Truyền kiến thức bằng tinh thần không ganh đua

Trích đoạn từ cuốn sách "Trường học không sợ hãi" của J. Krishnamurti

TRƯỜNG HỌC KHÔNG SỢ HÃI ghi lại 26 cuộc đàm thoại với giáo viên và phụ huynh được Krishnamurti tổ chức tại Trường Rajghat Besant School, ngôi trường do chính ông thành lập trên bờ sông Hằng vào đầu thập niên 1930. Qua những cuộc đàm thoại này Krishnamurti đào sâu vào các vấn đề cơ bản đang gây khó khăn cho hệ thống giáo dục truyền thống, tham gia vào các cuộc đàm thoại làm sáng tỏ sự phức tạp của việc nuôi dưỡng một môi trường học tập thực sự phong phú.  Với cái nhìn sâu sắc về tâm lý con người, Krishnamurti thách thức các chuẩn mực và hệ tư tưởng phổ biến liên quan đến việc học ở trường, ủng hộ một cách tiếp cận vượt qua nỗi sợ hãi, sự ganh đua và sự tuân thủ. Ông khuyến khích người dạy tìm hiểu sâu hơn hơn về vai trò của mình, các mối quan hệ trong lĩnh vực giáo dục và tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng không chỉ sự phát triển trí tuệ mà còn cả sức khỏe cảm xúc và tâm lý.

KRISHNAMURTI: Ngày hôm qua chúng ta có nói chúng ta sẽ thảo luận chuyện gì đó sẽ cho kết quả xác định, không phải chung chung mà tỉ mỉ rõ ràng. Liệu chúng ta, tất cả chúng ta, có thể cùng thảo luận để đi đến sự nhất quán nhất định trong hành động không? Chúng ta đã cùng phân tích rằng nhất thiết chúng ta cần nêu ra một chủ đề nóng để toàn tâm toàn ý giải quyết nó triệt để. Trên thế giới trước nay đã có rất nhiều thử nghiệm được tiến hành: người ta đang cố xem xem bằng cách nào các cô bé cậu bé có thể có được trí thông minh thực sự, có thể đáp ứng cuộc sống, không phải chỉ đơn thuần thích nghi với mô thức của xã hội mà còn tự nguyện đáp ứng cuộc sống. Xét về khía cạnh này của giáo dục chúng ta có phải là những người ưu tú nhất không? Không chỉ các cô bé cậu bé – ở đây không có sự phân chia; tất cả chúng ta là một. Nếu trong vấn đề này và cả xét một cách toàn diện chúng ta chưa phải là ưu tú nhất thì điều gì đang cản trở chúng ta? Hãy cùng xem xem chúng ta có thể tìm ra nguyên nhân không.

Chúng ta có thể thảo luận về vấn đề tinh thần ganh đua, làm thế nào để xóa bỏ nó, vì đó có thể là một trong những lý do căn cơ dẫn đến sự sụp đổ của xã hội hiện nay. Văn hóa đang suy đồi vì tinh thần cạnh tranh khủng khiếp này, với những tham vọng, những so sánh và những quy kết của nó, và chúng ta có thể xóa bỏ hẳn nó ở trường này không? Nhiều lý do được đưa ra như vậy có thể thực sự làm bật ra một hành động quyết liệt để tạo nên một thứ gì mới mẻ không? Chỉ đào sâu vào các trở ngại thì có đưa đến kết quả gì không? Bằng cách thảo luận triệt để vấn đề này – tinh thần cạnh tranh ở học sinh và ở chúng ta – chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra thực tế là vấn đề ấy có tồn tại. Có lẽ nếu chúng ta có thể đi sâu phân tích xem liệu tinh thần ấy có đúng không, liệu chúng ta có nên khuyến khích nó hay nên ngăn chặn nó, và vì sao chúng ta nên ngăn chặn nó, thì chúng ta sẽ có thể xử trí các vấn đề khác.

Chúng ta có sẵn sàng giãi bày những suy nghĩ của mình không – chúng ta thực sự tin vào cạnh tranh hay chúng ta không quan tâm? Hay chúng ta đang bị mắc kẹt trong các hoàn cảnh và rồi cứ để kệ như thế? Nếu chúng ta bị thách thức, chúng ta có đặt câu hỏi xem liệu chúng ta có thực sự tin vào cạnh tranh với tất cả những hàm ý của nó và do đó không thể ngăn chặn nó hay không? Nếu chúng ta nghĩ cạnh tranh là thiết yếu thì chúng ta không thể ngăn chặn nó. Cạnh tranh có mang lại tự do không? Cạnh tranh trong một xã hội có mang đến hòa bình cho xã hội đó không? Hay xã hội ấy sẽ vĩnh viễn mang trong nó mâu thuẫn? Và liệu chúng ta có thể tạo ra một xã hội không hề có cạnh tranh, không ai cố gắng trở thành gì đó mà chỉ làm việc họ yêu thích, và do đó họ không có tham vọng, không ganh đua, không giằng co với hàng xóm? Tức là liệu chúng ta có thể giúp học sinh tìm ra nghề nghiệp đích thực của em chứ không phải nghề nghiệp mà xã hội, hoặc cha mẹ, hoặc truyền thống đặt vào tay em, mà là nghề em thực sự muốn làm? Nếu tất cả chúng ta đồng lòng nói đây là điều chúng ta ủng hộ thì chúng ta sẽ sống chết vì nó, sẽ hết mình vì nó. Chúng ta có dốc hết tâm mình mà thảo luận về chuyện này hay chỉ thảo luận qua loa cho xong như suốt ba năm vừa qua?

Vì sao chúng ta thảo luận? Không phải để trao đổi ý kiến, mà để tìm xem đâu là sự thật của vấn đề và bám sát nó, giải quyết nó cho ra nhẽ, kể cả khi bạn đơn thương độc mã. Chúng ta thảo luận để các bạn không còn cảm giác chỉ có một mình bạn hiểu. Và tại sao bạn lại không thể chấp nhận trạng thái một mình? Bạn phải chấp nhận. Một mình thì có gì sai? Ở bên trong bạn chỉ có mình bạn, phải thế không? Để khiêu vũ, ca hát, nhìn ngắm bầu trời, bạn phải ở một mình. Nếu bạn đủ quyết liệt, đủ dữ dội, bạn sẽ làm cho ra nhẽ mọi chuyện, bạn sẽ đập, sẽ phá tan cái cũ; còn không thì bạn cứ nấn ná, lần lữa.  Tôi cảm nhận rõ mồn một là cạnh tranh hủy hoại cả bên trong con người tôi lẫn những người bên ngoài; tham vọng dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là thứ suy đồi nhất, thối nát nhất. Bạn cũng phải nhìn nhận thật rõ xem bạn có thấy cạnh tranh là đúng không, chứ đừng chỉ nói, “Tôi sẽ giữ ý kiến riêng của mình chứ không dám bộc lộ ra”. Đừng để chúng tôi phải dựa trên hành động mà suy xét, vì nếu bạn và tôi thấy cái gì là đúng thì chúng ta sẽ hành động. Liệu chúng ta có thể nhìn ra vấn đề đó thật rõ ràng, thật sống động như ta nhìn thấy con rắn độc không? Chúng ta hãy nhìn cho rõ thực tế chứ đừng thảo luận cách tiến hành; trước tiên các bạn và tôi, cả đôi bên chúng ta, phải đồng thời nhìn ra cùng một thứ ở cùng một tầng bậc. Chúng ta sẽ dành ra hết ngày này qua ngày khác để chỉ thảo luận về một vấn đề này và sau đó đi sâu vào các giải pháp chi tiết. Và tôi có câu hỏi là đến khi ấy liệu có cần phải vạch ra các chi tiết nữa không, vì nếu bạn và tôi cùng nhìn nhận chuyện đó là như vậy thì chúng ta sẽ luôn luôn trao đổi về nó, luôn luôn điều chỉnh, luôn luôn hành động.

GIÁO VIÊN: Cạnh tranh giúp cho những gì tốt nhất trong đứa trẻ bộc lộ ra ngoài..

K: Làm thế nào các bạn biết cái gì là tốt nhất? Bạn chỉ biết dựa trên điểm số nó đạt được. Nhưng giả sử nó không thể tư duy theo cách này, thì làm cho những gì tốt nhất ở nó bộc lộ ra ngoài nghĩa là thế nào? Một cậu bé làm được sáu mươi phép cộng trong một tháng thì là tốt còn cậu bé không làm được như thế thì là không tốt ư?

G: Xét cho cùng đứa trẻ đó nên thu nạp được lượng kiến thức tối đa.

K: Theo bạn kiến thức nghĩa là gì? Đứa trẻ đó có nhận được nó nhờ cạnh tranh hay không? Kiến thức có thể đến thông qua cạnh tranh không? Tôi không biết, tôi muốn tìm ra câu trả lời; thế nên tôi phải tìm hiểu xem về mặt ngữ nghĩa thì từ cạnh tranh có nghĩa là gì và từ kiến thức có nghĩa là gì.

G: Một dữ kiện như thế sẽ không có ý nghĩa nếu nó không được liên hệ đến thứ gì đó; khi ganh đua, khi cạnh tranh người ta có cảm thức về sự tốt hơn. Cảm thức về sự tốt hơn ăn sâu trong mỗi chúng ta. Đây là toàn bộ động lực của tâm trí con người. Cảm thức về cạnh tranh là một phần không thể thiếu của chúng ta.

K: Ở đây có nhiều cậu bé, vậy thì làm thế nào chúng ta truyền cho các em lượng kiến thức lớn nhất? Có cách truyền đạt kiến thức nào mà không phải dùng đến cạnh tranh không, hay cạnh tranh là cách duy nhất? Tôi không biết gì về cạnh tranh; chúng ta hãy tìm hiểu xem có thể nào truyền thụ kiến thức mà không cần đến động lực đó không. Ai là quan trọng ở đây – cậu bé kia hay người thầy? Nếu các bạn có tinh thần cạnh tranh các bạn sẽ truyền nó sang cậu bé đó. Nếu các bạn quan tâm đến toán học, các bạn sẽ truyền đạt nó cho cậu bé, bất kể cậu ta trì độn hay thông minh phi thường. Đối với cậu bé thứ hai trong ví dụ trên tôi muốn tìm hiểu xem làm thế nào để giúp đỡ câu mà không phải làm cho cậu cạnh tranh với cậu bé thứ nhất, vì tôi muốn tìm ra một phương cách để dạy cho các cậu bé.

Trước hết hãy đặt câu hỏi: có thể truyền thụ kiến thức mà không tạo ra cạnh tranh không và chúng ta sẽ làm việc đó bằng cách nào?  Hãy để câu hỏi đó hoạt động trong tâm trí các bạn. Tôi không biết cạnh tranh là đúng hay sai, nhưng tôi muốn giúp cậu bé đó có kiến thức, không chỉ cậu bé đó mà từng cậu bé; và nếu tôi so sánh cậu bé này với cậu bé khác thì tôi sẽ hủy hoại cậu bé bị đem ra so sánh kia. Tôi muốn cậu bé A, B và C có kiến thức mà không phải hủy hoại các em, tức là không phải tạo cho các em cảm giác mình là thấp kém, cảm giác ấy sẽ khiến các em ganh đua với nhau và do đó mà thành ra sợ hãi. Tôi muốn giúp ba học sinh đó có kiến thức, và chẳng phải so sánh sẽ khiến các em lo lắng sao? Có thể các em là những nghệ sĩ bẩm sinh, còn các bạn thì lại ép các em học và rồi hủy hoại các em. Các bạn chỉ quan tâm đến chuyện các em đạt điểm cao chứ không màng đến sự yếu đuối, mong manh của các em. Tôi không muốn làm tổn thương bất cứ em nào, tôi không muốn tạo cảm giác ưu việt hoặc thấp kém; tôi yêu các em, tôi muốn các em có kiến thức, muốn các em nhận ra sự đáng yêu của cuộc sống. Thế thì tôi phải làm việc đó bằng cách nào?

Chúng ta hãy tìm một phương cách sao cho không làm tổn thương những cậu bé này. Nếu các bạn nói, “Chuyện đó thì hiển nhiên rồi; mỗi người phải dốc sức mình mà sinh tồn, nhưng hệ thống này vẫn phải vận hành vì tôi tin vào nó”, thì tôi sẽ nói thế này, nếu các bạn có ba cậu con trai và một trong số chúng bị tổn thương, và nếu bạn yêu người con ấy, thì bạn sẽ muốn làm gì đó để hóa giải chuyện này. Các bạn sẽ làm gì, các bạn sẽ nghĩ sao vè chuyện đó, tư duy của các bạn sẽ phải trải qua cuộc cách mạng như thế nào để cho ra câu trả lời mới? Có phải truyền thụ kiến thức mà không làm tổn thương bất kỳ cô bé cậu bé nào là chủ định của các bạn không? Cái gì là quan trọng nhất – truyền đạt kiến thức bằng mọi giá hay không làm tổn thương cô bé cậu bé nào? Cái nào là mối bận tâm của chúng ta? Giúp đỡ những cậu bé ấy mà không làm bất cứ ai trong số các em bị tổn thương – đó là mối quan tâm lớn nhất, không phải trên phương diện lý thuyết. Nếu tôi yêu chúng tôi sẽ không làm tổn thương chúng, không phải về mặt thể chất mà về mặt tâm lý, ở bên trong chúng. Không có phương pháp nào cả; chúng ta hãy cùng tìm ra một phương cách truyền thụ kiến thức mà không làm các em bị tổn thương. Tôi chỉ quan tâm duy nhất đến một việc là giúp các em biết yêu thương, giúp các em không bị tổn thương trong quá trình sống. Sống tức là học hỏi, ở cấp độ này rồi sang cấp độ khác, v.v. Tôi không quan tâm đến điều gì khác; các bạn thì đang quan tâm đến nhiều thứ khác. Nếu tôi cảm nhận là tôi muốn cậu bé đó không bị tổn thương trong quá trình học tập thì tôi sẽ tìm cách để giúp em. Các bạn có đang ở trong trạng thái đó không?

Vậy chức năng của giáo viên là gì? Chỉ truyền thụ kiến thức, và trong quá trình đó không quan tâm xem có ai bị tổn thương hay không? Đó có phải là chức năng của một giáo viên chân chính? Mỗi một giáo viên đang giúp cậu bé kia, nếu họ là giáo viên chân chính thì đều phải nhận thức được những năng lực của em và liên tục ghi chép lại những vấn đề đó. Người giáo viên ấy phải tỉnh táo hơn nữa, và công việc của anh ta sẽ khó khăn hơn hẳn trước đây, và có lẽ đó là điều mà các bạn đang phản đối một cách vô thức. Vì giờ thì các bạn sẽ phải theo sát từng cậu bé, phải giúp đỡ từng em nhìn ra các em đang ở đâu chứ không phải các em nên ở đâu. Nếu tôi là người làm việc đó tôi sẽ vật lộn với vấn đề đó, tôi sẽ thử, sẽ thí nghiệm mà không dùng từ thí nghiệm. Nếu tất cả chúng ta cảm thấy chúng ta ở đây không phải là để làm tổn thương dù chỉ một cậu bé theo nghĩa sâu xa của từ này, không phải để hủy hoại tâm lý của các em, nếu tất cả chúng ta đều nhất trí như thế, đều cảm thấy như thế, thì các bạn có cho là chúng ta không thể làm được việc đó không, không thể tìm ra một phương thức truyền đạt, một phương pháp dạy những em được gọi là trì độn và những em được gọi là thông minh? Có lẽ chẳng học sinh nào là trì độn.

28 tháng 12 năm 1954 

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring: Quan điểm giáo dục của Krishnamurti

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *