0
Chùm thơ Vòng thời gian của Omar Khayyam
Trích đoạn từ cuốn sách "Đến như nước chảy, Đi tựa gió phiêu"
Omar Khayyam, sống vào cuối thế kỷ 11 tại Naishapur, vùng Khorassan, là một nhà thơ, nhà chiêm tinh học và nhà toán học nổi tiếng của Ba Tư. Khayyam nổi bật với khả năng thể hiện những triết lý sâu sắc qua ngôn ngữ thơ ca tinh tế và giàu hình ảnh. Ông không ngần ngại thách thức các niềm tin tôn giáo đương thời và luôn tìm kiếm sự thật qua lăng kính cá nhân. Hình ảnh rượu, hoa hồng và thiên nhiên không chỉ tạo nên một không gian thi ca trữ tình mà còn chứa đựng những triết lý sống động và huyền bí.
“Thơ Rubaiyat – Đến tựa Nước chảy, đi tựa Gió phiêu” của Omar Khayyam không chỉ là một tập thơ mà còn là một hành trình triết học và cảm xúc, mở ra cánh cửa đến với những suy tư và cảm nhận sâu sắc về cuộc đời. Đây là một tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian, đầy sức sống và cảm hứng, phù hợp với mọi thế hệ độc giả.
XXI
Kìa! Người dấu yêu ơi, hãy rót đầy
Bận lòng gì quá khứ với mai đây
Ngày Mai ư? – Vì đâu, Mai có lẽ
Chỉ là Bảy ngàn năm Quá Khứ này.
XXII
Ồ, điều ta yêu, yêu nhất và tuyệt diệu
Là Thời Gian, Phận Số với Mùa Nho
Đôi ba lượt đà cùng nhau say khướt
Rồi ngơi nghỉ trong lặng lẽ thẩn thơ.
XXIII
Lũ chúng ta đà khoái lạc chốn trọ này
rồi cũng đi, Hè phủ hoa khắp chốn đây
Ta đều có ngày ngả lưng nơi thềm đất
Nằm xuống rồi, thành thềm lót cho ai đây?
XXIV
Nào, hãy tận hưởng những gì có thể
Rồi vùi chôn dưới cát bụi cũng thế
Cát bụi thành cát bụi cả mà thôi
Không Rượu, chẳng Ca, trọn một Kiếp về!
XXV
Như bao kẻ bận bịu bởi Hôm Nay
Và bao kẻ nhăm nhe đợi Mai Này
Nơi Tháp Tối vị Muezzin[1] vẫy gọi
“Lũ ngu kia! Phúc phần chẳng ở đây!”
[1] Muezzin là người chịu trách nhiệm gọi tín đồ đến cầu nguyện năm lần mỗi ngày. Đây là lời gọi (adhan) để nhắc nhở mọi người rằng đã đến giờ thực hiện các nghi lễ cầu nguyện theo lịch trình Hồi giáo.