Mục tiêu của giáo dục

Trích đoạn từ cuốn sách "Kiến giải về giáo dục" của J. Krishnamurti

Kiến giải về giáo dục của J. Krishnamurti là một cuộc tìm hiểu sâu sắc về bản chất của giáo dục, nhấn mạnh rằng giáo dục thực sự vượt xa việc tiếp thu kiến thức để bao trùm sự phát triển toàn diện của con người. Krishnamurti lập luận rằng giáo dục không chỉ nên chuẩn bị cho cá nhân một nghề nghiệp hay những vai trò xã hội mà còn nhằm mục đích mang lại hiểu biết sâu sắc về bản thân và mối quan hệ của một người với thế giới. Điều này liên quan đến việc thúc đẩy một môi trường không bị thống trị bởi sợ hãi và quyền lực, thay vào đó cho phép sự tự do, sáng tạo và tư duy phản biện.

Tầm nhìn của Krishnamurti về giáo dục thách thức các phương pháp truyền thống, cho thấy một cách tiếp cận toàn diện là cần thiết đối với việc nuôi dưỡng sự tự nhận thức, lòng từ bi và ý thức về sự kết nối. Các luận điểm của ông khuyến khích các nhà giáo dục, phụ huynh và học sinh xem xét lại mục đích và phương pháp giáo dục, ủng hộ một hệ thống ưu tiên sự phát triển nội tại và hạnh phúc của cá nhân hơn là nhu cầu xã hội hoặc kinh tế.

Người dốt không phải là người không có học mà là người không biết mình, và người có học sẽ là kẻ ngốc nếu tìm kiếm sự hiểu biết từ sách vở, kiến thức và uy quyền. Hiểu biết chỉ có được thông qua sự tự biết mình, tức là nhận thức được toàn bộ quá trình tâm lý của bản thân. Vậy nên giáo dục, theo đúng nghĩa, là hiểu chính mình, bởi vì chính trong mỗi người chúng ta, toàn thể sự tồn tại được tập hợp…

Nếu không hiểu chính mình, sự bận rộn đơn thuần sẽ dẫn đến thất vọng, cùng những sự trốn tránh chắc chắn sẽ xảy ra của nó thông qua đủ kiểu hoạt động tinh quái. Kỹ thuật mà không có hiểu biết sẽ dẫn đến thù địch và tàn nhẫn, được chúng ta che đậy bằng những cụm từ nghe có vẻ dễ chịu. Nhấn mạnh kỹ thuật và trở thành những thực thể hiệu quả liệu có giá trị gì nếu kết quả là hủy diệt nhau? Tiến bộ kỹ thuật của chúng ta thật tuyệt diệu, nhưng nó chỉ làm tăng thêm sức mạnh tiêu diệt lẫn nhau, nạn đói và khổ sở lan tràn khắp nơi…

Kiểu giáo dục đúng đắn, nếu khuyến khích việc học một kỹ thuật, cần đạt được điều gì đó có tầm vóc lớn lao hơn nhiều; nó cần giúp con người trải nghiệm quá trình thống nhất của cuộc sống. Chính trải nghiệm này sẽ đặt năng lực và kỹ thuật vào đúng chỗ của chúng…

Những lý tưởng và kế hoạch cho một xã hội không tưởng hoàn hảo sẽ không bao giờ mang lại sự thay đổi triệt để trong trái tim, một điều cần thiết nếu muốn kết thúc chiến tranh và sự hủy diệt lan tràn khắp nơi. Lý tưởng không thể thay đổi những giá trị hiện tại của chúng ta: chúng chỉ có thể thay đổi bằng kiểu giáo dục đúng đắn, tức là nuôi dưỡng sự hiểu biết về cái đang là

Kiểu giáo dục đúng đắn không liên quan đến bất kỳ học thuyết nào, dù nó có thể hứa hẹn một xã hội không tưởng trong tương lai tốt đẹp đến đâu: nó không dựa trên bất kỳ hệ thống nào, dù trù tính cẩn thận đến đâu; nó cũng không phải là phương tiện để định hình hóa cá nhân theo một cách thức đặc biệt nào đó. Giáo dục theo đúng nghĩa là giúp cá nhân trở nên chín chắn và tự do, khai hoa nở nhụy tốt đẹp trong tình yêu và cái thiện…

Một chức năng khác của giáo dục là tạo ra những giá trị mới. Nếu chỉ cấy ghép những giá trị đang có vào trí óc đứa trẻ, làm cho nó tuân theo những lý tưởng, thì đó là định hình nó mà không hề đánh thức trí thông minh của nó. Giáo dục có liên quan mật thiết với khủng hoảng hiện nay trên thế giới, và nhà giáo dục nào nhìn thấy những nguyên nhân của cơn hỗn loạn lan tràn này thì nên tự hỏi mình phải làm sao để đánh thức trí thông minh nơi học sinh, như vậy mói có thể giúp thế hệ sắp tới không gây ra xung đột và thảm họa thêm nữa. Anh ta phải dành toàn bộ suy nghĩ, toàn bộ sự quan tâm và tình thương của mình cho việc tạo ra một môi trường phù hợp và phát triển sự hiểu biết, để khi đứa trẻ trưởng thành, nó sẽ có khả năng giải quyết một cách thông minh những vấn đề của con người mà nó đối mặt. Nhưng để làm được điều này, nhà giáo dục phải hiểu chính mình thay vì dựa vào những hệ tư tưởng, hệ thống và niềm tin.

Education and the Significance of Life, trang 17-25

Muốn thực sự giải quyết được vấn đề giáo dục đúng đắn là gì, hiểu được toàn bộ ý nghĩa của giáo dục, tại sao chúng ta được giáo dục, nó là gì, là một công việc mênh mông, không thể nói chỉ trong vài phút. Bạn có lẽ đã đọc hay có khả năng đọc nhiều cuốn sách, bạn có thể hiểu sâu biết rộng, có vô số kiểu lý giải, nhưng đó không phải là tự do. Tự do xuất hiện cùng với sự hiểu chính mình, và chỉ có tự do như vậy mới có thể đương đầu mà không sợ hãi trước mọi khủng hoảng, mọi thế lực ảnh hưởng muốn định hình ta; nhưng điều đó đòi hỏi phải thâm nhập, phải thiền rất nhiều.

New York 1954: Buổi nói chuyện #3, Collected Works Vol. VIII, trang 227

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring: Quan điểm giáo dục của Krishnamurti

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *