Quán cà phê là một sân khấu dành cho những màn trình diễn mới lạ

Trích đoạn chương 3, cuốn sách “Đời sống cà phê tại Nhật Bản” – Merry White

ĐỜI SỐNG CÀ PHÊ TẠI NHẬT BẢN mang đến một cái nhìn sâu sắc vào cốt lõi của văn hóa đô thị Nhật Bản, đưa người đọc vào một hành trình khám phá mối quan hệ biến đổi của quốc gia này với cà phê. White đi sâu vào những nét đặc trưng lịch sử, xã hội và văn hóa của cách mà cà phê và quán cà phê đã dệt chúng vào nền văn hóa Nhật Bản kể từ khi thức uống này được giới thiệu vào thế kỷ 19.

Vào đầu thế kỷ 20, thói quen ghé thăm các quán cà phê ở Nhật Bản hoàn toàn mang đậm dấu ấn đặc trưng của kỷ nguyên hiện đại. Như Elise Tipton nhận định, quán cà phê chính là địa điểm kiến tạo ra tính hiện đại[1]. Là một lựa chọn mang tính cá nhân, các vị khách bước vào quán để được tương tác và quan sát những con người hiện đại. Đây từng là (và ở một mức nào đó vẫn đang là) một không gian hoạt náo, một địa điểm vui chơi tự do hay một nơi mà bạn có thể thoải mái định danh bản thân. Bạn đến đó để “vui chơi” như từ asobi trong tiếng Nhật, hàm ý về sự tự do và không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ trên khía cạnh văn hóa. Khi vui chơi, bạn có thể thực hiện nhiều điều mới mẻ một cách “vui vẻ” mà không cần phải gánh những trọng trách lớn lao, hay buộc phải thể hiện uy quyền.

Quán cà phê là một sân khấu dành cho những màn trình diễn mới lạ. Đó là nơi có khả năng “thay hình đổi dạng” hay một không gian trung lập mà ở đó bầu không khí và các yếu tố khác, cùng toàn bộ trải nghiệm, có thể thường xuyên thay đổi. Đó là nơi bạn có thể thoát khỏi những chuẩn mực được gán với các nghĩa vụ về văn hóa và xã hội; bạn có thể đến đó để hòa nhập, hoặc chẳng phải làm gì cả. Sự tương phản giữa bộ mặt mà bạn được kỳ vọng phải “đeo vào” khi ở nhà hay nơi làm việc, với những ý tưởng mới linh hoạt và mang tính cá nhân hơn về bản sắc con người và xã hội, lớn đến mức có thể nói rằng quán cà phê chính là cầu nối giữa chúng. Thay vì phải thỏa mãn những đòi hỏi như trên (ở nhà hay nơi làm việc), bạn có thể trở thành thứ mà quán cà phê cho phép. Những hội nhóm người dân bị soi xét nhất về cách hành xử sao cho phải đạo, chẳng hạn như phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu, có lẽ luôn cảm thấy thoải mái mỗi khi ghé quán cà phê.

Như chúng ta đã thấy, phụ nữ Nhật Bản trước đó đã được tham gia vào một số hoạt động cộng đồng, do đó rất sẵn lòng để thụ hưởng cảm giác tự do bên trong quán cà phê. Thật vậy, sự hiện diện của phụ nữ với vai trò là các vị khách, chứ không chỉ với tư cách là nhân viên ở hậu trường hay người phục vụ, là một chỉ báo về một nơi chốn hiện đại. Có thể bắt gặp một người khách nữ trung lưu đến từ một “gia đình gia giáo” tại những địa điểm công cộng, như Fugetsudo ở Azab – một cửa hàng bán bánh kẹo, kem và cà phê. Đến năm 1893, cửa hàng này chủ yếu phục vụ các khách hàng nữ hảo đồ ngọt. Các “quầy hàng” (parlor) của Công ty Shiseido, vốn manh nha từ những năm đầu thế kỷ 20, cũng cung cấp dịch vụ cho phái nữ thuộc tầng lớp thượng lưu và gia giáo. Các quán cà phê mở bên trong trung tâm thương mại, chẳng hạn như Trung tâm thương mại Mitsukoshi ở Nihonbashi (Tokyo), là nơi những quý cô có thể an tâm đi mua sắm, tương tự là các “tiệm trái cây” phục vụ món parfaits và đồ tráng miệng trái cây. Việc coi thói quen ghé quán cà phê như một “niềm đam mê” (passion) sẽ xuất hiện sau này khi chúng ta quan sát các quán cà phê kiểu quán rượu, nơi xuất hiện những người phụ nữ rất khác so với những người được đề cập trên đây.


HÌNH 5. Quán Kissa Soiree ở Kyoto. (Ảnh: Kondo Minoru)

Sau năm 1897 với sự ra đời của các cửa hàng bán sữa (miruku horu), nữ giới và nam giới cùng nhau tiêu thụ đồ ăn và đồ uống phương Tây. Ban đầu được mở ra như những trạm bán và vận chuyển sản phẩm sữa, các cửa hàng sữa vào cuối thời Minh Trị đã bắt đầu phục vụ cả cà phê. Thuật ngữ “cửa hàng sữa” (milk hall) vào năm 1912 chỉ nơi tụ tập của những sinh viên và thường dân túng thiếu; khi đó vẫn chưa xuất hiện những “dịch vụ khiêu gợi” có sự xuất hiện của các cô hầu bàn ở kissaten tại Ginza. Một số kissaten có nguồn gốc là những cửa hàng sữa, và một vài cửa hàng trong số này là địa điểm thời thượng và phô diễn tính hiện đại – là nơi những chàng trai trẻ hấp thụ thứ đồ uống hiện đại mang tên “cà phê sữa”.

Trong thời Đại Chính, các quán cà phê bắt đầu đa dạng hóa và phân thành các nhánh khác nhau. Từ các cửa hàng sữa hay quán Kahiichakan của Tei Ei-kei (một quán cà phê theo phong cách London) đã mọc lên loại hình kissaten như ngày nay trong khu phố. Hay như một nhánh khác, từ những quán trà tiền hiện đại của Nhật Bản, bên trong có những cô gái mua vui, tiếp đó mọc lên các quán cà phê có các cô phục vụ bàn khiêu gợi và “hiện đại” cùng với loại hình quán rượu, ở đó mang đến cà phê và một không khí xô bồ hơn được hâm nóng bởi rượu và các hoạt động gợi dục. Những nơi này đi theo phong cách quán rượu, có nhạc sống và buồng ghế riêng (đôi khi các tấm rèm mỏng được rủ xuống để che khuất đi bóng hình các quý cô, hoặc tránh cho các cặp đôi khỏi ánh mắt dị nghị của người khác).

Đồ nội thất hiện đại, chẳng hạn như đèn điện và đèn neon, được trình làng tại tất cả các quán cà phê. Việc sử dụng bàn ghế là chỉ dấu cho các quán đi theo phong cách phương Tây, là nơi bạn ngồi trên ghế và mang giày, thay vì phong cách Nhật, nơi bạn khoanh đôi chân đã bỏ giày của mình và ngồi lên sàn trải chiếu tatami[2]. Đối với nhiều người thì đây là một loại hình không gian thân mật và mới mẻ – được tận hưởng những giờ phút thư giãn với đôi chân không xỏ giày không phải là điều thường thấy. Tại một số kissaten “có tính nghệ thuật” ngày nay, ngồi lên tấm chiếu tatami tại một chiếc bàn thấp gợi lên nhiều hoài niệm. Nhưng thật trớ trêu, những kissaten gợi nỗi hoài niệm về quá khứ đó chỉ có các bộ bàn ghế theo kiểu phương Tây. Đến năm 1901, có khoảng 145 quán cà phê và địa điểm ăn uống kiểu phương Tây ở Tokyo; những địa điểm này cạnh tranh với hơn 6.000 cơ sở ăn uống kiểu Nhật (không phục vụ cà phê), nhưng đến thời điểm xảy ra trận động đất ở Tokyo năm 1923, các quán trà ở Nhật Bản hầu hết đều bị thay thế bởi những quán cà phê kiểu phương Tây, đặc biệt ở khu Ginza thời thượng[3]. Tại những khu vực có cuộc sống về đêm xa hoa và mới lạ này, quán bia đầu tiên đã được thành lập vào năm 1899, đồng thời khi đó cũng xuất hiện một làn sóng ganh đua nhiệt thành để tạo ra các xu hướng mới. Các quán cà phê nhanh chóng thống trị khi trở thành nơi phục vụ những vị khách ghé thăm thường xuyên, các nghệ sĩ và giới văn đàn.

Không phải xu hướng nào cũng được gán với đời sống xã hội và sự sôi động của nhịp sống đô thị. Một trải nghiệm mới mẻ khác là “cảm giác cô đơn”, trong đó một số quán cà phê, vốn không đi theo phong cách quán rượu, đã cổ xúy kiểu hưởng thụ này. Ngồi một mình trong quán cà phê là một trải nghiệm hiện đại, và loại thức uống mang tên “cà phê” đã “nêm nếm” cho cảm giác cô quạnh mới lạ đó. Thật vậy, tính hiện đại của quán cà phê nằm ở sự mới lạ của trải nghiệm về quyền riêng tư và sự ẩn danh. Không phải tất cả các “không gian thứ ba” đều mang tính cộng đồng, hoặc ít nhất không phải tất cả đều là nơi thể hiện những tương tác giữa người với người. 

Khi cà phê được Nhật hóa, các quán cà phê cũng được Nhật hóa và không còn được coi là nơi mang đến những trải nghiệm ngoại lai nữa, mặc dù ban đầu các đặc điểm văn hóa về thời trang từ London, Paris hay Vienna là những điểm thu hút khách hàng. Nhưng mặc dù Tei Ei-kei, người khởi xướng các quán cà phê hiện đại ở Nhật Bản, bày tỏ sự thích thú đối với các quán ở New York hay London, không phải phong cách Mỹ hay Tây Âu đã chi phối ảnh hưởng của nước ngoài đối với cà phê và các quán cà phê: những thành tựu quan trọng ban đầu của các quán ở Nhật đều mang dấu ấn của Brazil, cả về mặt thẩm mỹ lẫn vị giác. Trên thực tế, chuỗi quán cà phê toàn cầu đầu tiên trên thế giới là một tập đoàn Nhật

– Brazil, được thành lập tại Nhật Bản vào năm 1908 và tại Thượng Hải trước năm 1911. Phải 70 năm sau đó mới xuất hiện thương hiệu cà phê từ Seattle, và rốt cuộc chuỗi này cũng không đạt được nhiều thành công như kỳ vọng khi du nhập vào Nhật Bản; sau cuối thì các quán cà phê nội địa vẫn thắng thế.

 

Chú thích:

[1] Elise Tipton, “The Café: Contested Space of Modernity in Interwar Japan”, trong Elise Tipton và John Clark, eds., Being Modern in Japan: Culture and Society from the 1910s to the 1930s (Honolulu: NXB Đại học Hawaii, 2000), tr.119-136.

[2] Loại chiếu truyền thống của người Nhật được làm từ các sợi rơm khô đan ép chặt vào nhau, dùng để lót sàn nhà. (ND)

[3] Akiyama Nobuichi, Koohii to Kissaten (Tokyo: Shinano Shuppan, 1968), tr.13.

 

Bản lưu trò chuyện về Văn hóa ẩm thực Nhật Bản: Từ chủ nghĩa hoàn hảo đến bản sắc dân tộc và chuyển đổi xã hội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *