Câu chuyện xuất bản #2: DỊCH GIẢ TRẺ SINH TỒN VÀ ĐEO ĐUỔI ĐAM MÊ NHƯ THẾ NÀO?

          “Câu chuyện xuất bản” là chuỗi hoạt động mà Book Hunter mở ra để những ai quan tâm hoặc đang công tác trong ngành xuất bản có dịp giao lưu, chia sẻ những vấn đề, câu chuyện liên quan ngành xuất bản. Trong buổi chia sẻ câu chuyện xuất bản số 1, Book Hunter đã đề cập đến vấn đề “Định giá sách – Những câu chuyện chưa kể”. Số #2 trong chuỗi hoạt động này, Book Hunter đề cập đến đối tượng chính là dịch giả trong hành trình theo đuổi đam mê và sinh tồn. Cuộc trò chuyện do anh Lê Duy Nam (CEO và là trưởng nhóm dịch của Book Hunter) điều phối, với sự tham gia của các thành viên trong đội ngũ dịch của Book Hunter cùng các độc giả quan tâm và phần lớn là các dịch giả tự do, đã diễn ra vào lúc 20h ngày 17/9/2022, tại trung tâm Book Hunter.

Bạn đọc có thể nghe thêm về “Người trẻ đeo đuổi dịch thuật” trong chuỗi “Hỏi đáp chuyên môn” của Book Hunter tại đây.

          Những duyên cớ đến với dịch thuật

          Nếu bạn đọc đã tham gia “Câu chuyện xuất bản #1” của Book Hunter hẳn còn nhớ rằng, trong việc định giá sách, mức nhuận bút mà các đơn vị xuất bản/phát hành trả cho dịch giả cũng là một yếu tố quan trọng quyết định mức giá bìa cuốn sách đó. Thế nhưng, việc trả nhuận bút cho dịch giả hiện nay đang diễn ra thế nào, có một sự thống nhất hay quy chuẩn chung nào hay không?

          Dù câu chuyện trả nhuận dịch ở mức nào đi nữa thì vẫn ngày càng nhiều người theo đuổi việc dịch và trở thành dịch giả. Không ít người chọn đó làm nghề chính, nhưng cũng rất nhiều người chọn việc dịch là “nghề tay trái”, một công việc làm thêm trong lúc rảnh rỗi và giúp tăng thu nhập.

          Theo chia sẻ của Minh Khánh, bạn đến với dịch thuật bắt đầu từ việc muốn chia sẻ tới mọi người những kiến thức hay mà bạn đọc được. Còn đối với anh Nguyễn Cường, một người có kinh nghiệm kha khá trong việc biên – phiên dịch từ những năm du học nước ngoài đến khi về Việt Nam công tác thì anh bắt đầu việc dịch sách/nhạc/phim chỉ vì muốn trải nghiệm thế giới này, anh xem như đó là nơi chạy trốn của tuổi trẻ, vì điều đó thú vị hơn là chỉ đi học ở trường và sau này, vì yếu tố công việc nên anh gắn bó với dịch thuật như một lẽ tự nhiên. Với dịch giả Sophia Ngô, dịch thuật là quá trình học hỏi và mở mang kiến thức. Dịch giả Danh Việt thì được thôi thúc bởi trò chơi của chữ, Việt bị hấp dẫn trong quá trình chuyển ngữ từ ngôn ngữ gốc sang tiếng Việt và điều đó làm anh thích thú…

          Từ chia sẻ của những dịch giả tham gia cuộc trò chuyện, anh Lê Duy Nam nhấn mạnh: dù có những động lực và duyên cớ đến với việc dịch thuật khác nhau như vì bản thân muốn học hỏi thêm, vì muốn chia sẻ với người khác, hay vì bất cứ lý do nào đi nữa thì có một điểm chung mà các dịch giả đều phải đối mặt đó là: liệu có thể sinh tồn với nghề dịch được hay không? Bên cạnh đó, việc lựa chọn ngôn ngữ để theo đuổi dịch thuật cũng là một vấn đề nên lưu tâm và cân nhắc. Bởi trong số ngoại ngữ bây giờ, tiếng Anh thuộc vào ngôn ngữ phổ thông toàn cầu, vì thế mà mức thù lao cho những dự án biên phiên dịch tiếng Anh dễ bị thấp hơn so với các ngôn ngữ khác.

          Về lâu dài, việc dịch cũng nghiễm nhiên chiếm một phần thời gian trong cuộc sống của dịch giả. Khi xác định dịch thuật là “nghề tay trái”, nguồn thu nhập của dịch giả sẽ không thường xuyên, không có nhiều cơ hội phát triển thì sẽ dễ đi đến nhàm chán. Cuối cùng rồi các dịch giả cũng phải tính đến bài toán, các dự án dịch thuật nhận về sẽ mang lại điều gì và ít ra mức nhuận dịch phải được xứng đáng để dịch giả có thể trang trải cuộc sống. Vậy làm thế nào để có thể vừa duy trì đam mê này vừa cân bằng cuộc sống và làm sao để đảm bảo chất lượng bản dịch cũng như nhận được mức nhuận dịch xứng đáng?

          Dịch giả “sinh tồn” như thế nào với đam mê?

          Có lẽ không ít dịch giả giống như anh Nguyễn Cường, đến với dịch thuật ban đầu chỉ vì muốn tìm cho mình một thế giới riêng. Và vì thế, thời gian họ dành cho dịch thuật có thể không cần đong đếm, làm một cách say sưa và tự nguyện, vui vẻ. Theo chia sẻ của anh Cường, anh đã có 5 năm dịch miễn phí, hoặc nếu thi thoảng có các dự án được trả phí thì anh cũng không bận tâm tới mức thù lao, và đó chính là thời gian anh trau dồi thêm cho chất lượng dịch thuật. Cũng theo anh Cường, mạnh dạn nhận lời các cuộc phiên dịch không chỉ là cơ hội học hỏi tốt hỗ trợ cho dịch thuật mà còn là một cơ hội để có thêm các dự án dịch thuật. Bởi trong quá trình phiên dịch, đối tác sẽ thấy được thái độ, tác phong cũng như hiệu quả làm việc của người dịch để từ đó họ sẽ có một đánh giá và quyết định cộng tác cho những dự án khác về sau. Các kết nối trong phiên dịch cũng giúp cho uy tín cá nhân được vững hơn, thêm nhiều cơ hội hơn trong dịch thuật. Sau nhiều năm làm việc với dịch thuật, anh Cường nhận ra một điều rằng, dù tiếng Anh là thứ ngôn ngữ toàn cầu và nhuận dịch dễ bị thấp hơn các ngôn ngữ khác nhưng các dự án mang tính chuyên ngành, kiến thức khó thì các dịch giả tiếng Anh lại thường né tránh. Trong trường hợp này, anh sẵn sàng nhận các dự án đó, với anh, đó là một cơ hội để tạo nên tên tuổi/uy tín cá nhân (name) trong giới dịch thuật – rằng đó là một thông tin tươi sáng và đầy uy tín khi đưa vào hồ sơ các danh mục đã làm (portfolio). Khi đã có kinh nghiệm dày dặn, uy tín cá nhân qua các dự án đã làm thì dịch giả có thể chủ động đề xuất mức nhuận dịch mong muốn và phù hợp. Các mức nhuận dịch mà anh Cường nhận được thường tùy theo từng dự án (trong hay ngoài nước, tính chất nhỏ hay lớn) và quỹ chi phí của dự án đó, đối với sách hay tài liệu, mức nhuận dịch tính theo chữ cũng có mà tính theo trang cũng có.

          Dịch giả Danh Việt chuyên dịch sách và thường cộng tác với các đơn vị xuất bản phát hành, vì thế anh chỉ cần nhận đầu việc và hoàn thành đầu việc thật tốt chứ không cần bận tâm tới các khâu khác. Anh tự cảm thấy mình may mắn vì luôn có sẵn những kết nối đó và dù là “nghề tay trái” nhưng các dự án dịch thuật của anh luôn đều đặn gối đầu nhau và liên tục, vì thế với anh cũng không quá khó khăn để sinh tồn với nghề dịch. Anh thừa nhận, lúc mới vào nghề dịch, mức nhuận dịch mà anh được nhận cũng không cao, và phải sau nhiều năm cộng tác, sau nhiều dự án hoàn thành với các bên, mức nhuận dịch mà anh nhận được mới tăng lên. Mức nhuận dịch mà anh thường nhận được tính theo số chữ tiếng Việt. Dịch giả này chia sẻ, để mở rộng cơ hội dịch thuật, ngoài các kết nối bạn bè và cộng sự cũ thì thầy cô giáo cũng là một mối liên hệ quan trọng và cần thiết, bởi vì bạn sẽ không biết rằng một ngày nào đó, thầy cô giáo của bạn đang giới thiệu bạn cho các bên tìm dịch giả.

          Một bạn nữ giấu tên chia sẻ rằng, bạn bắt đầu với dịch thuật là dịch phim, các clip tài liệu cho nội bộ một công ty. Bạn từng dịch một đoạn phim 60 phút, dành hầu hết thời gian rảnh trong 1 tuần, thậm chí quên ăn mất ngủ và nhận nhuận bút 1 triệu rưỡi cho dự án đó. Về sau, khi tham khảo thêm từ bạn bè, bạn mới thấy rằng bạn đã không cân nhắc để đề xuất một mức nhuận dịch tốt hơn.

          Dịch giả Sophia Ngô ngoài việc dịch sách thì chị còn có kiến thức căn bản về chuyên ngành y học cổ truyền Ấn Độ và những nguyên lý chữa lành tự nhiên. Chị chia sẻ, với chị dịch thuật là một quá trình học hỏi và để có một bản dịch chất lượng, dịch giả nên lưu ý tới sức khỏe cá nhân. “Khi cơ thể bạn khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn hơn thì chất lượng bản dịch sẽ tốt hơn cũng như tốc độ làm việc sẽ nhanh hơn. Nếu chỉ chăm chú “cày deadline” mà bỏ quên sức khỏe bản thân thì hiệu quả công việc sẽ giảm sút, và nguy cơ giảm/mất cơ hội dịch thuật là điều có thể xảy ra.”

          Minh Khánh là một bạn trẻ mới vào nghề dịch và thích dịch sách. Bởi đến với động lực muốn chia sẻ nội dung mình thấy hay với người khác nên Minh Khánh đã chủ động tìm kiếm các dự án dịch thuật bằng cách gửi các bản dịch thử của mình kèm theo thông tin sách tới các đơn vị xuất bản phát hành. Tuy nhiên, có lẽ vì các đơn vị đó luôn có sẵn các dịch giả tiếng Anh nên những email của Minh Khánh dường như đã bị rơi vào quên lãng. Đối với Minh Khánh hay bạn nữ từng dịch phim ở trên, khi tham gia cuộc trò chuyện này, hẳn các bạn đã tự nhận ra thêm những cách tìm kiếm cơ hội cũng như làm dày thêm kinh nghiệm dịch thuật cho mình.

          Rõ ràng là không có một sự thống nhất hay quy chuẩn chung nào trong việc trả nhuận bút cho dịch giả mà phụ thuộc vào từng dự án. Tuy nhiên, có sự chênh lệch về mức nhuận dịch giữa các ngôn ngữ và ở hầu hết các dự án, dịch giả tiếng Anh sẽ phải nhận mức thù lao thấp hơn các dịch giả ngôn ngữ khác là chuyện tất yếu.

          Anh Lê Duy Nam kết luận, dù lựa chọn dịch thuật là công việc toàn thời gian hay chỉ là “nghề tay trái” thì việc giữ cân bằng cuộc sống rất quan trọng. Để có thể hoàn thành tốt các dự án đã nhận và đảm bảo chất lượng bản dịch, các dịch giả nên lưu ý giới hạn của bản thân trong các dự án đó, hay nói cách khác là tự lượng sức mình trước những dự án (về thời gian cũng như sức khỏe cá nhân). Để có được những đề xuất về mức nhuận dịch phù hợp, các dịch giả đều phải trải qua những giai đoạn trau dồi và làm dày thêm uy tín cá nhân, cụ thể là thông qua những dự án đã hoàn thành. Nếu trong dịch sách, theo đuổi một thể loại/dòng sách để làm thành một tiêu chí riêng cho bản thân trước khi nhận dự án cũng là một cách tạo nên dấu ấn cá nhân.

Tìm hiểu thêm

Hỏi & đáp chuyên môn – Người trẻ đeo đuổi dịch thuật:

https://www.youtube.com/watch?v=qlv93_ddoFk

          ———–

Người viết: Yến Ly

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *