Trường học phải dưỡng dục con người toàn diện

Trích đoạn từ cuốn sách "Toàn thể biến dịch của cuộc sống là học tập" của J. Krishnamurti

“Toàn thể Biến dịch của cuộc sống là Học tập” là một tập hợp các lá thư mà J. Krishnamurti gửi cho các trường học của mình, đây không chỉ đơn thuần là một tác phẩm về giáo dục mà còn là một triết lý sống, khuyến khích độc giả suy ngẫm về cách chúng ta học hỏi và sống mỗi ngày.

Qua từng lá thư, Krishnamurti chia sẻ quan điểm của mình về giáo dục toàn diện, nhấn mạnh rằng việc học tập không chỉ là tích lũy kiến thức mà còn phải bao gồm sự phát triển toàn diện về tâm trí và tinh thần. Ông đề cập đến tầm quan trọng của sự tự do trong giáo dục, cho rằng điều thiện và trí thông minh chỉ có thể phát triển trong một môi trường không có sự ép buộc và sợ hãi. Những lá thư cũng nhấn mạnh vai trò của sự thanh nhàn trong quá trình học tập, nơi mà tâm trí không bị áp lực bởi những lo toan thường nhật, qua đó mới có thể thực sự hiểu biết và phát triển.

Xã hội, tức nền văn hóa hiện nay của chúng ta, đòi hỏi học sinh phải được định hướng chọn một công việc và được an thân. Điều này trước giờ vẫn luôn là áp lực ở mọi xã hội: nghề nghiệp là trước hết, còn những thứ khác là thứ yếu; nghĩa là, trước tiên phải là tiền bạc, còn tất tần tật những khía cạnh phức tạp của đời thường phải xếp sau. Khi tiền bạc trở thành yếu tố trọng yếu trong đời, chắc chắn các hoạt động thường nhật của ta sẽ mất cân bằng. Tôi mong các nhà giáo dục hiểu được sự hệ trọng này và thấy được ý nghĩa trọn vẹn của nó. Nếu nhà giáo dục hiểu được tầm quan trọng của việc này, và ngay chính trong đời mình, họ dành cho việc đó sự quan tâm xứng đáng thì hẳn họ có thể trợ giúp học sinh của mình, vốn đã bị cha mẹ và xã hội buộc phải xem nghề nghiệp là điều quan trọng nhất. Tôi muốn nhấn mạnh điểm này – là trong mọi lúc ở những trường này, ta phải duy trì một lối sống có thể dưỡng dục một con người toàn diện.

Vì dường như nền giáo dục của chúng ta chỉ tập trung đến việc thủ đắc kiến thức, nên chúng ta ngày càng trở nên máy móc hơn; tâm trí chúng ta hoạt động theo những lối mòn hạn hẹp, bất kể thứ tri thức ta thủ đắc là tri thức khoa học, triết học, tôn giáo, kinh doanh hay công nghệ. Lối sống của ta, cả khi ở nhà lẫn khi ở ngoài xã hội, và việc ta chuyên môn hóa trong một ngành nghề cụ thể, đang khiến tâm trí ta ngày càng nông cạn, hạn hẹp và bất toàn. Tất cả những điều này sinh ra một lối sống máy móc, một sự tiêu chuẩn hóa trong tinh thần, và dần dần Nhà nước, kể cả một Nhà nước dân chủ, sẽ khuôn định cả con người ta. Hầu hết những người có suy nghĩ chín chắn tự họ đều ý thức được điều này, nhưng không may là dường như họ lại chấp nhận rồi chung sống với điều đó. Đây dần dà trở thành mối nguy đe dọa tự do.

Tự do là một vấn đề rất phức tạp và để hiểu được độ phức tạp của tự do, điều cần thiết là phải làm cho tâm trí được triển nở. Mỗi một người sẽ có các cách hiểu khác nhau về việc thăng hoa tâm trí, tùy theo văn hóa, giáo dục, trải nghiệm, các niềm tin tôn giáo – tức tùy theo từng hoàn cảnh. Ở đây chúng ta không giải quyết các quan điểm hay định kiến, mà thảo luận một cách hiểu không thể diễn tả bằng lời liên quan đến những ẩn ý và kết quả của việc thăng hoa tâm trí. Thăng hoa tâm trí là toàn bộ quá trình biểu lộ và nuôi dưỡng tâm trí, con tim và tình trạng sức khỏe thể lý của chúng ta; nghĩa là có được sự hài hòa trọn vẹn, trong đó không có một đối nghịch hay mâu thuẫn nào. Việc thăng hoa tâm trí sẽ xảy đến khi và chỉ khi ta có được một nhận thức phổ quát, khách quan và rõ ràng, khi nhận thức ấy không bị đè nặng bởi bất kỳ áp đặt nào. Đây không phải là chuyện nghĩ cái gì, mà là làm sao nghĩ được rõ ràng. Trong nhiều thế kỷ qua, thông qua tuyên truyền và những thứ khác, chúng ta được khuyến khích chú tâm đến chuyện phải nghĩ cái gì đó. Nền giáo dục hiện đại nhìn chung chính là như thế, chứ không phải là sự khảo xét toàn thể biến dịch của ý nghĩ. Thăng hoa tâm trí ngụ ý sự tự do. Cây cỏ cần có tự do để lớn lên.

Trong mỗi lá thư chúng ta sẽ bàn đến việc đánh thức con tim; đây không phải là những lời lẽ tơ tưởng, lãng mạn hay ủy mị, nhưng chúng nói đến điều thiện sinh ra từ cảm kích và tình yêu. Chúng ta cũng sẽ nói về việc nuôi dưỡng cơ thể, về loại thức ăn phù hợp, về việc luyện tập đúng cách – những việc này sẽ giúp có được sự nhạy bén sâu sắc. Khi thân, tâm và trí hoàn toàn hòa hợp thì sự thăng hoa sẽ đến một cách tự nhiên, dễ dàng và trọn vẹn. Trong tư cách nhà giáo dục, đây chính là công việc và trách nhiệm của chúng ta. Giảng dạy chính là công việc chuyên môn cao cả nhất.

Bản lưu cuộc trò chuyện Book Exploring: Quan điểm giáo dục của Krishnamurti

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *