuận của xã hội, hệt như cách những chú chó của Pavlov chảy nước miếng để đòi thức ăn vậy. Những cấu trúc thiết kế này kích thích sự mong mỏi của chúng ta muốn được kết nối hoặc cạnh tranh với người khác, đồng thời chúng ta muốn trốn tránh việc bị rơi vào tình trạng “sợ bỏ lỡ” (fear of missing out, hay FOMO[6]). Khi kết hợp tất cả chúng lại, ta có được công thức để tạo nên một thói quen.
Các bằng chứng khoa học thần kinh cho thấy thói quen sử dụng mạng xã hội của chúng ta được thúc đẩy bởi các phần thưởng, cùng những tín hiệu về sự nổi danh (reputation) chúng ta nhận được từ nó. Chẳng hạn, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng cách não phản ứng với sự gia tăng về mức độ nổi danh của người khác dự đoán được tần suất sử dụng Facebook, trong khi sự gia tăng về mức độ giàu có (wealth) thì không dự đoán được.
Nhưng khi Dean Eckles[7], Christos Nicolaides[8] và tôi nghiên cứu về bộ môn chạy bộ, chúng tôi thấy rằng mạng xã hội cũng có thể tạo ra những tác động tích cực lên thói quen của chúng ta. Điều này phụ thuộc vào việc những thói quen nào được duy trì. Khi chúng tôi phân tích thói quen chạy bộ của hàng triệu người trong nhiều năm, chúng tôi nhận thấy các mối liên hệ trên mạng xã hội của những người này, cũng như sự gắn kết trong cộng đồng chạy bộ trên mạng xã hội, đã giúp họ tuân thủ chặt chẽ chế độ chạy và khiến thói quen chạy bộ của họ khó bị phá vỡ. Các thông báo tin nhắn mới cùng các tín hiệu xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố những thói quen lành mạnh này.
Các nghiên cứu của chúng tôi đưa ra lời nhắc nhở rằng phương tiện truyền thông mạng xã hội tiềm ẩn cả sự hứa hẹn lẫn hiểm họa, nhưng nó cũng dạy chúng ta cần để tâm đến cách Cỗ máy Thao túng kích thích bộ não, vì khi đó nó sẽ làm thay đổi hành vi của chúng ta. Thiết kế nhận thức (cognitive design) của Cỗ máy Thao túng ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của chúng ta? Đó là câu hỏi quan trọng tiếp theo trong hành trình tìm hiểu ảnh hưởng của Cỗ máy Thao túng lên thế giới. Và người bạn đồng thời là đồng nghiệp của tôi, Emily Falk , quyết tâm tìm ra câu trả lời. Cô nghiên cứu về nền tảng thần kinh của tác động xã hội – mối quan hệ giữa các tín hiệu xã hội được tùy biến bởi Cỗ máy Thao túng, các chức năng não bộ được kích thích bởi những tín hiệu này, và các hành vi được gắn với những chức năng não bộ đó.
Chú thích:
[1] Được thành lập vào năm 1881, đây là một trường đại học nghiên cứu công.
[2] Nhà tâm lý học người Mỹ, ông được coi là một trong những người sáng lập ngành khoa học thần kinh hiện đại.
[3] Nhà thần kinh học người Canada gốc Anh.
[4] Nhà thần kinh học thực nghiệm, tâm lý học và sinh lý học người Nga (Liên Xô). Ông được biết đến với những khám phá về phản xạ có điều kiện, thông qua các thí nghiệm với loài chó.
[5] Nhà báo người Mỹ chuyên viết về chủ đề chính trị.
[6] Nỗi sợ rằng mình bị bỏ lỡ những điều thú vị và hữu ích trong cuộc sống mà người khác đang được trải nghiệm.
[7] Phó giáo sư ngành tiếp thị tại Viện MIT. Anh nghiên cứu về sự tương tác của người dùng với các phương tiện truyền thông công nghệ, đặc biệt là cách những công nghệ này làm trung gian, khuếch đại và tạo ra sự ảnh hưởng trực tiếp lên xã hội.
[8] Trợ lý giáo sư tại khoa kinh doanh và hành chính công tại Đại học Cyprus. Anh cũng tham gia Trung tâm sáng kiến về Kinh tế số của Viện MIT.