Tự do là điều thiết yếu làm nên vẻ đẹp của điều thiện

Trích đoạn từ cuốn sách "Toàn thể biến dịch của cuộc sống là học tập" của J. Krishnamurti

“Toàn thể Biến dịch của cuộc sống là Học tập” là một tập hợp các lá thư mà J. Krishnamurti gửi cho các trường học của mình, đây không chỉ đơn thuần là một tác phẩm về giáo dục mà còn là một triết lý sống, khuyến khích độc giả suy ngẫm về cách chúng ta học hỏi và sống mỗi ngày.

Qua từng lá thư, Krishnamurti chia sẻ quan điểm của mình về giáo dục toàn diện, nhấn mạnh rằng việc học tập không chỉ là tích lũy kiến thức mà còn phải bao gồm sự phát triển toàn diện về tâm trí và tinh thần. Ông đề cập đến tầm quan trọng của sự tự do trong giáo dục, cho rằng điều thiện và trí thông minh chỉ có thể phát triển trong một môi trường không có sự ép buộc và sợ hãi. Những lá thư cũng nhấn mạnh vai trò của sự thanh nhàn trong quá trình học tập, nơi mà tâm trí không bị áp lực bởi những lo toan thường nhật, qua đó mới có thể thực sự hiểu biết và phát triển.

Điều thiện chỉ có thể triển nở trong tự do. Nó không thể đơm hoa kết trái nơi mảnh đất của những lời lẽ biện minh, dù dưới hình thức nào, cũng không do thúc ép hay được khen thưởng. Nó sẽ không tỏ lộ khi ta bắt chước hay tuân thủ, và cũng không thể tồn tại khi có sự sợ hãi. Điều thiện sẽ được biểu lộ nơi cách cư xử, và lối cư xử này lại dựa trên sự nhạy bén. Điều thiện được thể hiện trong hành động. Toàn bộ biến dịch của ý nghĩ không phải là điều thiện. Ý nghĩ, vốn rất phức tạp, phải được hiểu rõ; và việc hiểu ấy sẽ giúp ý nghĩ nhận ra được các giới hạn của chính nó.

Điều thiện thì không có cái đối nghịch. Hầu hết chúng ta nghĩ thiện nghịch với xấu và ác, và do đó trong suốt chiều dài lịch sử, ở mọi nền văn hóa, cái thiện luôn được xem là mặt còn lại của những gì là tàn bạo. Nhân loại vẫn luôn đối đầu với cái ác để trở nên tốt lành; nhưng nếu bạo lực hay xung đột, dù dưới hình thức nào, vẫn còn tồn tại thì điều thiện có thể không bao giờ có được. Điều thiện tự tỏ lộ chính mình trong lối cư xử, hành động và các mối quan hệ. Nhìn chung, lối cư xử hằng ngày của chúng ta đều dựa trên các khuôn mẫu nhất định, vốn máy móc và do đó cũng hời hợt, hoặc là theo các động lực đã được chọn lọc kỹ càng vốn khởi phát từ chuyện thưởng phạt. Vì thế mà lối cư xử của chúng ta, dù có ý thức hay không có ý thức, đều đã được tính toán cả. Và như vậy thì không phải là lối cư xử tốt. Khi đã nhận ra được điều này, không chỉ nhờ trí năng hay chỉ bằng việc lựa lời mà nói, thì ta sẽ thấy lối hành xử tốt đi theo sau việc phủ định những gì không phải là lối hành xử tốt.

Tự bản chất lối hành xử tốt chính là sự vắng bóng cái ngã, cái “tôi”. Lối hành xử này được thể hiện qua sự lịch thiệp, qua việc biết nghĩ đến người khác, qua sự chịu thiệt nhưng không đánh mất sự chính trực. Lối cư xử của ta có vai trò đặc biệt quan trọng; đây không phải là những gì người ta vô tình nhắc đến, cũng không phải là một trò vui của một tâm trí lắm chiêu trò. Nó vốn sinh ra từ thẳm sâu con người bạn và là một phần trong cuộc sống thường ngày của bạn.

Cái thiện tự biểu lộ nó trong hành động. Hành động đúng đắn là một trong những điều khó thực hiện nhất. Chuyện này rất phức tạp và phải được giải thích cặn kẽ đâu ra đó, phải kiên nhẫn cũng như không được vội vàng kết luận. Trong đời sống thường nhật, hành động là một biến dịch liên tục khởi đi từ một quá khứ đôi khi vụn nát với một nhóm các kết luận mới. Những kết luận này sau đó lại trở thành quá khứ, do đó người ta sẽ hành động theo những ý tưởng hay lý tưởng đậm tính định kiến. Ta vẫn luôn hành động hoặc theo những tri thức đã thu nạp trước đó, tức là theo quá khứ, hoặc theo một lý tưởng xa vời, không tưởng. Chúng ta xem kiểu hành động như thế là chuyện thường. Nhưng liệu có phải thế? Chúng ta đều tự vấn trước hoặc sau khi hành động đó diễn ra, nhưng những gì ta xem xét đều dựa trên những điều đã được kết luận trước đó hoặc trên những kỳ vọng thưởng phạt sau đó – ‘Nếu tôi làm thế, thì tôi sẽ được/bị cái kia’.

Giờ đây chúng ta đang chất vấn tổng thể ý tưởng đã được nhìn nhận về hành động. Hành động sẽ đến sau khi ta đã tích lũy kiến thức hoặc kinh nghiệm; hoặc ta sẽ hành động rồi học từ hành động đó, hoặc vui vẻ hoặc miễn cưỡng, và việc học này một lần nữa cũng là chuyện tích lũy kiến thức. Vì vậy mà cả hai hành động đều dựa trên kiến thức; chúng chẳng khác gì nhau. Kiến thức bao giờ cũng là quá khứ và do đó hành động của chúng ta luôn diễn ra một cách máy móc.

Liệu có hành động nào là không máy móc, không lặp đi lặp lại, không phải do thói quen và vì vậy không kéo theo hối tiếc nào không? Đây thực sự là điều hệ trọng mà chúng ta phải hiểu được, vì bất cứ đâu có tự do và cái thiện được triển nở thì ở đó hành động không bao giờ diễn ra một cách máy móc rập khuôn. Việc viết là máy móc; học một thứ tiếng, lái một chiếc xe cũng là máy móc; việc có được bất kỳ kiến thức chuyên môn nào và hành động theo kiến thức đó cũng là máy móc. Trong loạt hoạt động máy móc ấy vẫn có thể có một chỗ hở, và ngay tại chỗ hở ấy mà một kết luận mới có thể được rút ra, nhưng lại một lần nữa, kết luận ấy vẫn là máy móc. Chúng ta phải nhớ nằm lòng rằng tự do mới là điều thiết yếu làm nên vẻ đẹp của cái thiện. Thực ra vẫn có một hành động không rập khuôn máy móc, nhưng bạn phải khám phá ra nó. Bạn không thể được bảo cho biết đó là gì; bạn không thể được chỉ dẫn để thực hiện hành động đó; bạn không thể học biết được từ những ví dụ, vì như thế chỉ là chuyện bắt chước và tuân thủ. Chung quy thì bấy lâu nay bạn đã hoàn toàn đánh mất tự do và cái thiện cũng chẳng tồn tại.

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring: Quan điểm giáo dục của Krishnamurti

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *