0
Thông cáo xuất bản TỪ PHẪN NỘ TỚI CAN ĐẢM – Tình trạng bất bình đẳng và thiếu lành mạnh đối với phụ nữ ở những quốc gia nghèo và cách họ hành động”
Rút kinh nghiệm từ hàng thập kỷ liên kết các thế giới khác nhau mà trên thực tế chỉ là một thế giới: thế giới của những người giàu có (đã tạo ra chủ nghĩa nữ quyền của riêng họ, thường nhắm mắt làm ngơ sau lớp trần kính) và của người nghèo (nơi phụ nữ phải đối mặt với những thách thức rất khác nhau, từ thiếu nước và thực phẩm đến cái tử vong khi sinh con hoặc nạo phá thai do lựa chọn giới tính, chết trước khi sinh), cuốn sách TỪ PHẪN NỘ TỚI CAN ĐẢM – Tình trạng bất bình đẳng và thiếu lành mạnh đối với phụ nữ ở những quốc gia nghèo và cách họ hành động là một đóng góp to lớn của nhà hoạt động xã hội Anne Firth Murray cho phong trào bình đẳng giới, với cái nhìn về tình trạng bất bình đẳng tập trung vào xã hội và tình trạng sức khỏe của những phụ nữ nghèo nhất thế giới, một chủ đề bị bỏ quên trong văn học nữ quyền của thế giới giàu có, đồng thời, là câu chuyện truyền cảm hứng và đem lại hi vọng về sức mạnh và sự kiên cường của những người phụ nữ vô danh nhưng tiêu biểu đang đấu tranh để thay đổi cuộc sống của họ và xã hội của họ. Từ Châu Mỹ Latinh đến Châu Phi đến Hoa Kỳ, từ vùng chiến sự đến trại tị nạn, từ làng mạc đến khu ổ chuột, Murray đã liên kết kinh nghiệm cá nhân – những câu chuyện của những người phụ nữ thực phải đối mặt với các vấn đề rất thực — với các ràng buộc cấu trúc ít nhìn thấy hơn, nhiều điều trong đó bắt nguồn từ một nền kinh tế toàn cầu hóa và bất công — mà chúng phải vật lộn đấu tranh.
TỪ PHẪN NỘ TỚI CAN ĐẢM là tác phẩm đầy tính học thuật nhưng không chứa quá nhiều thuật ngữ phức tạp, về cách chuyển hóa sự phẫn nộ — một tình cảm cần thiết nhưng không ổn định — sang hành động bằng cách hỗ trợ các nhóm nhỏ phụ nữ hoạt động theo hướng phù hợp thực tiễn và quan trọng nhất. Cuốn sách này cho những ai muốn tìm hiểu về sự bất bình đẳng giới đang thực sự hiện hữu và cho những ai thực sự muốn làm gì đó để thay đổi điều ấy.
THÔNG SỐ SÁCH:
Tên đầy đủ: TỪ PHẪN NỘ TỚI CAN ĐẢM – Tình trạng bất bình đẳng và thiếu lành mạnh đối với phụ nữ ở những quốc gia nghèo và cách họ hành động
Tác giả: Anne Firth Murray
Dịch giả: Hồng Bích; Hiệu đính: An Nhiên
Lĩnh vực: Chính trị – Xã hội
Tủ sách: Que Sera
Số trang: 384
Cỡ sách: 16x24cm
Tình trạng bìa: Mềm
Lượt in: Lần đầu
Cấp phép: NXB Phụ Nữ
Mã ISBN: 9-786043-904253
Ngày phát hành: 8/3/2023
GIÁ BÁN: 270.000 VND
Đặt trước sách để nhận ưu đãi 20% và freeship
Vui lòng chuyển khoản thanh toán trước nếu thuận tiện. Chỉ cần ghi số điện thoại. Số tiền gửi: 216k.
Nội dung chính của TỪ PHẪN NỘ TỚI CAN ĐẢM - Tình trạng bất bình đẳng và thiếu lành mạnh đối với phụ nữ ở những quốc gia nghèo và cách họ hành động
Ý tưởng chính:
Từ nửa triệu phụ nữ tử vong khi mang thai và sinh nở cho đến cứ ba phụ nữ thì có một phụ nữ bị bạo lực gia đình trên toàn thế giới, từ 90 triệu bé gái không được đến trường cho đến HIV/AIDS lây lan nhanh nhất ở các bé gái vị thành niên, phụ nữ trên toàn thế giới đang phải đối mặt với những thách thức đặc thù về sức khỏe. Với 10 chương được triển khai theo dòng thời gian cuộc đời của một người phụ nữ, Anne Firth Murray đã nêu lên các vấn đề sức khỏe mà những người phụ nữ ở các nước nghèo phải đối mặt trong mỗi giai đoạn sống, từ việc phá thai chọn lọc giới tính và khả năng tiếp cận thực phẩm và chăm sóc sức khỏe không bình đẳng cho đến những thách thức đến với họ khi đã lớn tuổi. Murray chỉ rõ các vấn đề mang tính xã hội, đạo đức và chính trị nhiều hơn là y tế, và hơn thế nữa, là những quan điểm để mang đến hy vọng rằng sự thay đổi tích cực có thể xảy ra.
Mục lục:
Lời tựa cho ấn bản đầu tiên
Những đổi mới trong ấn bản này
Mở đầu: Bóng tối và ánh sáng
Chương 1: Sức khỏe, Nghèo đói và Quyền của người Phụ nữ
Chương 2: Khởi đầu: Lời giới thiệu tử thần
Chương 3: Tuổi thơ: Niềm hy vọng của giáo dục và sự phân biệt đối xử dai dẳng
Chương 4: Tuổi vị thành niên: Đổi thay và thương tổn
Chương 5: Con đường tử thần của thai sản:… Sức khỏe sinh sản và tình dục
Chương 6: Bạo lực với phụ nữ: Lạm dụng hay khủng bố?
Chương 7: Phụ nữ bị mắc kẹt trong các hoàn cảnh xung đột và tị nạn
Chương 8: Lao động trong một thế giới toàn cầu hóa
Chương 9: Lão hóa trong thế giới của đàn ông
Chương 10: Thay đổi thế giới
Về tác giả
Anne Firth Murray (sinh năm 1935) là một nhà hoạt động, tác giả, giảng viên của Đại học Stanford. Bà cũng là chủ tịch sáng lập Quỹ Toàn cầu dành cho Phụ nữ, chuyên gây quỹ và ủng hộ kinh phí cho các nhóm hoạt động nữ quyền trên khắp thế giới. Kể từ năm 2001, Murray giảng dạy về quyền con người và sức khỏe phụ nữ quốc tế tại Đại học Stanford. Bà là thành viên hội đồng quản trị và/hoặc cố vấn cho một số tổ chức, bao gồm CIVICUS, Grass Roots Alliance for Community Education (GRACE), Initiative for Equality (IfE) và No Means No Worldwide (NMNW).
Năm 2005, bà là một trong số hàng nghìn phụ nữ cùng được đề cử giải Nobel Hòa bình. Năm 2022, bà được trao giải Thành tựu nổi bật của Hiệp hội các nhà địa lý nữ.
Một vài đoạn trích trong sách:
Ngày nay, khái niệm “quyền của phụ nữ là quyền con người” có vẻ hiển nhiên, nhưng đến tận năm 1993, khi Liên Hợp Quốc tổ chức một Hội nghị về nhân quyền ở Vienna, các quốc gia thành viên mới bắt đầu thảo luận về các hành vi lạm dụng như hiếp dâm và bạo lực gia đình là “vi phạm nhân quyền”. Các tổ chức phụ nữ và nhân quyền thậm chí còn mất thêm nhiều thời gian hơn mới có thể kiến nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công nhận các vi phạm cụ thể đến nhân quyền phụ nữ trong các tình huống chiến tranh và xung đột vũ trang, bao gồm hiếp dâm có hệ thống như một chính sách chiến tranh và nô lệ tình dục vì “sự thoải mái” của binh lính. Như Tổ chức theo dõi Nhân quyền đã lưu ý, “Những chiến binh và đồng minh trong các cuộc xung đột, chẳng hạn như những người ở Sierra Leone, Kosovo, cộng hòa Dân chủ Congo, Afghanistan và Rwanda, đã cưỡng hiếp phụ nữ giống như đây là một vũ khí chiến tranh gần với sự trừng phạt hoàn toàn.”
…
Một quan điểm về quyền của con người đòi hỏi những điều
mà chúng ta phải thừa nhận, ví dụ như giáo dục cho trẻ em gái, không chỉ là một quyết định tốt cho phát triển mà đó còn là yếu tố công lý và quyền cá nhân. Điều đó khiến chúng ta thấy rằng việc dung túng cho lạm dụng tình dục không chỉ là một lựa chọn kinh tế tồi tệ xét về mặt chi phí y tế, mà còn vi phạm quyền toàn vẹn thân thể của phụ nữ. Một quan điểm nhân quyền cho thấy, tử vong ở người mẹ là một bi kịch không chỉ vì nó tước đi quyền được chăm sóc của trẻ em mà còn tước đi quyền được chăm sóc sức khỏe cơ bản của một người phụ nữ.
…
AIDS phát triển mạnh ở các khu vực có sự bất bình đẳng giới lớn nhất, nơi nữ giới không thể yêu cầu quan hệ tình dục an toàn vì tình trạng phụ thuộc truyền thống của họ. Virus ảnh hưởng đến đối tượng nữ giới trẻ, là những người vốn đã bị thiệt thòi nhiều do giới tính, tuổi tác và sự nghèo đói của họ. Nữ giới có nhiều khả năng nhiễm HIV qua con đường quan hệ tình dục khác giới hơn so với bất kỳ đường lây truyền nào khác. Khi quan hệ tình dục, phụ nữ không chỉ dễ bị nhiễm HIV hơn so với nam giới về mặt sinh học, mà còn ở những nơi nữ giới không được trao quyền. Ở đó, họ bị giam cầm bởi những tín ngưỡng văn hóa, và do đó không thể tự bảo vệ mình chống lại sự lây nhiễm virus bằng cách từ chối quan hệ tình dục hoặc yêu cầu bạn tình sử dụng bao cao su.
…