Tầm cỡ và hệ thống quyền lực của Tencent – cổ đông lớn của VNG

Trích đoạn từ cuốn sách "TENCENT - Quyền lực của giao tiếp và kết nối trong thúc đẩy nền kinh tế" của Min Tang.

TENCENT – Quyền lực của giao tiếp và kết nối trong thúc đẩy nền kinh tế cung cấp cái nhìn sâu sắc vào sự phát triển của một trong những công ty Internet hàng đầu Trung Quốc, Tencent, qua đó phản ánh sự kết hợp độc đáo giữa ngành công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và quá trình phát triển kinh tế chính trị toàn cầu. Được thành lập trong bối cảnh mở cửa và hội nhập kinh tế toàn cầu của Trung Quốc từ cuối thế kỷ 20, Tencent đã trở thành biểu tượng của sự chuyển đổi và tăng trưởng nhanh chóng, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới.

Sách phác họa lịch sử phát triển của Tencent từ một công ty khởi nghiệp nhỏ bé với sản phẩm chat QQ đầu tiên, trở thành một đế chế công nghệ với nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm trò chơi điện tử, truyền thông xã hội, dịch vụ tài chính và nhiều hơn nữa. Đặc biệt, cuốn sách đi sâu vào việc phân tích cách thức Tencent không chỉ làm chủ thị trường trong nước mà còn mở rộng ảnh hưởng của mình ra toàn cầu thông qua các hoạt động mua bán và đầu tư chiến lược. Một trong những điểm nhấn quan trọng của sách là việc khám phá sâu rộng về kinh tế chính trị của ngành Internet Trung Quốc, nơi Tencent đóng vai trò trung tâm. Cuốn sách cung cấp cái nhìn đa chiều về cách thức các công ty công nghệ như Tencent tạo ra giá trị kinh tế thông qua việc khai thác và phân tích dữ liệu lớn, đồng thời nhấn mạnh vai trò của nhà nước Trung Quốc trong việc hình thành và hỗ trợ sự tăng trưởng của các công ty công nghệ này.

Tencent, gã khổng lồ Internet toàn cầu có trụ sở tại Trung Quốc, là điểm giao thoa điển hình của những động lực và tương tác giữa hai cực tăng trưởng trong nền kinh tế chính trị toàn cầu – Trung Quốc và Internet.

Tencent đã nổi lên trong một bối cảnh lịch sử – chủ yếu liên quan đến trong nước nhưng cũng có phần mang tính toàn cầu. Theo dấu những thay đổi về diễn ngôn và ngôn từ trong nhiều chính sách mà chính phủ Trung Quốc ban hành cũng như những thay đổi về hiệu quả kinh tế-xã hội của quốc gia dưới tác động của các chính sách này chúng ta có thể thấy Internet Trung Quốc đã trải qua bốn giai đoạn phát triển. Internet đã chuyển đổi từ một mạng lưới cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế quốc gia trong tăng trưởng nông nghiệp và công nghiệp thành một ngành công nghiệp trụ cột đã khiến cho trọng tâm kinh tế-chính trị của đất nước xoay quanh các doanh nghiệp CNTT-TT. Hồ sơ kinh tế của Tencent mà đặc biệt là các chiến lược mở rộng cho thấy tập đoàn này có tính tích hợp cao, cả theo chiều ngang, chiều dọc và theo hướng đa dạng hóa. Xét về quyền sở hữu và quyền kiểm soát, Tencent đã xuyên quốc gia hóa đáng kể về mặt quản trị doanh nghiệp cũng như về mức độ liên kết với các tổ chức khác. Quá trình xuyên quốc gia hóa của Tencent còn được thể hiện rõ hơn bằng tầm ảnh hưởng sâu rộng của công ty trong lĩnh vực văn hóa toàn cầu thông qua các sản phẩm phổ biến như QQ, WeChat và trò chơi. Bốn chương sách cho thấy Tencent với tư cách là hình ảnh thu nhỏ của quá trình chuyển đổi lớn hơn trong ngành Internet Trung Quốc đã được tích hợp và xuyên quốc gia hóa như thế nào nhờ nỗ lực chung của các thực thể nhà nước, các đơn vị vốn trong nước và vốn chuyển đổi.

Đặt Tencent vào bối cảnh lịch sử ngành Internet Trung Quốc

Đóng góp đầu tiên của cuốn sách này là xác định bốn giai đoạn phát triển của Internet ở Trung Quốc. Giai đoạn đầu tiên là từ năm 1987 đến năm 1993, khi nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ khác nhau bắt đầu nghiên cứu về mạng máy tính. Sau khi Trung Quốc thiết lập hoạt động Internet đầy đủ đầu tiên theo giao thức TCP/IP vào năm 1994, việc xây dựng Internet của quốc gia này bước vào giai đoạn thứ hai. Trong năm 1994 và 1995, chính phủ đã đổ rất nhiều công sức và tiền bạc vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng công nghiệp. Một số dự án nổi bật là Mạng lưới Nghiên cứu và Giáo dục Trung Quốc (CERNET), ChinaNet và Dự án Vàng. Giai đoạn thứ ba chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành Internet và CNTT từ năm 1996 đến năm 2010. Với việc thị trường trong nước ngày càng mở cửa cho vốn tư nhân và đặc biệt là vốn nước ngoài, nhiều công ty tư nhân trong lĩnh vực DVGTGT trên Internet đã xuất hiện, trong số đó là một số tên tuổi nổi tiếng như Alibaba, Baidu, JD, NetEase, Sina, Sohu và Tencent. Giai đoạn này cũng diễn ra song song với sự bùng nổ Internet ở Hoa Kỳ, nơi các công ty công nghệ mới thành lập đang mọc lên để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên thị trường chứng khoán. Giai đoạn thứ tư nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007- 2008 và cũng là giai đoạn chứng kiến ngành Internet nâng tầm lên thành một ngành trụ cột trong quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc. Song song với đó là chiến lược “Internet Plus” gần đây nhằm mục đích tích hợp Internet vào mọi khía cạnh của nền kinh tế chính trị quốc gia và xây dựng một xã hội Trung Quốc được kết nối thành mạng lưới [1].

Lịch sử cho thấy rõ ràng rằng sự phát triển ngành Internet của Trung Quốc chủ yếu là do nhà nước thúc đẩy. Trái với niềm tin thông thường rằng chính phủ Trung Quốc là kẻ cản đường, nước này thực ra đã đi đầu trong việc thương mại hóa lĩnh vực CNTTTT. Nhà nước thiết kế các chính sách nhằm tự do hóa thị trường trong nước, nơi vốn tư nhân đảm nhận vai trò quan trọng trong ngành Internet. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước ở các cấp khác nhau đã được tổ chức lại theo hướng giúp cho họ lãnh đạo và phối hợp hiệu quả trong các vấn đề công nghiệp hóa và tin học hóa.

Sự trỗi dậy của Tencent là câu chuyện về nhà nước và vốn tư nhân. Tencent nổi lên vào thời điểm nhà nước Trung Quốc khuyến khích vốn tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài để xây dựng ngành công nghiệp Internet của nước này.

Một Tencent xuyên quốc gia

Vốn xuyên quốc gia cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và cơ cấu sở hữu của Tencent. Công ty Internet xuyên quốc gia có trụ sở tại Trung Quốc này đã kết hợp các yếu tố xuyên quốc gia ngay từ những giai đoạn đầu thành lập. Trong hai năm đầu thành lập, Tencent đã nhận được vốn đầu tư từ IDG Ventures China (IDG Capital) do Mỹ hậu thuẫn, PCCW có trụ sở tại Hồng Kông và MIH có trụ sở tại Nam Phi. Naspers, công ty mẹ của MIH và là tập đoàn truyền thông đa quốc gia có trụ sở tại Nam Phi, vẫn là cổ đông tổ chức chính của Tencent tính đến tháng 12 năm 2018 với tỷ lệ sở hữu lên tới 33,10% [2]. Xét theo cơ cấu vốn và quản trị doanh nghiệp này, Tencent là một công ty Internet xuyên quốc gia gần như ngay từ trong trứng nước.

Một phần nhờ vào các bên liên quan trên toàn cầu và một phần nhờ chiến lược mở rộng mà hoạt động kinh doanh của Tencent đã được xuyên quốc gia hóa cao độ. Tencent đã mở rộng thành công sang Nam Á và Đông Nam Á, Nam Mỹ, châu Âu và Bắc Mỹ thông qua cung cấp dịch vụ, nghiên cứu và phát triển, liên doanh, mua bán và sáp nhập cũng như quan hệ đối tác chiến lược. Doanh thu từ thị trường nước ngoài đã tăng trưởng đều đặn và đáng kể kể từ năm 2010. Tencent, thông qua hội nhập theo chiều ngang và chiều dọc, đã trở thành một công ty lớn trong ngành trò chơi toàn cầu.

Tencent chỉ là một trường hợp trong số các công ty Internet đang phát triển của Trung Quốc. Những công ty hàng đầu trong ngành như Alibaba, Baidu, JD, NetEase, Qihoo363 và Sohu ở những mức độ khác nhau đã kết hợp các yếu tố xuyên quốc gia vào cơ cấu vốn và kinh doanh của họ. Điều này cho thấy cần phải chuyển câu hỏi từ “Internet sẽ thay đổi Trung Quốc như thế nào” thành “Trung Quốc sẽ thay đổi Internet toàn cầu như thế nào” [3].

Một Tencent được tích hợp

Nghiên cứu trường hợp của Tencent cho thấy ngành công nghiệp Internet của Trung Quốc rất đa dạng và không chỉ dừng lại ở sản xuất cơ bản và cung cấp quyền truy cập Internet, những nội dung và giá trị từ Internet mà còn rộng hơn nhiều. Ngành công nghiệp Internet không chỉ xác định lại các mối quan hệ xã hội, lối sống trực tuyến và ngoại tuyến mà quan trọng hơn còn tiếp tục định hình lại các hình thức sản xuất, phân phối và tiêu dùng thông qua hội nhập, đa dạng hóa và xuyên quốc gia hóa theo chiều dọc và chiều ngang. Đây là đóng góp thứ ba của cuốn sách này.

Đế chế Tencent khổng lồ bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau của Internet và các dịch vụ truyền thông và phương tiện truyền thông – mà theo định nghĩa thì có phạm vi rất rộng. Trước hết Tencent bắt đầu bằng việc đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình trong lĩnh vực DVGTGT trực tuyến và di động, rồi dần dần đầu tư vào các công ty khác để có thể tích hợp theo chiều ngang và chiều dọc ở nhiều thị trường khác nhau. Kể từ năm 2010, chiến lược mở rộng toàn diện và bao quát của Tencent đã chín muồi khi công ty mở rộng quyền kiểm soát sang ngành văn hóa và truyền thông rộng lớn, cũng như các hoạt động kinh doanh đa dạng hơn.

Những đặc điểm bộc lộ ở Tencent không phải chỉ có ở ngành Internet Trung Quốc. Có thể thấy trong các nghiên cứu kinh tế-chính trị trước đây về Alibaba, Google và các công ty Internet khác của Mỹ rằng quá trình mở rộng của các công ty này cũng mang những đặc điểm tương tự, hơn thế nữa những quy trình và chiến lược này cũng nhất quán với những nhận xét về các ngành truyền thông và phương tiện truyền thông suốt nhiều thập kỷ. Theo nghĩa cơ bản hơn, ngành Internet cũng mang bản chất kinh doanh như bất kỳ ngành tư bản nào khác, trong đó các yếu tố chi phối luôn là các quá trình tập trung, hàng hóa hóa và thương mại hóa. Ngành Internet góp phần vào các xu hướng ngày một tăng của chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa thương mại và chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số vốn đã thống trị cả xã hội phương Tây và xã hội tiêu dùng đang phát triển của Trung Quốc.

Thậm chí còn hơn thế nữa, ngành công nghiệp Internet còn liên minh với nhiều tập đoàn hùng mạnh khác, chẳng hạn như các ngân hàng và tổ chức tài chính, cũng như các tổ chức công đang ngày càng được tư nhân hóa, như giáo dục, nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe, cùng nhiều tổ chức khác.

Internet như một khu vực (tái) khái niệm hóa các mối quan hệ giữa nhà nước và vốn tư bản

Đóng góp thứ tư là các nghiên cứu về Internet đã tái khái niệm hóa trên lý thuyết vai trò của nhà nước trong nền kinh tế chính trị. Sự phát triển của Tencent cần được hiểu trong bối cảnh kinh tế và chính trị chung ở trong và ngoài Trung Quốc, bao gồm các quy định và bãi bỏ quy định đối với ngành Internet, sự chuyển đổi thị trường và quá trình tái hòa nhập toàn cầu của Trung Quốc cũng như sự mở rộng của chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số xuyên quốc gia.

Các chiến lược hàng-hóa-hóa thành công của Tencent với QQ và WeChat cho thấy nhà nước trung ương đã và đang tích cực nhường chỗ cho các nhà tư bản Internet phát triển mạnh mẽ bằng cách cân bằng và ở một mức độ nào đó hạn chế quyền lực của những gã khổng lồ viễn thông từng thống trị thị trường trong nước. Thái độ bảo vệ và khuyến khích như vậy đối với các công ty Internet trong nước cũng nhất quán với những gì Dan Schiller đã quan sát thấy trong cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc với các gã khổng lồ Internet toàn cầu có trụ sở tại Mỹ: “Nhà nước Trung Quốc do Đảng kiểm soát mặc dù hoan nghênh một lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều chưa từng có vào nhiều ngành công nghiệp nhưng đồng thời cũng thành công một cách ấn tượng trong việc thiết lập các điều kiện thâm nhập thị trường quốc gia cho lĩnh vực thông tin và truyền thông chiến lược”. 4 Trong khi Google, Facebook, Apple và Amazon đã chiếm lĩnh hầu hết thị trường ở phần còn lại của thế giới thì các đối tác Trung Quốc của họ là Alibaba, Baidu và Tencent vẫn thống trị lãnh thổ Trung Quốc. Được như vậy là nhờ vào vai trò mang tính gây dựng và khuyến khích hơn là kiềm chế của nhà nước Trung Quốc. 

Những suy ngẫm về các quá trình xuyên quốc gia hóa và tài chính hóa

Có hai động lực mới nổi cần được làm rõ hơn: ngành công nghiệp Internet ở các quốc gia thuộc thế giới phương Nam — đặc biệt là các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (BRICS) – và mối quan hệ giữa ngành CNTT và lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Ngành công nghiệp Internet Trung Quốc – mà Tencent chỉ là một trường hợp – đã có những tương tác tích cực với các ngành công nghiệp kỹ thuật số từ các nền kinh tế mới nổi. Trong khi các “đầu tàu phương Nam” đang trỗi dậy – các nước BRICS – thành những vec-tơ thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu đã khiến cho giới nghiên cứu tốn không biết bao nhiêu giấy mực thì mô hình tương tác độc đáo trong các ngành kỹ thuật số của họ vẫn chưa được nghiên cứu kỹ [5]. Nền kinh tế chính trị của ngành Internet ở các nước này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. BRICS có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc nâng cao hiểu biết về mạng lưới CNTT-TT toàn cầu mà còn đối với sự thay đổi về mặt địa chính trị của ngành thông tin, vốn thường bị Mỹ và các đồng minh của nước này ở thế giới phương Tây thống trị.

Chủ nghĩa tư bản toàn cầu có bao nhiêu chỗ cho nguồn vốn Internet đang gia tăng từ nhóm BRICS? Các nước BRICS đang cạnh tranh hoặc hợp tác ở mức độ nào với những tay chơi hàng đầu hiện nay đến từ Hoa Kỳ và Tây Âu? Trong quá trình phân tích kinh tế chính trị toàn cầu BRICS có vai trò gì? Hơn 15 năm sau khi thuật ngữ “BRIC” lần đầu tiên được đặt ra, một thập kỷ sau khi hội nghị thượng đỉnh BRIC đầu tiên được tổ chức và 5 năm sau khi ngân hàng phát triển BRICS được đề xuất thành lập, những câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp. Quan trọng hơn, câu hỏi liệu BRICS có hoạt động như một đơn vị quyền lực địa chính trị hay không và hoạt động ở mức độ nào đang trở nên ngày càng cấp bách trong bối cảnh môi trường chính trị quốc tế đang thay đổi mạnh mẽ, ở đó Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông đang chứng kiến những bất ổn theo cách riêng của họ.

Có hai nhiệm vụ quan trọng nảy sinh từ những câu hỏi này: phân tích mối liên kết giữa các nhà đầu tư gián tiếp, các lĩnh vực kinh doanh, nhà cung cấp, khách hàng, nhân viên quản lý và nguồn nhân lực của các công ty Internet BRICS và vạch ra mạng lưới kết nối các nhân tố này. Dựa trên cuộc thảo luận mang tính học thuật về chủ nghĩa tư bản kỹ thuật số và quản trị Internet toàn cầu, một dự án như vậy sẽ bổ sung kiến thức về địa chính trị của ngành thông tin từ quan điểm của các quốc gia ở thế giới phương Nam.

Cuốn sách này cũng tiết lộ mối quan hệ đan xen giữa ngành CNTT toàn cầu và khu vực tài chính, như những phân nhánh của chủ nghĩa tân tự do đương đại. Trong khi quá trình tăng trưởng ban đầu của các công ty Internet phụ thuộc rất nhiều vào sự tham gia của vốn tài chính thì những diễn biến mới nhất đã chứng kiến một số lượng lớn các công ty công nghệ tự mình trở thành nhà đầu tư mạo hiểm và tham gia đầu tư vào CNTT-TT.

Xét đến vai trò quan trọng của vốn mạo hiểm trong CNTT toàn cầu thì lịch sử, sự phát triển và các quy định về dòng vốn này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Một nghiên cứu như thế cần trả lời một loạt các câu hỏi: Vốn mạo hiểm ra đời từ khi nào và bằng cách nào? Các hình thức đầu tư của nhà đầu tư mạo hiểm vào ngành CNTT-TT đã phát triển và biến đổi như thế nào ở Mỹ và trên toàn cầu? Ai là bên liên quan chính trong đầu tư mạo hiểm và vốn kinh tế xã hội của những người này báo trước điều gì về các khoản đầu tư của họ? Vai trò của nhà nước trong việc phát triển đầu tư vốn mạo hiểm và ngành công nghiệp kỹ thuật số xuyên quốc gia là gì? Cần xét đến những vấn đề gì trong các quy định, nếu có, liên quan đến việc sử dụng vốn mạo hiểm trong các lĩnh vực CNTT-TT và những mối lo ngại này đã được nêu rõ ở mức độ nào? Nguồn vốn mạo hiểm có quyền lực gì đối với việc phát triển hệ thống Internet?

Những câu hỏi này đề cập đến ba khía cạnh có liên quan đến nhau và chưa được nghiên cứu kỹ trong quá trình mở rộng của chủ nghĩa tư bản xuyên quốc gia trong ngành công nghệ: sự phát triển của các công ty đầu tư mạo hiểm độc lập, như Sequoia Capital, trong bối cảnh sự trỗi dậy của Thung lũng Silicon; sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong các ngân hàng đầu tư lớn truyền thống, chẳng hạn như nhóm đầu tư mạo hiểm và vốn cổ phần tăng trưởng của Goldman Sachs; và sự phát triển của các tổ chức đầu tư mạo hiểm trong chính ngành Internet, chẳng hạn như IDG Ventures. Theo dõi lịch sử của ba loại thực thể này và phân tích bối cảnh kinh tế-chính trị đã tạo điều kiện và định hình sự phát triển của chúng sẽ thấy sự tham gia của các khoản đầu tư mạo hiểm đã củng cố và đẩy nhanh hơn nữa sự thống trị của các chủ thể tư nhân trong hệ thống cung cấp truyền thông và thông tin toàn cầu như thế nào.

Mối quan hệ đan xen giữa các lĩnh vực tài chính và CNTT-TT toàn cầu khiến cho lĩnh vực CNTT-TT nổi bật lên trong vai trò một phương tiện quan trọng và ngày một phát triển để các quốc gia tân tự do và vốn tư nhân mở rộng chủ nghĩa tư bản toàn cầu; mối quan hệ này không chỉ đóng vai trò là vec-tơ của những thay đổi xã hội đương đại mà còn làm sáng tỏ quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản tài chính và kỹ thuật số toàn cầu. Christian Fuchs lưu ý về mối quan hệ giữa nền kinh tế thông tin và khủng hoảng như sau:

Chủ nghĩa tư bản không chỉ là một hệ thống đế quốc chuyên chiếm đoạt, tịch thu và khai thác không gian, con người và tài nguyên để duy trì sự tồn tại của nó cũng như tạo ra và tái tạo các lĩnh vực tích lũy vốn mà còn là… một hệ thống đầy khủng hoảng. Quá trình tích lũy vốn hết lần này đến lần khác chạm đến những giới hạn nhất định và bước vào những giai đoạn mà những đối kháng trong chính quá trình tích lũy này bùng nổ và tạo ra tình huống khủng hoảng kinh tế [6].

Tìm hiểu hệ thống CNTT hiện tại dẫn đến đâu và có cuộc khủng hoảng và/hoặc cơ hội nào đang ở phía trước có lẽ là một câu đố trí tuệ chưa có lời giải, muốn tìm lời giải chỉ có thể bắt đầu bằng việc nhìn lại và tìm hiểu lịch sử.

 

Tài liệu tham khảo: 
  1. Hong, Networking China, 144–46. 
  2. Báo cáo thường niên của Tencent năm 2015, 62. 
  3. Shen, “Across the Great (Fire) Wall,” 254–55. 
  4. D. Schiller, Digital Depression, 231. 
  5. Vijay Prashad, The Poorer Nations: A Possible History of the Global South (London: Verso, 2012). 
  6. Fuchs, Foundations, 221.

Bản lưu Sự kiện ra mắt bộ sách Global Media Giants - Các tập đoàn truyền thông chi phối thế giới thực

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *