Alibaba trong đại chiến lược toàn cầu của nền kinh tế hàng hóa của Trung Hoa

Trích đoạn từ cuốn sách "ALIBABA – Sự tương tác phức tạp giữa nhà nước và vốn tư bản trong bối cảnh Trung Quốc vươn ra toàn cầu".

ALIBABA – Sự tương tác phức tạp giữa nhà nước và vốn tư bản trong bối cảnh Trung Quốc vươn ra toàn cầu cung cấp cái nhìn sâu sắc vào câu chuyện phát triển của Alibaba, một trong những công ty thương mại điện tử và công nghệ hàng đầu Trung Quốc, qua đó phản ánh sự tương tác giữa nhà nước và vốn tư bản trong quá trình hội nhập toàn cầu của nền kinh tế Trung Quốc.

Bắt đầu từ đợt IPO lớn nhất thế giới vào năm 2014 tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York, cuốn sách tái hiện sự trỗi dậy mạnh mẽ của Alibaba và vai trò của nó trong việc định hình lại nền kinh tế Internet toàn cầu. Sự kiện IPO của Ant Group, công ty liên kết của Alibaba, dù bị dừng lại phút chót do sự can thiệp của cơ quan quản lý Trung Quốc, càng làm nổi bật mối quan hệ phức tạp giữa nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang biến đổi.

Cuốn sách không chỉ đề cập đến Alibaba như một trường hợp doanh nghiệp thành công mà còn khám phá sâu hơn về sự tương tác giữa nhà nước Trung Quốc và vốn tư bản trong quá trình Alibaba vươn ra toàn cầu. Nó phân tích cách mà Alibaba không chỉ đơn thuần là một công ty thương mại điện tử mà còn trở thành một phần của cơ sở hạ tầng cho sự phát triển và mở rộng toàn cầu của Trung Quốc, mở rộng sang nhiều lĩnh vực từ logistics, tài chính, điện toán đám mây đến truyền thông và giải trí.

ALIBABA – Sự tương tác phức tạp giữa nhà nước và vốn tư bản trong bối cảnh Trung Quốc vươn ra toàn cầu mở rộng khái niệm về Internet Trung Quốc, từ một “mạng nội bộ” bị kiểm soát bởi nhà nước đến một hệ thống tương tác toàn cầu, qua đó đóng góp vào việc hiểu sâu hơn về bản chất đa diện của nền kinh tế Internet hiện đại. Cuốn sách này không chỉ dành cho những ai quan tâm đến Alibaba hay kinh tế Trung Quốc mà còn cho bất kỳ ai muốn hiểu về sự phát triển của thị trường toàn cầu trong kỷ nguyên số.

Năm 2020, rõ ràng là Alibaba đã trở thành “gã khổng lồ” của nền kinh tế Internet cả trong nước lẫn toàn cầu – “biểu tượng cho sức mạnh công nghệ mới của Trung Quốc” [1]. Công ty liên tục được liệt vào danh sách những công ty ứng dụng Internet lớn nhất theo vốn hoá thị trường, cạnh tranh trực tiếp với những gã khổng lồ toàn cầu như Amazon, Alphabet và Facebook [2]. Nếu trong bản cáo bạch IPO năm 2014 công ty vẫn còn tự mô tả mình là “công ty thương mại trực tuyến và trên điện thoại lớn nhất thế giới” [3] thì đến năm 2020, thương mại điện tử dường như chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” của đế chế số khổng lồ này. Như chúng ta đã thấy trong cuốn sách này, hệ thống doanh nghiệp khổng lồ hiện nay của Alibaba không chỉ có lớp lõi thương mại mà còn có các lớp hỗ trợ là logistics, thanh toán và tài chính, điện toán đám mây, và lớp ngoài cùng mở rộng từ truyền thông, giải trí đến chăm sóc sức khoẻ. Ứng dụng thanh toán đa chức năng trên điện thoại Alipay thu hút gần 1 tỷ người dùng trên toàn cầu kết hợp các chức năng từ nhắn tin và mạng xã hội đến thanh toán trên điện thoại, quản lý tài sản và thậm chí cả các dịch vụ công [4]. Đồng thời, công ty cũng ngày càng có định hướng toàn cầu hơn. Ví dụ, sau đợt IPO kỷ lục trị giá 25 tỷ đô-la vào năm 2014, Alibaba đã chi 1 tỷ đô-la để mua cổ phần kiểm soát tại Lazada, công ty thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á [5].

Sự trỗi dậy dường như không thể ngăn cản của Alibaba tuy vậy vẫn vấp phải cú đảo ngược bất chợt vào cuối năm 20202, như chúng ta đã thấy ở chương 4. Việc Ant huỷ bỏ kế hoạch IPO trị giá 37 tỷ đô-la đã làm dấy lên một làn sóng đưa tin trên các phương tiện truyền thông. Các phương tiện truyền thông đại chúng kể từ đó ngập tràn những đồn đoán về số phận của Ant Group, Alibaba và Jack Ma, và thường mô tả những động thái quản lý mới này như cuộc đấu tay đôi giữa Jack Ma và Tập Cận Bình, hay giữa các doanh nghiệp tư nhân với một nhà nước độc tài đơn nguyên [6]. Tuy nhiên, các cách giải thích này, như cuốn sách đã liên tục chỉ ra, là quá đơn giản.

Như chúng ta đã thấy xuyên suốt cuốn sách, sự trỗi dậy ngoạn mục của Alibaba trong hai thập kỷ qua là tiêu biểu cho một mô thức đặc biệt của mối quan hệ giữa nhà nước và vốn tư bản, gồm cả căng thẳng và hợp tác. Thay vì xuôi theo một công thức cố định, cuốn sách này cho thấy mối quan hệ nhà nước – vốn tư bản này cần được hiểu và phân tích trong các bối cảnh lịch sử và toàn cầu cụ thể. Một mặt, trong quá trình phát triển của mình công ty đã thực sự trở nên gần gũi hơn với chính quyền và đóng vai trò là hạ tầng cơ sở cho quá trình mở rộng toàn cầu của các thực thể chính trị và kinh tế khác của Trung Quốc. Mặt khác, chúng ta cũng đã chứng kiến nhiều tranh chấp, xung đột và sự cố khác nhau trong những năm qua, như vụ tranh chấp Alipay năm 2011, căng thẳng với Yu’ebao năm 2013 và gần đây nhất là vụ Ant huỷ đợt IPO năm 2020. Nói cách khác, các phân tích lịch sử đã chỉ ra rằng logic lãnh thổ của nhà nước và logic mở rộng của chủ nghĩa tư bản đôi khi có gặp nhau nhưng thường thì mâu thuẫn nhau. Phải thừa nhận rằng mối quan hệ gần gũi mà Alibaba gây dựng với các cơ quan quản lý nhà nước trong hai thập kỷ qua dường như đã rạn nứt hơn bao giờ hết, điều này có thể là do Jack Ma đã vượt quá giới hạn khi chỉ trích công khai các cơ quan quản lý ngân hàng, việc Trung Quốc đang siết chặt quy định trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng chiến lược nói riêng và cả ngành Internet nói chung, cũng như do nhà nước nhìn chung đang có chút xa rời các dự án quốc tế để chuyển sang tập trung mở rộng tiêu dùng trong nước. Dù vậy, chúng ta không nên kết luận rằng điều này cho thấy nhà nước độc tài đã trấn áp thành công doanh nghiệp Internet hùng mạnh nhất Trung Quốc. Quan hệ giữa Alibaba với các cơ quan và các cấp bậc khác nhau của nhà nước Trung Quốc, như cuốn sách này đã chỉ ra, phức tạp và giàu sắc thái hơn rất nhiều, đòi hỏi sự chú ý tỉ mỉ và liên tục.

Mặc dù ảnh hưởng quốc tế của Alibaba vẫn còn hạn chế, và trong khi những tranh chấp gần đây với các cơ quan quản lý Trung Quốc đến thời điểm viết sách vẫn chưa được giải quyết, nhưng công ty vẫn tự khẳng định mình là một phần quan trọng trong hạ tầng cơ sở cho sự trỗi dậy của Trung Quốc trên toàn cầu. Tuy nhiên, cần hiểu mối quan hệ gần gũi của họ với chính quyền một cách thận trọng hơn và cần đặt nó vào một bối cảnh lịch sử đang phát triển. Cần phải nhìn vào đằng sau các chiến lược kinh doanh được ghi chép rõ ràng của công ty và, như cuốn sách này đã cố gắng thực hiện, hiểu được sự phát triển của Alibaba trong bối cảnh tương tác về mặt kinh tế – chính trị giữa các chiến lược phát triển của nhà nước và sự chuyển đổi của ngành Internet toàn cầu. Trong quá trình truy tìm các chi tiết về sự phát triển của công ty trong nền kinh tế số và tiêu dùng đang lớn mạnh của Trung Quốc cũng như các chính sách và chiến lược của nhà nước Trung Quốc, cuốn sách đã cho thấy Alibaba đã dần trở thành nền tảng cho ngành Internet đang ngày càng mang tính toàn cầu của Trung Quốc như thế nào. Đồng thời, có thể thấy sự trỗi dậy của Alibaba là sản phẩm của những nỗ lực chung – những thương thảo và mâu thuẫn không ngừng – của cả chính quyền Trung Quốc lẫn vốn xuyên quốc gia.

 

Tiến trình quốc tế hoá của Alibaba 

Trước khi Alibaba ra mắt trên thị trường tư bản New York, một bài báo trên tờ Tạp chí Phố Wall đã bình luận một cách khá khó hiểu: “Alibaba có thể gắn liền với Trung Quốc và thị trường Trung Quốc, nhưng lại mang tính toàn cầu một cách kỳ lạ” [7]. Quả thực, như cuốn sách này đã chứng minh, Alibaba đã bắt đầu quá trình “quốc tế hoá” của mình ngay từ khi mới thành lập: công ty được thành lập tại quần đảo Cayman chỉ vài tháng sau khi ra mắt trang web đầu tiên, hoạt động ở Trung Quốc thông qua nhiều công ty con trong và ngoài nước, niêm yết công ty con B2B tại Hồng Kông năm 2007 và công ty mẹ trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York năm 2017, đồng thời vẫn luôn tích cực mở rộng ra nước ngoài kể từ khi thành lập. Có thể thấy là Alibaba đã bắt đầu hành trình toàn cầu của mình từ sớm; tuy nhiên, ít ai biết động lực nhà nước – vốn tư bản đã định hình các hướng đi khác nhau hướng tới “quốc tế hoá” của nó như thế nào.

Dựa trên việc khảo sát lịch sử kinh doanh của Alibaba, cuốn sách này đã khám phá một chuỗi các mối quan hệ cấu thành lẫn nhau giữa sự phát triển của Alibaba và các động lực kinh tế – chính trị lớn hơn, cũng như giữa chính quyền Trung Quốc với vốn xuyên quốc gia. Thay vì tạo nên một công thức quá đơn giản hóa, cuốn sách chỉ ra rằng những ghi chép về Alibaba thể hiện một mô thức cụ thể của mối quan hệ nhà nước – vốn tư bản bao gồm cả căng thẳng lẫn hợp tác: từ cuối những năm 1990, vốn xuyên quốc gia đóng vai trò nền tảng trong việc xây dựng Alibaba, mà phần lớn đi cùng với sự ủng hộ ngầm của chính quyền Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 một mặt khiến Alibaba tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa nhưng mặt khác cũng khiến cho công ty lệ thuộc sâu hơn vào chính quyền sở tại, cả về mô hình kinh doanh lẫn trong những cuộc tranh giành quyền lực với các đơn vị vốn xuyên quốc gia khác. Trước khi ra mắt tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York năm 2014, Alibaba đã xây dựng thành đế chế số hoạt động trên phạm vi rộng và tăng cường đáng kể sự hiện diện của mình ở nước ngoài. Tuy nhiên, tầm quan trọng ngày càng lớn của công ty đối với cả nền kinh tế – chính trị Trung Quốc lẫn không gian mạng toàn cầu cũng buộc nhà nước phải thực thi sức mạnh kỷ luật của mình, mà kết quả thì cho đến nay vẫn chưa lấy gì làm chắc.

Quả thực, như cuốn sách này đã chỉ ra, Alibaba sẽ không bao giờ trở thành “biểu tượng cho sức mạnh công nghệ mới của Trung Quốc” nếu chính quyền không ngầm cho phép vốn xuyên quốc gia tham gia – với tư cách là nhà đầu tư danh mục – vào quá trình hình thành ngành ứng dụng và dịch vụ Internet của Trung Quốc. Mối liên kết sâu sắc và từ sớm giữa vốn xuyên quốc gia với Alibaba đi ngược hẳn lại với quan niệm thông thường rằng Trung Quốc đã đóng cửa biên giới số của mình và không ngừng xây dựng “mạng nội bộ” được đóng kín nhờ “Vạn lý tường lửa”. Quả thực, vốn xuyên quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ươm tạo Alibaba cũng như sự phát triển sau này của công ty, bao gồm cả việc mở rộng ra quốc tế gần đây. Hơn nữa, trong quá trình phát triển của mình Alibaba còn được hưởng lợi từ các hình thức hỗ trợ đa dạng của các cấp chính quyền Trung Quốc, từ việc sớm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử ở Trung Quốc đến sự thay đổi toàn diện chính sách gần đây sang sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Nói cách khác, sự trỗi dậy của Alibaba trên không gian mạng toàn cầu là sản phẩm của những nỗ lực hợp tác của cả chính quyền Trung Quốc và vốn xuyên quốc gia.

Như chúng ta đã thấy trong cuốn sách này, Alibaba giờ đây đã có được tầm quan trọng lớn trên không gian mạng toàn cầu. Tuy nhiên, dù có mối quan hệ chặt chẽ với nguồn vốn xuyên quốc gia và thành tích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xuyên biên giới tích cực nhưng thị trường nội địa Trung Quốc vẫn là phân khúc thị trường lớn nhất trong chiến lược lợi nhuận của Alibaba. Ví dụ, trong năm 2020, doanh thu nội địa vẫn chiếm khoảng 90% tổng doanh thu hằng năm của công ty. Vị trí thống trị của thị trường Trung Quốc, cộng với các vũ khí tài chính phức tạp và giàu năng lực cũng như sự hỗ trợ về mặt ngoại giao của nhà nước vẫn đem lại cho chính phủ Trung Quốc một sức ảnh hưởng nhất định đối với Alibaba trong các dự án kinh doanh toàn cầu của họ, và do đó có thể vẫn là sức ép lớn khiến công ty này phải nhất quán với chương trình nghị sự của nhà nước.

 

Quá trình hạ tầng hoá của Alibaba

Tuy nhiên, quá trình quốc tế hoá chỉ xuất hiện như một chiều kích trong sự phát triển của Alibaba. Là công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới, sau màn ra mắt cực kỳ thành công tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York, Alibaba ngày càng trở thành nhà tân “vô địch quốc gia” trong nền kinh tế Trung Quốc. Sự kiện này thúc đẩy nhà nước không chỉ lôi kéo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc vào quá trình hoạch định chính sách – chẳng hạn, chủ tịch Jack Ma thường được mời đến Bắc Kinh để tham gia các hội nghị nội bộ tại trung tâm quyền lực chính trị ở Trung Quốc là Trung Nam Hải [8] – mà còn mở cửa nhiều ngành trước đây bị đóng cửa hoặc bị hạn chế ngặt nghèo cho công ty này thâm nhập. Trong một bức thư ngỏ xuất bản vào tháng 10 năm 2015, Jack Ma tuyên bố rằng Alibaba hướng tới mang đến một trong những nguồn tài nguyên hạ tầng thương mại không thể thiếu, giống như nước, điện và đất [9]. Quả thực, Alibaba đã đặt mục tiêu trở thành một phần trong hạ tầng cơ sở của nền kinh tế chính trị Trung Quốc.

Tuy nhiên, quá trình hạ tầng hoá này của Alibaba cũng thúc đẩy chính quyền Trung Quốc thực thi cơ chế quản lý của mình nhằm hạn chế ảnh hưởng của vốn xuyên quốc gia đối với gã khổng lồ Internet nội địa. Không chỉ là một lực lượng đơn nguyên thống nhất, quyền lực nhà nước này ngày càng trở nên quan trọng song song với sự hiện diện ngày càng tăng của Alibaba trên cả Internet nội địa và quốc tế của Trung Quốc. Vụ tranh chấp Alipay năm 2011, những thương thảo và điều chỉnh trong Luật Đầu tư nước ngoài mới được ban hành gần đây, cũng như việc gần đây nhất là Ant huỷ bỏ đợt IPO, tất cả đều cho thấy cả ý chí và quyền lực của chính phủ Trung Quốc trong việc tiếp tục quản lý doanh nghiệp Internet nội địa của mình. Mặt khác, các nguồn vốn xuyên quốc gia khi tiếp tục tài trợ cho các kế hoạch mở rộng của Alibaba cũng đã cố gắng tối ưu hoá lợi nhuận của mình trong suốt hành trình của Alibaba. Xét ở mặt này, Alibaba cũng là hiện thân cho một chiến trường, nơi nhà nước và vốn xuyên quốc gia tranh giành quyền kiểm soát nền kinh tế số của Trung Quốc.

Cuối cùng, chúng ta không nên bỏ qua vai trò của chính Alibaba. Dưới áp lực liên tục của nhà nước muốn tích hợp Internet vào hầu hết mọi phương diện của nền kinh tế chính trị Trung Quốc, các xúc tu của Alibaba đã mở rộng sang hàng loạt ngành và ngày càng trở thành nhân tố then chốt trong cuộc cách mạng số của Trung Quốc. Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Alibaba – cũng như của ngành công nghiệp Internet đầy quyền lực hiện nay của Trung Quốc nói chung – đã tạo ra một nhóm doanh nghiệp Internet tinh hoa đáng gờm ở Trung Quốc, như chúng ta đã thấy trong các chương trước. Liệu có phải có một bộ phận tầng lớp tư bản xuyên quốc gia ở Trung Quốc đang nổi lên nhờ công nghệ mạng? Họ tương tác với đảng-nhà nước Trung Quốc và các thành phần khác của tầng lớp tư bản xuyên quốc gia như thế nào? Đó là những câu hỏi quan trọng dành cần nghiên cứu trong tương lai.

 

Hướng tới một Trung Quốc số toàn cầu hóa?

Trong số đặc biệt đã được biên tập của Chinese Journal of Communication, Yu Hong và Eric Harwit đã kêu gọi dành nhiều nỗ lực hơn để nghiên cứu “Internet toàn cầu hoá của Trung Quốc”. Họ nhận xét: “Các giao diện công nghệ với hệ thống toàn cầu, được biểu tượng hoá bởi cái chúng ta gọi là ‘Internet toàn cầu hoá của Trung Quốc’, có vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu trật tự truyền thông toàn cầu đầy năng động và biện chứng” [10].

Cuốn sách này đưa ra câu trả lời sơ bộ cho lời kêu gọi quan trọng này. Tác giả cố gắng phác hoạ lại một trong nhiều khía cạnh của “Internet toàn cầu hoá của Trung Quốc” bằng cách nghiên cứu một trong các nhân tố quan trọng nhất của nó là Alibaba. Một mặt, cuốn sách này lập luận rằng Alibaba không còn là một công ty thuần chất thương mại điện tử mà ngày càng trở thành hạ tầng cơ sở cho sự trỗi dậy của Trung Quốc trên toàn cầu. Tiếp đó, sách mở rộng sang nhiều chiều kích, cả trong nền kinh tế chính trị của Trung Quốc lẫn của toàn cầu, trải dài từ logistics, tài chính, điện toán đám mây đến truyền thông và giải trí. Mặt khác, hành trình phát triển của Alibaba cũng đại diện cho sự mở rộng ra bên ngoài của Internet Trung Quốc nói chung, vốn gắn chặt với cả sự chuyển đổi của nền kinh tế chính trị Trung Quốc lẫn sự phát triển cấu trúc của Internet toàn cầu. Cuốn sách này chỉ ra quỹ đạo phức tạp trong quá trình phát triển kinh doanh của Alibaba và cho thấy nó đại diện cho một mô thức cụ thể của mối quan hệ giữa nhà nước và vốn tư bản, gồm cả xung đột và hợp tác. Đây là điều cần chú ý liên tục.



Tài liệu tham khảo

  1. Joe McDonald, “Alibaba, Symbol of China’s New Tech Giants”. 
  2. Shobit Seth, “World’s Top 10 Internet Companies,” Investopeida, 16 tháng 2, 2018, https://www.investopedia.com/ articles/personal-finance/030415/worldstop-10-internet-companies.asp. 
  3. Alibaba Group, mẫu F-1/A của SEC, 100. 
  4. Daniel Roberts, “Alibaba Spinoff Alipay Surged Past 1 Billion Users in 2019,” Yahoo Finance, 20 tháng 12, 2019, https:// finance.yahoo.com/news/alibaba-spinoffalipay-surged-past-1-billion-accountsin-2019-150728030.html. 
  5. Newley Purnell and Alyssa Abkowitz, “Alibaba Thinks Outside the China Box,” The Wall Street Journal, 12 tháng 8, 2016, http://www.wsj.com/articles/ alibaba-thinks-outside-the-china-box1470995037?cxnavSource=cx_picks&cx_ tag=contextual&cx_artPos=5#cxrecs_s. 
  6. Như trên. 
  7. Stephen Grocer, “Alibaba’s IPO Filing: Everything You Need to Know,” The Wall Street Journal, 6 tháng 5, 2014, http:// blogs.wsj.com/moneybeat/2014/05/06/alibabas-ipo-filing-everything-you-needto-know. 
  8. David S. G. Goodman, Class in Contemporary China (Malden, MA: Polity Press, 2014), 84. 
  9. “Ma Yun fa gongkaixin jiedu ali zhanglue, dazao shangye jichusheshi pingtai,” 马云 发公开信解读阿里战略, 打造商业基础设 施平台 [Thư ngỏ của Jack Ma giải thích chiến lược lớn của Alibaba], Beijing Youth Daily 北京青年报, 9 tháng 10, 2015, http://media.people.com.cn/n/2015/1009/ c40606-27674828.html. 
  10. Yu Hong and Eric Harwit, biên soạn., “China’s Globalizing Internet: History, Power, and Governance,” Chinese Journal of Communication 13 (2020): 1–7.

Bản lưu Sự kiện ra mắt bộ sách Global Media Giants - Các tập đoàn truyền thông chi phối thế giới thực

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *