Read & Chat #7: Cùng đọc và thấu hiểu phụ nữ qua “Triết học cho con gái”

          Nhân tuần lễ đặc biệt dành cho phụ nữ trong tháng 10 này, khi kết thúc buổi Read & Chat #6, dịch giả Lê Thúy Ái đã đề xuất “Read & Chat” số 7 dành để thảo luận chia sẻ về cuốn sách “Triết học cho con gái”, một cuốn sách mới do Book Hunter phát hành hứa hẹn nhiều nội dung thú vị. Buổi trò chuyện “Read & Chat #7” đã diễn ra vào hồi 21h ngày 21/10/2022 và sôi nổi kéo dài tới tận gần 1h sáng ngày hôm sau, tại nhóm chat trên facebook, cùng với những chia sẻ của đội ngũ dịch giả cuốn sách này với các thành viên nhóm.

Dù trong nhóm chat có nhiều thành viên chưa đọc cuốn sách nhưng mọi người đều rất quan tâm, bởi chính từ tên sách và những vấn đề hứa hẹn trong cuốn sách. “Triết học cho con gái” là công trình của 20 nữ triết gia đương đại và do Melissa Shew và Kimberly Garchar đồng biên tập. Đội ngũ dịch giả tham gia chuyển ngữ cuốn sách này gồm có: Sophia Ngô, Lê Hải Anh, Vũ Phương Thảo, Lê Thúy Ái và Hà Thủy Nguyên hiệu đính.

Bắt đầu buổi thảo luận, dịch giả Lê Thúy Ái giới thiệu, dù tên sách là “triết học” nhưng “triết trong cuốn này ở mức độ thường thức, dễ đọc và gần gũi với cuộc sống.” Cuốn sách là tập hợp 20 bài viết từ các nữ triết gia đương đại, xoay quanh các vấn đề liên quan đến nữ quyền. Vậy “mọi người có ấn tượng như thế nào về nữ quyền? “Nữ quyền” và “phong trào nữ quyền”?

“Nữ quyền là để dành cho phụ nữ lên ngôi”, độc giả Nguyễn Văn Trường bình luận.

Khi Jenny Duong cho rằng, “Nữ quyền có phải là phụ nữ có khả năng làm việc như nam giới” thì độc giả Lily Phan phản hồi ngay: “Ối đừng”.

Bạn đang nghĩ gì, hỡi người đọc? Bạn sẽ có câu trả lời thế nào cho câu hỏi mà dịch giả Lê Thúy Ái đặt ra?

Dịch giả Lê Thúy Ái chia sẻ, nội dung của cuốn sách sẽ đi từ lịch sử các phong trào nữ quyền, lý giải vì sao có những phong trào đó và mục đích của nó hướng đến điều gì. Và trong phần mà chị dịch, có một chương đề cập đến “Thay đổi nhận thức”. Và chị đã nghĩ “thế thay đổi nhận thức là nhận thức về cái gì?”

“Xuyên suốt chương đó, tác giả đi từ một sự kiện nhỏ là 1 cô gái lên tiếng trong đại hội về quyền lợi cho người lao động và phản chiến, cô ta đề cập đến quyền cho phụ nữ nhưng bị gạt đi vì người ta nghĩ quyền của phụ nữ không quan trọng bằng hai vấn đề kia. Sau đó cô gái khởi động một phong trào thành lập các nhóm tuyên truyền về nhận thức cho phụ nữ.

Mô hình ban đầu rất đơn giản, chỉ là 1 vài người tụ tập và chia sẻ câu chuyện về những gì họ thấy sai sai trong cuộc sống. Rồi cả hội cùng phân tích tại sao lại sai sai và truy ngược nguyên nhân. Đấy là 1 ví dụ về vấn đề mà từng bài viết sẽ khai thác.” Cũng theo dịch giả Lê Thúy Ái, cuốn sách sẽ cho người đọc nắm được lý thuyết cơ bản của các phong trào nữ quyền rầm rộ trên media hiện nay, và hiểu được các điểm mạnh và điểm yếu ở đâu. Theo như lời mở đầu của cuốn sách, bộ đôi biên tập muốn cho người đọc có sự hiểu biết giống như Persephone trong thần thoại. Sự hiểu biết đó là gì, từ nhân vật Persephone trong thần thoại, bạn có thể hình dung ra không?

Nhân vật Persephone được nhắc tới ở đầu cuốn sách, đó là phần nội dung do dịch giả Sophia Ngô chuyển ngữ. Dịch giả Sophia Ngô nhắc lại về nhân vật thần thoại này rằng, Persephone là con gái của nữ thần mùa màng Demeter – một bà mẹ quyền năng rất yêu thương con gái và muốn con gái cư xử theo ý mình. Cho đến khi, Persephone bị vua địa ngục bắt cóc. Cô đã trải qua đoạn thời gian từ sợ hãi tới tò mò khám phá, dành thời gian tu dưỡng năng lực bản thân. Và vua địa ngục không muốn cô dời đi. Trong khi đó thì bà mẹ đang phát điên lên vì mất con, bà đã đi khắp nơi tìm con gái và vì thế bà làm cho thế gian lâm vào khốn khổ. Với dịch giả Sophia Ngô, đây là câu chuyện mà cá nhân chị thấy rất hay. Tình cờ sao, lúc dịch phần nội dung về Persephone mà chị tưởng như đang đọc về chính mình, trừ các chi tiết bị bắt cóc và bị cưỡng hiếp.

Độc giả Hồ Trang bình luận, “Em đang khá trẻ và em cũng đang có trải nghiệm như thế, em không sống giống chuẩn mực con gái thông thường, đôi khi khiến em tự cảm thấy nghi ngờ bản thân mình và liệu mình đang sống ích kỷ hay không, không sống theo kỳ vọng của mẹ khiến mẹ bất an.

Độc giả Cụt Đuôi cũng đồng cảm chia sẻ, “Hồi xưa mẹ mình muốn mình học đàn để chơi mấy bản du dương êm đềm nhưng không, học xong mình thích chơi mấy bản điên khùng tung tóe cơ, mình bảo mẹ chấp nhận đi mấy ông nhà soạn nhạc toàn điên khùng cả, cuộc đời mà ai chả có cái để thất vọng.”

Dịch giả Sophia Ngô chia sẻ, chị thấy đồng cảm với nhân vật Pers bởi vì trải nghiệm rời xa gia đình là thấy cuộc đời tươi đẹp hơn.

Các thành viên khác trong nhóm cũng bắt đầu lên tiếng đồng cảm với nhân vật Pers, một kiểu sống trong địa ngục trần gian.

Nếu bạn đã đọc về Persephone, hẳn bạn đã biết về nhân vật này. Dù có nhiều phiên bản thần thoại, tuy nhiên câu chuyện không thay đổi vẫn là một người mẹ Demeter rất yêu con gái và khiến cho cuộc sống của cô gái đó phải luôn trong tầm kiểm soát của bà. Một bà mẹ kiểm soát? Một bà mẹ yêu con theo cách giữ con trong vòng an toàn và tốt mà bà nghĩ rằng đó là an toàn và tốt nhưng không hẳn đã thực sự tốt cho đứa con? Giờ thì bạn đọc đã thấy không còn xa lạ gì nữa phải không?

Dịch giả Lê Hải Anh cũng chia sẻ, “Em khá thích hình ảnh Demeter vì em thấy nó đại diện cho sự bao bọc và kiểm soát có phần hơi kỹ lưỡng từ phụ huynh. Với em thì đó là mẹ. Từ bé em tin tưởng vào định hướng của mẹ, mẹ em cũng kể câu chuyện ông bà thích mẹ làm giáo viên nên mẹ đã thay đổi ước mơ vào đại học an ninh sang sư phạm (em thấy tính cách của mẹ em siêu an ninh luôn). Em chưa nghĩ sẽ làm trái với mẹ điều gì. Cho đến khi em đi du học Mỹ, vào một ngôi trường nữ quyền, tuy là nữ quyền nhưng trường chưa bao giờ có thông điệp là nữ phải mạnh hơn nam gì đó, đơn thuần là trường khuyến khích và tạo điều kiện cho chúng em khám phá những lĩnh vực yêu thích. Từ đó dần dần em mới thấy em không hợp theo định hướng của mẹ. Đã có rất nhiều cuộc tranh cãi xảy ra đến nỗi mẹ em nói là cho đi du học thì xem như mất con.

Tuy nhiên, vẫn có những đứa con dám phản biện cha mẹ ngay từ bé, như độc giả Lily Phan là một ví dụ. Chị chia sẻ, chị vốn đã bất tuân, từ bé đã thấy những điều sai từ bố mẹ.

Jenny Duong cảm thán: Hầu như ai cũng có một câu chuyện riêng nhưng lại cùng một nội dung và mình cũng không ngoại lệ. Mình nghĩ chính những câu chuyện của chúng ta lại nói lên vấn đề nữ quyền. Vì vô tình chung cũng vì là con gái. Jenny Duong cũng bất đồng với gia đình từ khi bước vào năm thứ nhất đại học và từ đó đã trở thành đứa con không ngoan trong mắt gia đình từ đó.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên bình luận, phần là Persephone là phần chị thích nhất trong cuốn sách, tiếc là tác giả Melliasa lười viết quá (điều mà chính tác giả tự nhận) nên không đi đến tận cùng của biểu tượng Persephone. Và ở phần này có 2 vấn đề nói tới: 1 là các cô gái cần vượt ra khỏi vòng an toàn truyền thống (người mẹ) và đi vào chỗ không biết để khám phá (âm phủ). 2 là chỉ khi bước trên con đường tri thức và làm chủ cuộc sống của mình thì phụ nữ mới hiểu chính mình và là chính mình. Nó mở đầu cho cuộc tìm kiếm chính mình bằng con đường tri thức của các nữ triết gia khác trong cuốn sách.

Dịch giả Sophia Ngô bình luận thêm, Jenny Duong quả là cô gái dũng cảm sớm, bởi chính chị Sophia phải tận khi tốt nghiệp đại học và sang Đài Loan du học mới có gan thực sự thoát khỏi “vòng tay gia đình” mà theo cách nói của chị là “ở xa dám làm càn”. Và chị chia sẻ thêm, “làm càn mà không có tri thức, rất không nên”.

Tới đây, cũng là phần nội dung tiếp theo của cuốn sách, do dịch giả Lê Hải Anh chuyển ngữ, đó là bàn về logic của phụ nữ.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên đặt ra câu hỏi, “Mọi người thấy phụ nữ có logic không?”

Bạn đọc thân mến ơi, bạn nghĩ rằng phụ nữ có logic hay không?

Dịch giả Lê Hải Anh chia sẻ, phần mà chị chuyển ngữ là về hiểu biết, xoay quanh những người phụ nữ đã tạo ra các thành tựu trong lĩnh vực gần như chỉ có nam giới làm, đã đặt ra các ý tưởng hoặc đưa ra các cảnh báo cho các vấn đề mà bây giờ chúng ta đang bàn đến… Những người phụ nữ này đã đi ngược với những định kiến về nữ giới như yếu ớt, không logic…, vượt lên điều kiện thiếu thốn và hạn chế trong lĩnh vực họ theo đuổi để đi con đường họ theo đuổi như tri thức, khoa học… Ngay từ chương đầu về logic cũng đã đặt ra câu hỏi nếu phụ nữ được học tập đầy đủ, tử tế thì họ có thể làm được những gì và tiến xa đến đâu.

Về logic, có một số người nhận định nữ giới và/hay những người ủng hộ nữ quyền không sử dụng logic mà họ chỉ đơn thuần là kêu gào trên internet, than phiền cảm tính. Một số nhà nữ quyền phản đối logic vì họ thấy logic và nữ quyền không liên quan đến nhau, một cái là thiên về lập luận, một bên là phong trào luân lý. Một số nhà nữ quyền khác thì bài trừ logic vì đơn giản logic mang tính nam (từ trước đến giờ toàn đàn ông nói về logic). Họ không muốn chịu ảnh hưởng bởi nam giới nên họ bài trừ logic. Trong khi đó, logic quan tâm đến lập luận có hợp lý và hợp lệ hay không. Hai vế của mệnh đề có bảo toàn được chân lý hay không. Và đương nhiên là sẽ có người dùng logic cho các mục đích không tốt (như bảo thủ…), nhưng logic có thể dùng để nghiên cứu sâu hơn về nữ quyền, ví dụ như nghiên cứu các chủ đề thứ bậc xã hội, hệ thống phụ hệ, các thứ hạng của các nhóm, chủng tộc… Tóm lại, logic bản thân nó không có định kiến, nó giúp chúng ta nhìn nhận, phân tích, đánh giá và đưa ra kết luận nhận định quy củ hơn. Tùy vào từng người sử dụng nó có ý đồ và động cơ gì thì logic có thể gây ra hậu quả hoặc mở ra những góc nhìn mới. Bởi logic có thể dùng cho mục đích tốt và xấu, thế nên sau phần logic là đến phần hoài nghi.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên cũng chia sẻ trải nghiệm thực tế, rằng chị làm việc với không ít nam giới phi logic, dù họ rất nam tính. Cho nên, chị cho rằng nam giới (giới tính nói chung) vốn không liên quan gì đến logic.

Dịch giả Lê Hải Anh đưa ra câu hỏi, mọi người nghĩ sao về việc chúng ta cần phải chắc chắn và biết rõ ràng về mọi thứ để loại bỏ cảm giác bất an?

Bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào?

Khi chúng ta muốn chắc chắn và biết rõ ràng về mọi thứ, là chúng ta đang hoài nghi. Dịch giả Lê Hải Anh chia sẻ, chương về hoài nghi này đặt ra câu hỏi rằng có lúc nào hoài nghi là tốt không, hay hoài nghi, không chắc chắn chỉ đem đến sự lo lắng và bất an? Thực ra ngay cả hoài nghi cũng có các kiểu lập luận (mọi người có thể đọc kỹ hơn trong sách), nhưng chúng ta có thể đón nhận sự ngờ vực và không chắc chắn này. Với một số triết gia thì họ cho rằng sự hoài nghi mang đến cảm giác bình yên trong tâm trí. Điển hình là Trang Tử với vô vi.

Chị diễn giải thêm, ở đây thì hoài nghi giống như một liệu pháp hơn là một mối đe dọa, và một số triết gia đã nói rằng, “cách tốt nhất để quản lý và phát triển sự nghi ngờ là ôm trọn nó.” Thế nào là “ôm trọn hoài nghi”? Đó chính là dũng cảm bỏ lại các nghi ngờ và bước tiếp khi mục đích và kết quả chẳng có gì là chắc chắn cả.

Bạn đã bao giờ dũng cảm bỏ lại mối hoài nghi để tiến về phía trước hay chưa?

Quả là một cuộc trò chuyện về triết học, những vấn đề gợi mở vấn đề, câu hỏi gối tiếp câu hỏi. Dịch giả Lê Hải Anh tiếp tục, “Một câu hỏi vui với mọi người, khoa học hay đề cao tính khách quan thì đã bao giờ mọi người nghi ngờ về tính khách quan của nó hay chưa? Và mọi người nghĩ điều gì ở khoa học thách thức sự khách quan của nó?”

Hiển nhiên, có lẽ giống bạn, người đang đọc bài viết này, phần lớn các thành viên trong nhóm chat cũng đều đã từng nghi ngờ tính khách quan của khoa học.

Một điều rõ ràng, rằng con người có thể tác động đến tính khách quan. Dịch giả Lê Hải Anh dẫn giải, ví như người nghiên cứu sinh muốn kết quả thế này, nhưng thực nghiệm lại ra kết quả khác hoặc phát sinh trường hợp khác, thì người nghiên cứu sinh đó có thể phớt lờ một số khả năng. Trong khi hiện giờ thực nghiệm vẫn là phương pháp đáng tin cậy nhất để tạo ra kiến thức. Vậy nếu đặt trong bối cảnh của nữ quyền thì sao? Một số nhà khoa học là nữ giới có dễ bị các lập luận, mà thực ra là các bao biện, bác bỏ đi thành tựu của họ hay không?

Người đang đọc bài viết này, bạn thấy không, thật thú vị, câu chuyện về nữ quyền và bối cảnh nữ quyền có mặt ở khắp mọi nơi, mọi lĩnh vực, từ những câu chuyện nhỏ nhất và đời thường nhất.

Dịch giả Lê Hải Anh chia sẻ thêm, “Nếu mọi người đã có sách trong tay, thì sẽ biết được chương này nói về nhà khoa học Anna Morandi, một nhà khoa học và giải phẫu tài ba. Bà là người tạo ra các mô hình bộ phận người bằng sáp mà chúng ta vẫn thấy trong các giờ sinh học hoặc ở bệnh viện. Vậy nhưng, bà không được coi là nhà khoa học và cả cuộc đời phải gán mác “người phụ tá của chồng”. Từ câu chuyện của Anna Morandi mà tác giả bài luận đã đi sâu vào khoa học, về tính khách quan của khoa học, làm thế nào mà các nhà khoa học nghiên cứu, đưa ra nhận định… Để rồi cuối cùng ta thấy, một khi lập luận có định kiến, thì dù nó có mang danh khoa học đến đâu, thì vẫn bị xếp vào bao biện, hoặc ngụy khoa học.

Dịch giả Sophia Ngô chia sẻ, “Chị có một người bạn làm nghiên cứu sinh, đại loại là dùng khoai tây tách vàng khỏi các linh kiện điện tử. Mà 90% là công sức của chị ấy. Nhưng bị bác bỏ vì đó là cô gái đến từ một đất nước kém phát triển trên bảng xếp hạng thế giới và vì thế không thể nào có thành tựu đó được, và đó phải là sáng tạo của người thầy. Nếu nghiên cứu sinh này không đưa công thức ra cho người thầy thì mới mong có thể tốt nghiệp.”

Và các thành viên khác cũng chia sẻ những trường hợp tương tự mà mọi người biết đến, về sự phân biệt đối xử với nữ giới trong môi trường nghiên cứu khoa học vẫn đã và đang xảy ra. Sự phân biệt đối xử này có thể với tâm thế hạn chế hoặc không công nhận nữ giới trong nghiên cứu khoa học, nhưng cũng lại có thể là dễ dàng công nhận với tâm thế ban phát.

Từ logic của phụ nữ đến những hoài nghi rồi từ đó đặt trong bối cảnh nữ quyền, dịch giả Lê Hải Anh dẫn thêm, chúng ta có thể đi sâu vào chủ đề công nghệ, để thấy rõ sự liên quan mật thiết giữa người và vật chất cũng như những phân biệt đối xử tương đồng. Thực ra là ở chương này nhắc đến một cảnh báo đến từ một người phụ nữ thôi, về vấn đề mà chúng ta đang đối mặt hiện nay, trách nhiệm vs công nghệ ta tạo ra. Đó là bà Mary Shelly, tác giả của Frankenstein.

Và chị cũng đặt ra một loạt câu hỏi: Công nghệ gần gũi với chúng ta, và nó cũng có thể mang nhiều định kiến. Vậy chúng ta cần làm gì? Những người làm ra công nghệ có nên ngồi cùng với các nhà triết học để bàn về tính đạo đức khi họ tạo ra công nghệ hay không? Hay chúng ta những người dùng có thể dùng logic, sự hoài nghi để đưa ra nhận định và feedback hay không?

Trả lời cho bình luận của bạn Hồ Trang, “Em đang nghĩ làm sao có năng lực để tự tin theo con đường mình lựa chọn, biết là sẽ cô độc đấy nhưng mà hình như em vẫn bị tâm tư của nữ nhân chi phối, sợ đi ngược lại số đông, sợ phải độc hành.” – dịch giả Lê Thúy Ái nhắc tới một câu chuyện được đề cập trong “Triết học cho con gái”. Đó là câu chuyện câu chuyện về Jael trong phần Tzedek, theo tiếng Do Thái thì “Tzedek” là “làm những việc phải làm”. Tác giả mở đầu chương này bằng chuyện của Jael vì Jael chỉ là 1 cô gái bình thường, không ai bắt cô ta phải đi giết hổ nhưng ngôi làng của cô đang bị một con hổ quấy phá. Jael nghĩ ra một mưu kế để diệt con hổ tinh, nhưng bị bố và những người đàn ông trong đôi đi săn gạt đi. Nhưng bố bảo là một chuyện, nghe hay không là việc của Jael. Lúc mọi người đi săn thì cô hát hò dụ con hổ đến nhà, mời nó ăn uống no say rồi cầm búa và nêm ra kết liễu nó.

Dịch giả Lê Thúy Ái dẫn giải: Tác giả có đặt ra một câu hỏi thú vị ở phần này, làm thế nào để biết đâu là tzedek của mình? Liệu nó có phải là việc nổi loạn, đi ngược lại chuẩn mực của xã hội hay không? Nhưng tác giả chọn lý giải đơn giản nhất: cái nào tốt cho bản thân và giúp cho thế giới xung quanh tốt lên, cái đó là tzedek. Cái này giống như mỏ neo, giúp bạn biết lúc nào cần đi ngược và lúc nào cần đi xuôi. Và với ý kiến cho rằng, nữ quyền là phụ nữ làm được những công việc của đàn ông, cái này cũng không hẳn đúng với tinh thần nữ quyền. […] Hay nhất định phụ nữ phải lao ra đường làm boss cũng không phải là nữ quyền.

Chị nhắc lại vấn đề gợi mở từ lúc bắt đầu câu chuyện: Quay lại câu chuyện mình kể ở đầu buổi chat hôm nay, về các nhóm thay đổi nhận thức. Sau thời gian đầu phát triển đúng hướng là giúp phụ nữ nhận ra bất công hoặc quan điểm không đúng về nữ quyền thì nhóm thay đổi nhận thức bắt đầu lộ ra vấn đề. Đấy là sự giao thoa giữa nữ quyền và các vấn đề khác như chủng tộc, văn hóa, trình độ học vấn… Những người phụ nữ tham gia phong trào này bắt đầu nhận thấy trong nội bộ có 1 sự chênh lệch giữa cơ hội phát biểu của phụ nữ da trắng và phụ nữ da màu. Phụ nữ da trắng có nhiều cơ hội nói lên vấn đề của họ hơn. Đồng nghĩa với việc các vấn đề của họ được mổ xẻ và tuyên truyền nhiều hơn, trong khi nhóm còn lại ít có cơ hội. Rất bất ổn. Mọi người đoán xem vấn đề nào hay được nhắc đến trong phong trào nữ quyền?

Nhà văn Hà Thủy Nguyên chia sẻ: Đoạn Ái đang đề cập được khai thác sâu hơn trong phần bàn về độ tín nhiệm của nữ giới, mà phần này do bạn Vũ Phương Thảo dịch. Nhưng nick bạn Thảo bị trục trặc nên không join được nhóm chat. Câu chuyện bắt đầu bằng nàng tiên tri Cassandra, một tư tế được Apollo yêu nhưng nàng ta không đáp lại tình yêu này, và nàng bị Apollo nguyền rủa rằng mọi lời tiên tri của Cassandra sẽ không có ai tin. Và thế là mọi cảnh báo của nàng về sự thất bại của thành Troy đã không được lắng nghe. Câu chuyện này đại diện cho sự thiếu tín nhiệm vào lời nói của nữ giới, đặc biệt là các cô gái trẻ, mà lại còn da màu, hoặc không có học vấn nữa. Sự thiếu tín nhiệm này đến từ việc người ta coi phụ nữ là những thực thể dễ extreme và phi lý trí, mà đôi khi những người phụ nữ trong cộng đồng cũng thêm phần bài xích.

Dịch giả Lê Thúy Ái dẫn giải: Các phong trào theo kiểu đấu tranh dính dáng đến tình dục thì rất nổi, trong khi các phong trào đấu tranh cho giáo dục của trẻ em gái, hoặc cho sức khỏe của phụ nữ, kiểu giáo dục và sức khỏe thì bị xem nhẹ. Tôi thấy gần như media không chạy trending nào về giáo dục và sức khỏe luôn. Vì phụ nữ da trắng không gặp vấn đề với hai mảng này nhiều bằng phụ nữ da màu.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên bình luận: Phụ nữ Việt Nam thì gần gũi với vấn đề phụ nữ da màu hơn, bị coi là lũ đần mỗi khi giận, nên người ta ko thấy nguy hiểm. Lại còn bị lợi dụng cơn giận cho các việc dirty (dơ bẩn).

 

Dịch giả Lê Thúy Ái cũng cho biết, tác giả đặt ra một vấn đề khá trừu tượng là có khi nào đồng cảm có vẻ bất ổn không, như một trích đoạn:

Một lo ngại khác mà tôi đã nghe được về sự đồng cảm là nó tái hiện những phân chia giới tính khuôn mẫu trong công việc cảm xúc và đạo đức. Loại phản đối này cũng được đưa ra để chống lại những phiên bản nhất định của đạo đức học chăm sóc bởi có giả thuyết cho rằng có một khả năng tự nhiên của những người được xem là phụ nữ thì sẽ chu đáo và đảm đang. Các vai trò giới tính nhị nguyên được đặt ra đã cho phép những người mang danh tính nữ và một số “người khác” phát triển cũng như học hỏi khả năng đồng cảm; thực vậy, các tiêu chuẩn giới tính nhị nguyên cho rằng phụ nữ nên quan tâm nhiều hơn và phát triển những khả năng đồng cảm của họ. Đàn ông hợp giới bị ngăn cấm hoặc được khuyến khích lược bớt sự ràng buộc này. Những người đàn ông có xu hướng chu đáo hơn bị xem là “tính đàn bà” và những người phụ nữ không đồng cảm theo cách mà họ được kỳ vọng thường bị xem là thiếu sót hoặc nguy hiểm.”

Vậy cứ phụ nữ thì phải luôn đồng cảm với phụ nữ, nếu không đồng cảm (dù hoàn cảnh nào) thì xứng đáng bị dư luận dễ dàng ném đá sao?

Dịch giả Lê Thúy Ái cho rằng, “Các KOLs chuyên nói về nữ quyền theo hướng chống định kiến hiện này lại đang sa vào cái đi ngược lại nữ quyền, có điều là tinh vi hơn. […] Ví dụ vừa rồi có vụ tranh cãi chuyện 1 bạn nữ mặc thiếu vải ra được chẳng hạn. Một bên thì cho rằng “my body my choice”, và gán tất cả những ai phản đối chuyện ăn mặc thiếu vải vào chung nhãn dán pick me girl (những cô gái cố tỏ ra mình khác biệt chỉ để thu hút sự chú ý của đàn ông).” Và chị kết luận, “Đồng cảm dễ trở thành phóng chiếu ái kỷ, nên là cần đồng cảm một cách thông minh.”

Độc giả Tuan Hoang và Lily Phan rất hào hứng khi chia sẻ về “đồng cảm”. Rõ ràng mọi người đều hiểu và có những trải nghiệm về đồng cảm… đúng mức và hợp lý, cũng như những mặt thái quá của nó.

Cuốn sách “Triết học cho con gái” còn rất nhiều vấn đề mà các dịch giả muốn chia sẻ và các thành viên nhóm cũng đều rất sôi nổi quan tâm. Tuy nhiên, lại thêm một cuộc thảo luận xuyên đêm mà vẫn chưa thể nói hết các vấn đề mà cuốn sách đề cập. Vì vậy mà cuộc trò chuyện đã phải tạm dừng lúc 00h48. Thật tuyệt vời sau một đêm thức khuya, chúng ta lại có một sáng cuối tuần để ngủ nướng!

Cuốn sách tiếp theo mà nhóm chat sẽ thảo luận trong tuần tới là bộ 02 cuốn trong Tủ sách Lyceum “Trẻ em học như thế nào” và “Trẻ em khó học thế nào”, số Read & Chat #8, vào 21h tối thứ Sáu, ngày 28/10/2022. Thân mời bạn đọc cùng theo dõi và tham gia!

Người viết: Yến Ly

Tìm hiểu thêm:

Để hiểu thêm khái niệm “vô vi” của Trang Tử, bạn đọc có thể tham khảo tại đây. 

Bạn có thể đọc thử “Triết học cho con gái” tại đây. 

Để theo dõi các buổi trò chuyện khác của Book Hunter, quý vị có thể đọc lại các bài tường thuật tại đây.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *