Bảo vệ trẻ hay truyền sang trẻ nỗi sợ hãi của bạn?

Trích đoạn từ cuốn sách "Trường học không sợ hãi" của J. Krishnamurti

TRƯỜNG HỌC KHÔNG SỢ HÃI ghi lại 26 cuộc đàm thoại với giáo viên và phụ huynh được Krishnamurti tổ chức tại Trường Rajghat Besant School, ngôi trường do chính ông thành lập trên bờ sông Hằng vào đầu thập niên 1930. Qua những cuộc đàm thoại này Krishnamurti đào sâu vào các vấn đề cơ bản đang gây khó khăn cho hệ thống giáo dục truyền thống, tham gia vào các cuộc đàm thoại làm sáng tỏ sự phức tạp của việc nuôi dưỡng một môi trường học tập thực sự phong phú.  Với cái nhìn sâu sắc về tâm lý con người, Krishnamurti thách thức các chuẩn mực và hệ tư tưởng phổ biến liên quan đến việc học ở trường, ủng hộ một cách tiếp cận vượt qua nỗi sợ hãi, sự ganh đua và sự tuân thủ. Ông khuyến khích người dạy tìm hiểu sâu hơn hơn về vai trò của mình, các mối quan hệ trong lĩnh vực giáo dục và tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng không chỉ sự phát triển trí tuệ mà còn cả sức khỏe cảm xúc và tâm lý.

KRISHNAMURTI: Ngày hôm qua chúng ta thảo luận về vấn đề bản thân một giáo viên đang sợ hãi và liệu nỗi sợ đó có bị truyền sang học sinh hay không, cũng như làm thế nào để ngăn ngừa chuyện đó. Vấn đề của tôi là làm sao để không truyền những nỗi sợ của tôi sang học sinh, dù chúng là sợ vô thức hay hữu thức, và không để chúng tác động lên các em. Thế thì tôi phải làm gì? Mối quan hệ giữa tôi và học sinh là như thế nào?

GIÁO VIÊN: Là bảo vệ.

K: Tôi có thể bảo vệ học sinh không khi mà tôi đang sợ? Bản năng của tôi là bảo vệ em ấy khỏi chính tôi, khỏi những nỗi sợ của tôi; thế thì trước hết mối quan hệ giữa tôi và em ấy là gì? Khi tôi khám phá ra mối quan hệ này thì tôi cũng sẽ tìm ra câu trả lời; nếu mối quan hệ ấy là hướng dẫn thì liệu tôi có thể làm người hướng dẫn em không? Bản thân tôi đang có vô vàn nỗi sợ vì nhiều lý do, vì trước đây cha mẹ tôi muốn hướng dẫn tôi, muốn bảo vệ tôi. Để bảo vệ tôi, thầy cô giáo đánh tôi, thế nên trong tôi nảy sinh sợ hãi, vì vậy nhất thiết phải xác định được mối quan hệ giữa tôi và học sinh là gì. Nếu tôi đóng vai người hướng dẫn em, chẳng phải tôi đang bồi đắp sợ hãi trong em ư? Nhờ đó tôi nhìn ra sai lầm của việc bảo vệ em, vì chính trong sự bảo vệ tôi lại đưa vào sợ hãi, giống như cha tôi đã từng làm với tôi. Vì vậy tôi sẽ không bảo vệ em ấy nữa. Tôi sẽ xóa sạch khát vọng bảo vệ này; nó đã tan biến.

Bảo vệ có nghĩa là gì? Khi đứa trẻ còn bé, khi nó chưa đến tuổi biết hiểu lý lẽ chúng ta phải giữ cho nhiều thứ ở cách xa nó. Tôi sẽ lắp các công tắc điện ở trên cao, ngăn không để nó đến gần những thứ có thể gây hại cho nó, tránh cho nó mọi nguy hiểm, và không để thứ gì có thể gây hại cho nó vào tuổi đó ở gần nó.  Đứa trẻ nhìn thấy ngọn lửa và bèn đi lại phía đó vì nó muốn chơi với ngọn lửa, thế là tôi bèn bế nó ra xa. Tôi đã truyền sang nó một hình thức bảo vệ tinh vi, và vì thế mà trong nó sẽ nảy sinh sợ hãi. Trong ngôi nhà của mình tôi sẽ không để một số thứ có thể gây hại cho nó, thế thì nó sẽ không có cảm giác được tôi bảo vệ và do đó nó sẽ không trông cậy vào tôi khi ở nhà. Tôi muốn loại bỏ hoàn toàn vấn đề bảo vệ này. Chúng ta nói bảo vệ tức là thế nào?

G: Trong hành động bảo vệ, nếu động cơ là sợ hãi thì tôi sẽ truyền sự sợ hãi ấy sang đứa trẻ.

K: Tôi đã nhận ra là tôi sẽ truyền nỗi sợ cho đứa trẻ nếu trong khi bảo vệ nó khỏi ngọn lửa tôi cũng sợ hãi. Nhưng tôi nhận thấy nó phải được bảo vệ khỏi ngọn lửa, vì thế tôi sẽ rào chắn chỗ đó lại để đứa trẻ không cần lại gần lửa nữa. Khi tôi đi dạo, tôi sẽ hết sức chú ý để không truyền đạt nỗi sợ đến nó dưới bất kỳ hình thức nào. Tôi có muốn bảo vệ nó như cha tôi đã muốn bảo vệ tôi ở mọi cấp độ – thể chất, cảm xúc, trí năng, tâm linh – và do đó nuôi trong nó nỗi sợ hay không? Chủ định của cha tôi là bảo vệ tôi, và ông ấy đã nuôi trong tôi nỗi sợ. Ông ấy muốn bảo vệ tôi, ngăn không cho tôi làm điều xấu, vì tôi là người Bà la môn. Xét sâu xa ra thì từ đó có nghĩa là không làm điều sai.   Giờ tôi đang đặt lại câu hỏi về toàn bộ vấn đề bảo vệ. Tôi đang cố gắng tìm xem làm cách nào để không truyền nỗi sợ của mình sang đứa trẻ. Tôi không biết làm thế nào để dừng việc đó lại, tôi không biết phải làm gì. Vấn đề trung tâm của chúng ta là: tôi có vài nỗi sợ, tôi không muốn truyền nó sang đứa trẻ vì tôi thấy là những nỗi sợ ấy đang bào mòn mình, vậy khi tôi đang ở trong trạng thái ấy thì tôi có quan hệ thế nào với học sinh ấy? Bây giờ chúng ta đang thảo luận về mối quan hệ đó. Nếu tôi không thể làm sáng tỏ mối quan hệ ấy thì có thể tôi sẽ truyền đi những nỗi sợ của mình bằng cách này hay cách khác. Làm thế nào tôi có thể bảo vệ đứa trẻ mà không làm dấy lên trong nó sự sợ hãi? Tôi muốn bảo vệ nó, và tôi thấy cần phải có một bố biện pháp bảo vệ vật lý. Cả ngăn ngừa và chữa lành đều cần thiết.

G: Ông nói chữa lành nghĩa là thế nào?

K: Có thể đã có lúc tôi vô thức lôi đứa trẻ đi; chuyện đó đã để lại trong nó một dấu ấn. Tôi phải chữa lành tâm trí nó và ngăn không để những tình huống tương tự xuất hiện; vì thế mối quan hệ giữa tôi và nó vừa mang tính phòng ngừa vừa mang tính chữa lành. Liệu tôi có thể bảo vệ đứa trẻ khỏi nguy hiểm mà không hề để lại vết sẹo sợ hãi nào nơi nó không?

G: Hai điều này chỉ có thể xảy ra khi người đó hoàn toàn không sợ hãi.

K: Tôi thì lại phát hiện ra một điều khác. Khi tôi nói tôi không muốn truyền nỗi sợ của mình sang học sinh tức là tôi đã làm dấy lên một cuộc cách mạng trong chính mình, vì tôi nhận ra nỗi sợ bào mòn con người ta.

G: Tôi muốn mình có thể hành động mà không để lại một dấu vết nào, một vết sẹo nào.

K: Đó là điều duy nhất tôi quan tâm. Khi tôi nhìn ra tầm quan trọng của việc đó – rằng tôi không nên phủ cái bóng của mình lên đứa trẻ – thì vấn đề này đã được giải quyết.  Ngay từ đầu tôi sẽ thừa nhận là mình đang sợ. Tôi biết cái gì khiến tôi sợ, tôi biết là những nỗi sợ ấy đang hủy hoại mình, và tôi không muốn ảnh hưởng này bị áp lên đứa trẻ. Khi tôi đã nhìn rõ chuyện đó – không phải “khi” theo nghĩa về thời gian – nếu tôi đã nhìn rõ chuyện đó tức là tôi đã giải quyết xong vấn đề này rồi. Chừng nào tôi còn chưa nhìn rõ thì vấn đề còn nảy sinh. Tôi đang sợ vì nhiều lý do, và tôi cảm thấy những nỗi sợ ấy đang hủy hoại con trai mình; tôi không muốn nó bị hủy hoại như thế. Tôi nghĩ khi tôi nói rằng con người hiện tại của tôi sẽ không phủ bóng lên đứa trẻ thì trong tôi đã diễn ra một cuộc cách mạng rồi. Các bạn có cảm thấy rõ rệt như thế không?

G: Không.

K: Đó là toàn bộ vấn đề. Khi nhận thức đó chưa phải là thực tế thì chúng ta sẽ còn thảo luận mãi. Vấn đề của tôi không phải là phải làm gì; tôi sẽ bàn đến chuyện phải làm gì sau, nhưng liệu tôi có sáng tỏ về chuyện tôi không muốn nỗi sợ của mình bị truyền sang đứa trẻ không? Đó là vấn đề thứ nhất. Các bạn có muốn nhào nặn học sinh cho thành người giống như mình không?

G: Có người muốn.

K: Nếu thế thì các bạn đã đưa vào tất cả những thứ này. Nếu các ban muốn học sinh trở nên giống như mình thì các bạn sẽ đưa nỗi sợ đến với chúng. Tôi muốn bắt đầu một cách hết sức đơn giản và rõ ràng. Các bạn có muốn truyền nỗi sợ sang đứa trẻ hay các bạn không muốn? Nếu các bạn muốn thì tất cả các phương pháp các bạn đều đã rõ. Nếu các bạn không muốn thì chúng ta sẽ tìm hiểu xem có phương pháp gì cho chuyện này không. Nhưng trước hết cần phải làm rõ là các bạn không muốn đã. Các bạn có muốn đứa trẻ trở thành một bản sao của mình, hay các bạn muốn nó phát triển hoàn toàn độc lập với mình, hoàn toàn thoát khỏi mình? Nếu bạn nói bạn muốn nó hoàn toàn thoát khỏi bạn thì trong mọi việc làm bạn đều sẽ xử lý một cách hết sức cẩn trọng sao cho nó không ràng buộc đứa trẻ.

G: Sẽ có giai đoạn mà đứa trẻ không thể hoàn toàn thoát khỏi tôi.

K: Nhưng ở giai đoạn đó nếu tôi cảm thấy nó nên thoát khỏi tôi thì tôi sẽ không truyền đến nó con người mình. Các bạn có muốn con trai hoặc con gái mình có nét gì giống mình không, có muốn chúng được nhào nặn đôi chút theo mình không? Tôi có những nỗi sợ và tôi muốn nó được thoát khỏi chúng. Liệu việc giải thoát nó khỏi tôi có phải là chủ định quyết liệt của tôi không? Nếu đúng là như thế thì tôi sẽ hết sức thận trọng sao cho ở bất cứ giai đoạn nào, mọi việc tôi làm đều dựa trên chủ định giải thoát nó khỏi tôi. Khi nó ở độ tuổi chưa thể suy nghĩ bằng lý lẽ tôi phải bảo vệ, phải hướng dẫn nó; nhưng ngay cả trong giai đoạn đó nó vẫn không bị ràng buộc với tôi. Đó là cách giáo dục duy nhất. Bằng không thì sao? Bạn sẽ không nói, “Cậu bé đó phải hoàn toàn được giải thoát khỏi tôi. Tôi sẽ bảo vệ cậu nhưng không phủ sự bảo vệ ấy lên cậu”.

Cái gì là quan trọng – làm thế nào để bảo vệ đứa trẻ hay ưu tiên cảm xúc hàng đầu? Cái gì là quan trọng? Khi ấy nếu bạn có cảm nhận ấy, bạn sẽ hỏi “Làm thế nào”  hay bạn sẽ nói, “Tôi có cảm nhận ấy nhưng tôi không biết xử lý như thế nào”? Thế thì mối quan hệ giữa bạn và tôi sẽ khác hẳn đi. Thế thì tôi và bạn sẽ cùng tìm cách giải quyết. Vì thế công việc của chúng ta là: liệu bạn và tôi có cảm thấy nhất thiết không được để đứa trẻ bị tôi và bạn tiêm nhiễm, với tất cả mọi hàm ý của từ này – về mặt thể chất, tâm lý, tâm linh, và sự thôi thúc hay bảo vệ của xã hội; trong một từ ấy bao hàm tất cả mọi điều.  Nếu vấn đề đó chưa rõ thì vấn đề sau đó cũng không thể rõ được. Bước thứ nhất mà chưa rõ thì bước thứ hai cũng chưa rõ. Các bạn và tôi đã rõ chưa? Nếu chưa thì chúng ta cùng thảo luận.

Chắc chắn đó là cuộc cách mạng về giáo dục. Ít nhất ở đây tôi hy vọng các giáo viên hoặc nhóm chúng ta không muốn ảnh hưởng đến đứa trẻ, không muốn bảo vệ nó, hướng dẫn nó. Chẳng hạn, cha tôi đã tác động đến tôi và tôi hiện giờ là quả thối của những tác động từ ông ấy, nó đang bào mòn tôi. Tôi tuyệt đối rõ ràng về điểm đó. Tôi không nói nó đã giúp ích cho tôi. Ngay khi ảnh hưởng của ông ấy cho tôi một đường hướng, dù tốt dù xấu, thì tôi đã bị suy thoái rồi. Các bạn có thừa nhận tất cả những điều này không? Nếu tôi là nhà giáo dục đúng đắn tôi sẽ thấy là đứa trẻ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ai, mà sẽ giúp nó đánh giá và hiểu tất cả các ảnh hưởng xung quanh nó. Chúng ta hãy làm rõ là cả hai bên chúng ta đều xuất phát từ cùng một cánh cửa, thế thì cả bạn và tôi với tư cách các giáo viên sẽ không muốn truyền bất kỳ nỗi sợ nào của mình sang đứa trẻ; chỉ có thế thì nó mới được giải thoát khỏi nỗi sợ ấy.

Và mối quan hệ giữa tôi và đứa trẻ có phải là kết quả của chủ định không để nó bị ảnh hưởng của tôi không? Và nếu hạt giống nó đã được gieo xuống, chẳng phải tôi sẽ có mối quan hệ khác hẳn với đứa trẻ sao? Làm sao bạn và tôi có thể thảo luận khi mà tôi còn nhìn thấy tầm quan trọng của việc không để đứa trẻ được giải phóng hoàn toàn khỏi tôi ở mọi cấp độ – kinh tế, thể xác, tâm lý, tinh thần? Đó là cảm nhận, là chủ định của tôi, còn bạn thì nói, “Tôi không biết liệu chuyện đó có khả thi chút nào không”, và bạn không biết vì bạn chưa bao giờ thử.

G: Xuất phát điểm của tôi là tôi thấy dù tôi có làm gì thì cũng sẽ truyền nỗi sợ cho đứa trẻ.

K: Ảnh hưởng dù theo cách này hay cách khác, tốt hay xấu, đều hủy hoại đứa trẻ. Đó là thực tế hiển nhiên. Nếu tôi và các bạn có cùng cảm nhận thì chúng ta sẽ thấy là đứa trẻ ấy được tự do, tức là tôi sẽ nói với nó: “Con sẽ không bị ảnh hưởng bởi mục sư, chính trị gia, mẹ con hay ông con; con đừng để mình bị hút vào bất kỳ ảnh hưởng nào như thế. Con hãy dùng trí óc mình mà tìm hiểu chuyện này”. Nếu các bạn muốn đứa trẻ ấy phải được tự do phát triển, được tự do tìm hiểu, thì chẳng phải các bạn sẽ làm thế sao? Chẳng phải các bạn sẽ dốc hết tâm sức của mình cho chuyện này, sẽ truyền đạt tự do ấy cho trẻ ngay cả khi nó chưa trưởng thành sao? Các bạn nói với nó: “Con phải được tự do, chứ không phải bám áo ta nữa; con là con trai ta mà cũng không phải là con trai của ta, con là một con người tự do.  Ta dành cho con tình yêu thương của mình, nhưng ta sẽ không dùng con để thỏa mãn những mong muốn của mình”. Chúng ta có thể nói tất cả những điều này không? Chúng ta có thể nói đó là sự thật không? Thế thì chẳng phải chúng ta sẽ giúp trẻ tìm ra nghề nghiệp đích thực của nó sao?

Cuộc cách mạng này đã diễn ra trong bất kỳ ai trong số chúng ta chưa, trong chúng ta đã có ai cảm thấy mình với tư cách một giáo viên, một bậc cha/mẹ sẽ không truyền sang trẻ bất kỳ ảnh hưởng nào? Các bạn có cảm nhận đó không? Nếu không thì làm sao các bạn và tôi có thể thảo luận để tìm ra phương thức hành động? Chỉ khi các bạn cảm nhận được tầm quan trọng của việc không truyền ảnh hưởng của bạn sang trẻ thì của bạn mới có thể thảo luận; chúng ta sẽ phải cùng chung chí hướng. Nếu bạn đã nhìn ra là đứa trẻ phải được tự do thì bạn sẽ không thể chủ động quay về lối hành xử cũ được nữa; làm sao bạn có thể quay trở lại? Ảnh hưởng dù tốt dù xấu cũng đều làm hỏng đứa trẻ, đều biến nó thành tù nhân. Người Công giáo tin vào một điều, còn bạn thì tin vào một điều khác, và bạn truyền niềm tin đó nhưng đồng thời lại nói về tự do! Thế thì chẳng có nghĩa lý gì cả. Liệu bạn và tôi có thể nói trẻ phải được tự do, không bị tác động, và giúp nó hiểu toàn bộ chuyện tác động này trong quá trình nó lớn lên? Chúng ta sẽ không bảo vệ nó khỏi tác động, vì nếu tôi và các bạn không tác động đến nó thì cha mẹ nó, xã hội, báo chí cũng sẽ tác động đến nó theo cách riêng của họ. Khó khăn của chúng ta là làm sao để nói với trẻ, “Hãy cảnh giác với tất cả những thứ độc hại mà người ta đang ném vào con”. Tôi không muốn ảnh hưởng đến bất kỳ ai trong số các bạn; đó là một thực tế. Tôi thực sự không muốn gây ảnh hưởng lên các bạn vì chuyện đó chẳng có ý nghĩa gì cả. Vì nếu các bạn không hiểu thì tôi thúc ép các bạn có ích gì? Còn nếu bạn hiểu, bạn sẽ tự làm việc đó.

G: Dạy cho trẻ sống trật tự, ngăn nắp thì không phải là định hình đúng không?

K: Giúp trẻ sống gọn gàng, sạch sẽ, tươm tất – đó có phải là định hình trẻ không? Tôi không muốn gây ảnh hưởng lên đứa trẻ: tại sao nó không gọn gàng khi mà tôi thì gọn gàng? Tôi không muốn uốn nắn nó cho gọn gàng tươm tất, biết cư xử, tôi không muốn quăng cái bóng của mình lên nó theo bất kỳ cách nào.  Thế thì tôi phải giúp nó bằng cách nào? Đó là vì các bạn không nhìn ra tầm quan trọng của việc đứa trẻ được tự do, các bạn nói nó nên tự do như theo cách này, tự do được gọn gàng – đó không phải là tự do. Các bạn chưa nhìn rõ vấn đề này cho lắm.

Và khi đứa trẻ ngày một lớn thì những vấn đề sâu xa hơn, như tình dục chẳng hạn, mọi thứ sẽ được quyết định bởi vấn đề trung tâm là nó phải được tự do, nó phải không bị ảnh hưởng nhưng phải được “giúp đỡ” để hiểu về ảnh hưởng và phát triển trong tự do tuyệt đối. Nếu tất cả chúng ta đều cảm thấy như thế thì chúng ta sẽ tạo nên một ngôi trường tuyệt vời vì chúng ta sẽ nỗ lực phấn đấu cho điều đó, chúng ta sẽ liên tục trao đổi về điều đó, chúng ta sẽ không ngừng học hỏi; khi ấy chúng ta sẽ cảm thấy chúng ta đồng tâm hiệp lực.

Vậy thì trong cuộc thảo luận này chúng ta hãy chỉ giới hạn ở đúng vấn đề này: chúng ta có muốn tác động đến đứa trẻ không? và chúng ta có thể giúp nó hiểu những tác động đã bị rót vào nó – từ cha nó, guru, từ xã hội, từ các truyền thông, từ tất cả những thứ đó – hay không? Nền tảng văn hóa Ấn Độ của chúng ta sẽ trỗi dậy và nói, “Rồi thì chuyện gì sẽ xảy ra?” Tất cả chúng ta phải đồng thuận trong chuyện này. Các bạn không thấy rằng chúng ta có thể tạo nên một hành động tập trung nhất quán nếu tất cả chúng ta cùng quyết tâm xử lý chuyện này sao?

6 tháng 1 năm 1995 

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring: Quan điểm giáo dục của Krishnamurti

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *