Read &Chat #3: Đọc lại “Siddhartha” để hiểu về trải nghiệm trong tu tập

Sau buổi “Read & Chat #2” cùng những chia sẻ xung quanh cuốn sách “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử, các thành viên nhóm chat đã chọn cuốn “Siddhartha” của Hermann Hesse cho buổi trò chuyện số 3. Cuộc thảo luận “Đọc lại “Siddhartha” để hiểu về trải nghiệm trong tu tập” do anh Lê Duy Nam (CEO của Book Hunter) dẫn dắt với chia sẻ của các thành viên nhóm, đã diễn ra vào 21h ngày 23/9/2022.

“Siddhartha” của Hermann Hesse được xuất bản lần đầu năm 1922 bằng ấn bản tiếng Đức. Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện ngụ ngôn giản dị trữ tình về hành trình khám phá tâm linh của một chàng trai sống cùng thời với Đức Phật nhưng lại chọn con đường riêng, khác với Đức Phật. Trải qua muôn nẻo nhân sinh, từ khổ tu cầu minh triết cho tới giàu sang phú quý, từ hoan lạc nồng nàn xác thịt cho tới sầu bi tử biệt sinh ly, rốt cuộc, chỉ khi từ bỏ hết thảy tục lụy thì Siddhartha mới chinh phục được Bản Ngã. Cuối cùng, chàng thanh niên Siddhartha đã giác ngộ được chân lý bên cạnh một dòng sông. Chàng đã lắng nghe tiếng dòng sông và tìm thấy nơi đó mọi dạng hình của đời sống. Chàng đã thấy “pháp giới” trong dòng sông và ngộ được tính nhất thể của vạn sự.

Có lẽ đâu đó các độc giả yêu Hermann Hesse vẫn truyền tay nhau các bản dịch khác của cuốn này nhưng có thể kể ra các bản dịch tiếng Việt đã được xuất bản chính thức như: Câu chuyện dòng sông (Phùng Khánh – Phùng Thăng dịch, 1965); Siddhartha (Lê Chu Cầu dịch, 2016); Siddhartha (Phạm Văn dịch, 2022).

Đối với các thành viên trong nhóm chat, có người thì đã đọc bản dịch Câu chuyện dòng sông, có người thì lại đều đọc cả hai bản dịch Câu chuyện dòng sông Siddhartha của Lê Chu Cầu, có độc giả khác lại đọc bản tiếng Anh từ năm 1999… nhưng dù sao, mọi người đều đồng ý rằng đây là một cuốn sách không khó đọc.

Mở đầu cuộc trò chuyện, anh Lê Duy Nam chia sẻ, Siddhartha là cuốn sách đầu tiên thôi thúc anh phải viết ra điều gì đó sau khi đọc xong và hình ảnh Siddhartha hiện ra càng lúc càng rõ trước mắt anh, từ tâm tư, thái độ đến mong muốn… và anh cũng cho rằng, hoặc có thể đó là anh đang “nhìn người mà thấy mình”, vì anh cũng là kiểu người “thích đặt câu hỏi để truy tìm tận gốc”. Còn với độc giả Ngô Nam, bản dịch mà anh đọc là “Câu chuyện dòng sông” và cảm thấy ý tứ trùng điệp quá nhất thời không biết phải nói sao cho trọn, có điều, anh “thích nhất là đoạn Tất Đạt khước từ luôn cả Đức Phật”.

Anh Lê Duy Nam cũng đặt vấn đề: Mỗi người đều có những hình dung, định nghĩa khác nhau về “tu tập”, vậy thế nào là tu?

Độc giả Đặng Xuân Lương và Lý Uyên cùng quan điểm với nhau, rằng với họ thì “tu” này là trong “tu sửa”, “tập” trong “luyện tập”. Thực hành đều đặn mỗi ngày để hiểu mình, làm mình tốt hơn, đó là “tu tập” vậy.

Bạn Ngọc Kiều Trần chia sẻ, “Cho đến thời điểm này thì với em tu tập là việc thực hành có chủ đích một số “hoạt động”, đích đến của việc thực hành này là trạng thái thông tỏ. Thông tỏ những gì thì em chưa biết, chỉ cảm thấy sẽ có một trạng thái thông tỏ chờ đợi […] Hoạt động chính với em giai đoạn này là “quan sát tâm thức, cảm xúc, cảm giác, diễn biến suy nghĩ” của mình”.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng, “Khái niệm TU này nhiều nghĩa lắm, nó cũng bị biến nghĩa theo các lớp văn hóa rồi. Căn bản thì nó là cách gọi chung cho các phương pháp để linh hồn của mình hiện diện trong đời sống, không để thế giới vật chất của sinh diệt ảnh hưởng đến. Mỗi phương pháp khác nhau lại có cách gọi để biểu hiện cho xu hướng thực hành của họ.”

 

Có thể nói đây là một cuốn sách gợi nhiều câu hỏi, hoặc là một cuộc trò chuyện gợi mở những suy nghĩ mới cho các thành viên. Các ý nghĩ nối tiếp ý nghĩ. Các vấn đề được mở ra nối tiếp các vấn đề. Để rồi mỗi người sẽ tự có thêm những câu trả lời cho riêng mình, biết đâu đấy, tự ai đó lại thêm thông tỏ được điều gì đó mà bấy lâu nay vẫn còn khúc mắc, nhờ cuộc thảo luận về cuốn sách này… Giống như khi nói về quan điểm tu tập, mỗi người có một cách định nghĩa và hình dung riêng tùy theo từng trải nghiệm cá nhân, nhưng khi mọi người nhắc tới linh hồn, anh Lê Duy Nam chợt gợi mở ra một câu hỏi mới khá thú vị: “Giữa thể xác và linh hồn thì cái nào thật hơn?” Thật là một câu hỏi đầy tính triết học. Người đang đọc bài viết này, bạn thử đưa ra phân tích từ những trải nghiệm của cá nhân để suy nghĩ thêm cho một đáp án hay không? Hoặc, có bao giờ bạn nghĩ về câu hỏi này?

Là người mở đầu cho câu hỏi “Tu là gì?”, anh Lê Duy Nam chia sẻ, thực ra TU là gì cũng rất mông lung. Nhưng từ tác phẩm Siddhartha, có thể thấy rằng, trong câu chuyện kể về cuộc tu tập của Siddhartha, nhân vật Siddhartha được xây dựng là một người luôn soi xét.

Câu hỏi tiếp tục được đặt ra ở đây, “Thế nào là yên bình? Làm sao để có được yên bình?”

Bạn đọc thân mến, hẳn là bạn cũng không ít lần nghĩ về “Thế nào là yên bình? Và làm thế nào để có được yên bình trong tâm trí?” Có thể bạn đã và đang tự nghĩ tới điều này và giải thích được cho riêng mình rồi. Mỗi cá nhân có một trải nghiệm, vốn sống, “tu vi” và cả giới hạn khác nhau, vì thế, để có được yên bình trong tâm trí, có thể mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau. Nhưng nhìn chung, phương pháp để có được yên bình trong tâm trí dù diễn ngôn dưới cách nào đi nữa thì chung quy vẫn chỉ để hướng đến một mục đích chung. Vậy tâm trí bạn có gì? Điều gì đang khúc mắc trong tâm trí bạn? Giới hạn của bạn là gì? Bạn có muốn thử thách và vượt qua giới hạn đó hay không?

Còn đối với Siddhartha trong truyện, đó là một hành trình. Bạn Ngọc Kiều Trần chia sẻ, “Theo sự hiểu của em, tác giả đã xây dựng một hành trình liên tục của sự tự khẳng định và tự phủ nhận của anh Sid để cuối cùng tìm đến được chân lý. Tâm đắc nhất là phủ nhận “những người trẻ con với tình yêu và hờn giận tầm thường” rồi cuối cùng anh cũng là trẻ con, là tầm thường và yêu sự tầm thường đấy.”

Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ thêm, “Trong tu có trạng thái là Vô trí, tức là không có suy nghĩ hay vướng bận gì trong hành động.” Bàn đến đây, anh Lê Duy Nam tiếp tục đặt câu hỏi, “VÔ TRÍ có khác VÔ HỒN không? Và có khác THẤT THẦN không?”

Với  Ngọc Kiều Trần, Vô trí “là khi có được tinh thần vô vi + tình yêu thương thì sẽ ở trong bình yên bền vững.”

Anh Lê Duy Nam chia sẻ, “Quay lại với vấn đề yên bình (vô trí)… thì trong cuốn sách nói nhiều về THAM như nguồn gốc của sự không yên bình.” Nhưng với nhà văn Hà Thủy Nguyên thì phải nói về Tiểu Ngã và Đại Ngã mới bàn về bình yên được. Vậy Tiểu Ngã là gì? Đại Ngã là gì?

Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ, “Tiểu Ngã là trạng thái khi mình ý thức được tinh thần của mình, nhận ra mình không phải những gì sinh diệt ở thể xác. Còn Đại Ngã chính là đoạn Siddhartha bàn ở chương cuối của sách. Khi nhận thấy mình và vạn vật không khác biệt, giữa hồn và xác không tách rời nhau. Mọi thứ đều là một tổng hòa. Và thông qua trải nghiệm về tình yêu, Siddhartha đã hiểu ra. […] Đó là cánh cửa mở ra đưa Siddhartha vào Đại Ngã.”

Bạn còn nhớ, các giai đoạn mà nhân vật Siddhartha đã trải qua sau khi bỏ nhà ra đi là gì không? Những gì mà Siddhartha trải qua cũng là cách tu của nhân vật này vậy. Đó là thoát khỏi lệ thuộc vật chất, vượt khỏi phạm vi gia đình; đến với tu khổ hạnh chính là vượt khỏi thể xác và cảm xúc, nhưng Siddhartha vẫn không thấy hài lòng. Tại sao?

Anh Lê Duy Nam cho rằng, bởi vì cái gì đó sâu bên trong Sidd thôi thúc Sidd rời đi chẳng vì nguyên cớ mà ta vẫn hay gọi rằng đó là trực giác, là lời mách bảo của trái tim mà thực ra nó chính là sự thôi thúc đi tiếp để tìm ra chân lý. Kể cả khi Sidd đã gặp được Cồ Đàm, nhưng những gì ở Cồ Đàm mà Sidd thấy được là trạng thái hoàn hảo mà Sidd vẫn tìm kiếm đã biểu hiện ra trên con người Cồ Đàm chứ không phải ở lý luận của ông, vì thế nên dù đã gặp được Cồ Đàm mà Sidd vẫn rời đi. Dù Sidd nghe Cồ Đàm nói về Tham, cách diệt Tham để thoát Khổ, nhưng Sidd lại chọn cách nhảy vào Tham để biết nó là gì – đó là cách Tu mà Sidd lựa chọn (tham gia trải nghiệm vào điều mình đang nghi vấn để biết nó là gì, để ngộ ra chứ không chọn chỉ dựa trên lý thuyết).

Độc giả Ngô Nam bình luận, “Sidd thực tâm ngưỡng phục Cồ Đàm nhưng muốn tự mình thực chứng chứ không muốn thực hành qua lăng kính của người khác nên rời đi. Đọc đến đoạn này em tự hỏi, nếu mọi người là Sidd thì mọi người chọn phương án nào nhỉ.”

Anh Lê Duy Nam cho rằng, “Có một điều cần để ý từ đầu truyện. Sidd là người có định kiến mạnh mẽ. Thậm chí khinh miệt người khác. Nhìn thấy mọi người xung quanh ham muốn những thứ tầm thường… vướng bận những thứ nhạt nhẽo, khổ sở một cách không cần thiết.[…] và khi Sidd muốn trải nghiệm Tham chính là lúc Sidd muốn cảm nhận những điều mà Sidd khinh miệt trước đó. Và rồi sau đó bất chợt chính Sidd khinh miệt bản thân mình…”

Độc giả Tuan Hoang đặt ra câu hỏi, “Theo mọi người, quan điểm của Sidd về việc giác ngộ không thể DẠY mà phải tự CHỨNG lấy mới NGỘ được, có phải ai cũng vậy không?”

Nhà văn Hà Thủy Nguyên bình luận, “Mình nghĩ rằng các bậc thầy dạy phương pháp và giảng giải thì để thoát khỏi ảo tưởng. Chứ để ngộ được cái gì đó thì phải thực chứng. Trong tu tập tâm linh, thì bậc thầy không dạy con đường chứng ngộ, mà chỉ ở đó để gõ đầu mấy anh ảo tưởng thôi. Bản thân người thầy cũng tu luyện thông qua việc này.”

 

“Tiểu ngã có thể đắc qua học tách biệt ý thức khỏi cơ thể vật chật. Sidd đã đăc tiểu ngã thông qua hít thở và nhịn ăn. Nhưng tiểu ngã chỉ là bắt đầu, kiểu là giai đoạn nhận ra mình.” Nhà văn Hà Thủy Nguyên bình luận.

 

Độc giả Tuan Hoang cho rằng: Nếu nhìn ở góc độ phân tâm học theo Freud thì lại có vẻ không khó hiểu. Theo góc nhìn của anh, sau khi gặp Cồ Đàm thì Sidd đã làm suy giảm được SIÊU NGÃ. Nhưng chính vì vậy mà Bản ngã bị lệch ngay về phía Bản năng. Thể hiện rõ ở việc chàng ta bắt đầu mơ về đàn bà. Tác giả lại là người thân Carl Jung dù Jung chọi Freud nhưng cũng không ngoài khả năng tác giả cũng là người chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phân tâm học. Còn nếu nhìn ở góc độ Phật giáo thì lúc đó Sidd chưa loại bỏ được Ngã mà chàng ta đẩy cái Tự ngã của mình to ra bằng Đại ngã. Bởi vậy chàng ta mới có sự kết nối mạnh mẽ với tự nhiên nhưng lại khinh miệt con người và xã hội.

Anh Lê Duy Nam cũng nhắc tới chi tiết khi Sidd sắp tự tử thành công thì lại có “biến”, đó chính là âm “OM” vang lên, đó là một trải nghiệm mà những người tu tập Yoga cũng có thể từng trải qua. Nó như một kiểu thùng cộng hưởng, dao động sóng âm khiến tâm trí mình tập trung lại trên đầu và khiến mình tỉnh táo hơn.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng Sidd sinh ra trong gia đình Bà La Môn nhưng anh ta không vừa lòng với đời sống ton giáo chẳng vui vẻ gì của gia tộc, và anh ta thấy mọi người thì làm theo thôi chứ không hiểu. Thế nên anh ta bắt đầu truy cầu sự thật. Một cách bản năng, anh ta thấy rằng chỉ có dứt bỏ khuôn mẫu cũ, đi ra khỏi những gì đã biết, thì mới óc khả năng gặp chân lý. Do đó anh ta đã thực hành hít thở và nhịn ăn, như một cách để tách bản thân khỏi ham muốn thể xác (dịch theo kiểu diệt tham nghe hơi mệt). Nhờ quá trình này, anh ta ý thức được tiểu ngã. Nhưng tiểu ngã thì không phải tất cả của tu tập. Vì tiểu ngã thuộc về thế giới tinh thần, nhưng cơ thể thì vẫn thuộc về vật chất. Cơn đam mê, ái dục trỗi dậy, nó khiến anh ta thấy một trạng thái không làm chủ và anh ta kinh ngạc vì điều đấy. Tự bản thân thấy rằng mình cần khám phá tiếp sự bất thường này. Nên anh ta đã ĐỌA theo cái gọi là thế tục, thứ mà trước đây anh ta khá khinh miệt. Việc bản năng tình dục trỗi dậy chẳng có gì là sai trái hay kém cỏi trong quá trình tu tập cả. Tùy từng pháp tu và thái độ tu, người ta sẽ lựa chọn là cắt đứt hay nhập cuộc…

Độc giả Tuan Hoang bình luận, “ĐỌA cho Đã tất sẽ NGÁN và ĐẮC”.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng, ĐẮC chỉ là một phần của Tu mà thôi và nó nằm trong một chuỗi các mức độ của quá trình Tu, giống như dòng sông tuôn chảy không ngừng.

Độc giả Tuan Hoang đề cập: Người Ấn Độ thường sùng bái các con sông, có khi nào một phần ở tính biểu tượng của nó giống như trong tác phẩm này diễn giải hay không. Và nhắc tới dòng sông thì hình ảnh gắn liền là người lái đò. Anh cho rằng, Sidd nhìn nhận người lái đò 3 lần thì mỗi lần 1 khác. Lần thứ nhất: Do mới đạt Tiểu Ngã nên Sidd bảo rằng gã này trẻ con giống như một người bạn mình. Lần thứ hai, ôm dừa xong thì cùng kết bạn và xem người lái đò như sư huynh. Tới lần thứ ba, thì Sidd xem người lái đò là thầy, người đã đạt Đại đạo. Dù người lái đò bao năm vẫn vậy, chỉ có Sidd thay đổi mà thôi. Giống như sự thật ngay đó mà mãi sau dần dần mới thấy được.

 

Lẽ vô thường của dòng sông, và dòng sông trong tác phẩm này cũng chính là ẩn dụ như vậy. Dòng sông và dòng thời gian, chân lý ở ngay trước mắt, chỉ có ta là thay đổi mỗi ngày.

Kết thúc buổi “Read & Chat” số #3, cuốn sách được đề xuất để chia sẻ trong số #4 là “Zorba – Con người hoan lạc”, là một cuốn sách mà theo nhà văn Hà Thủy Nguyên thì sẽ thỏa mãn hơn nếu so sánh với “Siddhartha”.

Người viết: Yến Ly

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *